Trúng tuyển trường nghề âm thầm nhập học

GD&TĐ - Góp ý xây dựng hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nhiều chuyên gia cho rằng, GDNN ở Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, đầy đủ.

Thực tế, nhiều gia đình nếu con em đỗ đại học thì mổ lợn ăn mừng, còn trúng tuyển vào GDNN thì lặng lẽ nhập học. Ảnh minh họa
Thực tế, nhiều gia đình nếu con em đỗ đại học thì mổ lợn ăn mừng, còn trúng tuyển vào GDNN thì lặng lẽ nhập học. Ảnh minh họa

Tạo chuyển biến trong nhận thức

Tổng cục GDNN (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa ban hành Quyết định số 270 về việc xây dựng và phát triển không gian truyền thông GDNN, hình thành hệ sinh thái truyền thông GDNN giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Phạm Văn Sơn, chuyên viên cao cấp, Vụ Khoa giáo, Văn phòng Chính phủ nêu thực tế: Hiện nay, tại nhiều gia đình nếu con em đỗ đại học thì mổ lợn ăn mừng, còn trúng tuyển vào GDNN thì lặng lẽ nhập học.

“Nhận thức của xã hội về GDNN vẫn chưa đi vào chiều sâu. Do đó, mỗi cơ sở GDNN, mỗi bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, chủ động rà soát các vấn đề vướng mắc, tồn tại để có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Trong chiến lược phát triển GDNN sắp tới, cần chú trọng công tác truyền thông về GDNN” - ông Sơn cho biết.

Cùng quan điểm, ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh cho biết, tại các địa phương, vấn đề truyền thông về GDNN ngày càng đặt ra cấp thiết, nhất là trong bối cảnh phát triển nguồn nhân lực cao.

Theo ông Trực, việc xác định đối tượng truyền thông rất quan trọng. Cần hướng mạnh truyền thông GDNN vào lao động ở các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các đối tượng tiềm năng.

Cùng với đó, quan tâm lựa chọn đội ngũ nòng cốt làm cộng tác viên truyền thông từ các cơ sở GDNN, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các ngành liên quan.

Cùng góc nhìn, nhà báo Phan Thanh Hải, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống chia sẻ, các câu chuyện học nghề được đăng tải đã cho thấy được sức lan tỏa mạnh mẽ và từng bước góp phần thay đổi nhận thức của xã hội.

“Nhiều gia đình vẫn nặng nề câu chuyện học nghề không sang, thu nhập không cao. Tuy nhiên, khi được giới thiệu những tấm gương học nghề thành công đã phần nào thay đổi góc nhìn của các bậc phụ huynh và học sinh. Công tác truyền thông về GDNN theo đó nên quan tâm, chú trọng mô hình truyền thông này. Những tấm gương đi ra từ học nghề với cơ hội phát triển và nguồn thu nhập tốt sẽ có tính thuyết phục cao hơn những bài báo đơn thuần”, ông Phan Thanh Hải nói.

Không truyền thông thái quá

TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội cho rằng, phải có quan điểm rõ ràng đối với câu chuyện tuyển sinh. GDNN không phải là vơ bèo vạt tép, không phải là không còn đường nào để đi mới vào GDNN. Các trường cũng cần đặt ra tiêu chí điểm cao mới tuyển sinh.

Theo ông Khánh, để truyền thông hiệu quả cần chú trọng đến sự khác biệt của GDNN với giáo dục đại học, quan tâm đến tiếng nói của doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh. Truyền thông mạnh về GDNN nhưng truyền thông đúng, khách quan, không truyền thông thái quá.

Quan tâm đến cấu trúc hệ sinh thái truyền thông GDNN, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho rằng, cần xác định các đầu mối, hạ tầng để xây dựng hệ sinh thái. Hệ sinh thái truyền thông GDNN cần có sự tham gia của cơ quản quản lý Nhà nước, các cơ sở GDNN, doanh nghiệp, người học…

Từ các đầu mối này sẽ xây dựng tài nguyên cho hệ sinh thái truyền thông GDNN. Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ truyền thông liên quan đến các cơ chế, chính sách, định hướng chung cho hệ sinh thái truyền thông.

Các cơ sở GDNN cung cấp cơ sở dữ liệu hệ thống cơ sở GDNN của cả nước. Doanh nghiệp cung cấp thông tin công khai nhu cầu nhân lực, nhu cầu công nghệ, giải pháp doanh nghiệp.

Xã hội cung cấp các phản biện xã hội cho GDNN, cung cấp các hoạt động truyền thông GDNN, cung cấp các dịch vụ xã hội cho GDNN.

Chẳng hạn như dịch vụ kiểm định chất lượng GDNN, dịch vụ giới thiệu việc làm, dịch vụ đưa người lao động qua đào tạo GDNN đi xuất khẩu lao động.

Người học cung cấp nhu cầu học nghề, định hướng, hướng nghiệp, nhu cầu tư vấn, tìm việc, cung cấp thông tin khảo sát liên quan…

Tổng cục GDNN cho biết sẽ tập trung xây dựng và phát triển không gian truyền thông GDNN. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2022 sẽ chú trọng xây dựng hạ tầng số và phát triển các sản phẩm số. Triển khai xây dựng không gian truyền thông GDNN tại các nơi công cộng, địa điểm đông người qua lại bằng các gian hàng GDNN, các biển quảng bá về GDNN… tại các địa phương.

Để thực hiện các mục tiêu này, Tổng cục GDNN đã đưa ra các nội dung xây dựng và phát triển không gian truyền thông GDNN. Trong đó nhấn mạnh xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, địa điểm cho truyền thông. Cùng với đó, các cơ sở GDNN cần xây dựng, phát triển các nội dung truyền thông GDNN.

Việc tổ chức các hoạt động truyền thông phải gắn với từng năm, từng giai đoạn và đặc thù của từng cơ sở GDNN, từng đơn vị. Mục tiêu từ nay đến năm 2025 để hình thành hệ sinh thái truyền thông GDNN.

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhấn mạnh: “GDNN có vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, nhận thức của người dân, xã hội về GDNN chưa tương xứng với vị trí, vai trò này.

Khái niệm hệ sinh thái truyền thông GDNN bởi thế lần đầu tiên được đề cập với mong muốn đa dạng hóa hình thức truyền thông, đảm bảo truyền tải đầy đủ, kịp thời các hình ảnh GDNN đến mọi người, mọi lúc, mọi nơi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ