Trường học không tiền mặt từ nỗ lực chuyển đổi số trong Giáo dục

GD&TĐ - Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai tại hầu hết cơ sở giáo dục trên cả nước.

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

Đây là xu thế tất yếu, tuy nhiên, thực tế cho thấy còn không ít khó khăn cần có giải pháp về chính sách để thực hiện việc này hiệu quả, góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục.

Nhiều lợi ích

Phòng GD&ĐT Than Uyên (Lai Châu) triển khai thanh toán điện tử từ năm 2020 đến 35/35 trường học trên địa bàn huyện. Cụ thể, thực hiện thanh toán trực tuyến với Kho bạc Nhà nước, kê khai thuế thu nhập cá nhân, xuất hóa đơn điện tử, thu học phí…

Trưởng phòng GD&ĐT Trịnh Ngọc Hải cho biết, phòng GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Công văn số 682/UBND-VX ngày 3/3/2023 của UBND tỉnh Lai Châu thực hiện Quy định kỹ thuật về dữ liệu trong thanh toán không dùng tiền mặt đối với việc thu học phí và khoản thu dịch vụ giáo dục đến tất cả đơn vị trường học. Đến thời điểm hiện tại các trường: Mầm non thị trấn, tiểu học thị trấn, THCS thị trấn huyện thực hiện thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục không dùng tiền mặt.

“Thực tế cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt có ưu điểm là nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm chi phí và thời gian, an toàn bảo mật thông tin, lưu trữ hồ sơ, chứng từ được đảm bảo, không lo mất, hư hỏng chứng từ thanh toán; hạn chế nỗi lo khi giữ nhiều tiền mặt; dễ dàng quản lý, thu chi, quản lý tài chính của đơn vị...

Tuy nhiên, đôi lúc do đường truyền Internet không đảm bảo nên việc giao dịch điện tử gặp khó khăn, phải thực hiện nhiều lần, nhất là dịp cuối năm tài chính. Đa số phụ huynh học sinh vùng dân tộc không có tài khoản cá nhân, sử dụng công nghệ thông tin chưa thành thạo. Phụ huynh còn tâm lý lo ngại khi không được nộp tiền mặt”, ông Trịnh Ngọc Hải chia sẻ.

Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) cũng triển khai thanh toán điện tử từ nhiều năm trước. Cô Hiệu trưởng Trần Thị Bích Hạnh cho hay: Trường đã dùng Dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước qua Cổng dịch vụ công quốc gia; sử dụng chữ ký số của hiệu trưởng và kế toán để đẩy chứng từ thu chi qua Kho bạc; được thông báo tiếp nhận, hoàn thành hay không hoàn thành chứng từ trên email của đơn vị. Trường đồng thời sử dụng chữ ký số để quyết toán thuế thu nhập cá nhân; báo tăng giảm lao động; báo cấp thẻ bảo hiểm y tế học sinh…

Cách làm này giúp Kho bạc Nhà nước kiểm soát được thu chi theo đúng định mức và quy định hiện hành. Đơn vị sử dụng dịch vụ có thể thanh toán, chuyển nhận tiền an toàn, nhanh chóng, chính xác nhất. Không chỉ tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí, mà còn chủ động hơn trong công việc, giúp hồ sơ thanh toán đúng hạn. Dữ liệu được lưu trữ đồng bộ trên hệ thống, không may làm mất vẫn có thể lấy dữ liệu được…

Tại Bắc Ninh, đến nay, các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 100% thanh toán khoản chi ngân sách Nhà nước cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và khoản chi trả cá nhân khác; thanh toán mua sắm hàng hóa, điện, nước, nộp thuế… sử dụng ngân sách Nhà nước bắt buộc phải chi trả qua tài khoản ngân hàng tại hệ thống Kho bạc Nhà nước đã được thực hiện bằng hình thức không dùng tiền mặt. Năm học 2023 - 2024, sau khi được cấp thẩm quyền phân loại tự chủ theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP và Thông tư 56/2022/TT-BTC, sở GD&ĐT tiếp tục triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với khoản thu trong cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Cần quy định rõ ràng

Thực tế triển khai thanh toán không tiền mặt trong ngành Giáo dục còn có khó khăn. Tại các cơ sở giáo dục công lập Bắc Ninh, toàn bộ tiền học phí thu được đều được gửi vào tài khoản của đơn vị mở tại Kho bạc Nhà nước, nên việc nộp học phí không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng còn rào cản. Bên cạnh đó, số ít trẻ em, học sinh là con lao động phổ thông, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp… có việc làm không ổn định, do vậy không có tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng; một bộ phận lớn nhân dân và người lao động chưa có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.

Với Trường Tiểu học Hạ Hòa, chia sẻ của cô Trần Thị Bích Hạnh, khi giao dịch, chữ ký số đã ghi rõ ngày giờ thời gian ký. Nếu sai thời điểm ngày, tháng ký, hồ sơ sẽ không được chấp nhận. Giao dịch qua Kho bạc đầu tháng, đầu năm, cuối tháng và nhất là cuối năm, hệ thống truy cập rất đông, gây tình trạng nghẽn hệ thống, không thể truy cập và không thể đẩy chứng từ đúng tiến độ.

Ký số đơn vị phải mua nhà cung ứng với giá rất cao (hiệu trưởng, kế toán khoảng 1 triệu/người/năm). Chữ ký số đăng ký của cơ yếu Chính phủ, không mất tiền, nhưng thời gian chờ đợi lâu (1 đến 2 tháng) và hỗ trợ cài đặt và hướng dẫn sử dụng thì lỏng lẻo, không cụ thể, không đạt kết quả mong muốn.

Cô Trần Thị Bích Hạnh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần áp dụng các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp, thuận lợi cho cơ sở giáo dục đào tạo, học sinh, sinh viên, giảng viên, người lao động trong thu, nộp thuế, thanh toán học phí, chi trả chế độ, chi trả lương, trợ cấp từ bảo hiểm xã hội.

Chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và có thể áp dụng đối với khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo hoạt động an ninh, an toàn, hiệu quả.

Từ thực tế triển khai tại huyện Than Uyên, ông Trịnh Ngọc Hải mong muốn Chính phủ ban hành hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán qua hệ thống ngân hàng thương mại, thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình, sản phẩm dịch vụ thanh toán mới. Ban hành quy định về khuyến khích cơ chế đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công. Thống nhất biểu phí giao dịch và có chính sách miễn phí chuyển tiền cho cơ sở giáo dục đào tạo và học sinh, sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ