Tận dụng nguồn lực từ chuyển đổi số trong ngành Giáo dục

GD&TĐ - Tận dụng công nghệ, các trường học đang đẩy mạnh sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trực tuyến...

Hoạt động sinh hoạt chuyên môn trực tuyến Trường THCS Nguyễn Du, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp).
Hoạt động sinh hoạt chuyên môn trực tuyến Trường THCS Nguyễn Du, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp).

Tận dụng công nghệ, các trường học đang đẩy mạnh sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trực tuyến để tận dụng trí tuệ tập thể trong nâng cao chất lượng giáo dục. Điều này giúp giáo viên hạn chế đi lại, tiết kiệm chi phí, có thêm thời gian cho gia đình…

Công nghệ góp phần phát huy trí tuệ tập thể

Sau đại dịch Covid-19, hình thức học tập, sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường phát triển mạnh mẽ; giáo viên cũng mạnh dạn hơn trong ứng dụng công nghệ. Sinh hoạt chuyên môn theo hình thức trực tuyến bổ trợ cho giáo viên song song với hình thức trực tiếp, giúp thầy cô giáo ở xa hạn chế di chuyển khi hội họp.

Thời gian qua, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (TP Rạch Giá, Kiên Giang) luôn chú trọng hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn. Theo lãnh đạo nhà trường, tổ chức sinh hoạt chuyên môn ở cấp tổ, trường và cụm trường đảm bảo cụ thể, thiết thực, hiệu quả; tránh trình bày, báo cáo chỉ có tính chất lý thuyết. Đồng thời trường khuyến khích giáo viên sinh hoạt chuyên môn trực tuyến thông qua phần mềm truy cập hệ thống trường học kết nối.

Cách làm này đã tận dụng nguồn lực các tổ, khối chuyên môn trong nhà trường với trường bạn, góp phần nâng cao năng lực cho tổ trưởng trong chỉ đạo chuyên môn; nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm cho giáo viên trong hoạt động dạy học. Qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn về đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh; tạo cơ hội để mỗi giáo viên được phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp sáng kiến kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục.

Tại TP Cần Thơ, sinh hoạt tổ chuyên môn cũng được nhiều trường học duy trì thực hiện. Để triển khai hiệu quả, nhà trường xây dựng kế hoạch, phân công, phân nhiệm cụ thể, tập huấn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, cũng như phần mềm hỗ trợ trong dạy học thông qua các tiết dự giờ dạy mẫu cho giáo viên.

Các trường phân công giáo viên Tin học, hoặc một số giáo viên có kỹ năng công nghệ thông tin hỗ trợ các đồng nghiệp lớn tuổi hoặc còn hạn chế về khả năng sử dụng, chuẩn bị tốt hơn cho các tiết dự giờ; Khuyến khích các nhóm bộ môn tăng cường dự giờ, sinh hoạt chuyên môn theo hình thức trực tuyến thông qua cuộc thi, hội giảng, thao giảng…

Theo thầy Trang Minh Thiên, Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (TP Cần Thơ), sinh hoạt chuyên môn, dự giờ trực tuyến có ưu điểm là tiết kiệm thời gian đi lại của giáo viên, học sinh, tiện lợi trong trình chiếu, chia sẻ hình ảnh, video, giúp bài học thêm sinh động. Giải pháp này không bị hạn chế do không gian phòng học nên số lượng người dự được nhiều hơn; có thể lưu bài dạy sau buổi học, học sinh chưa hiểu có thể mở ra xem lại.

Sinh hoạt chuyên môn trực tuyến các trường mầm non địa bàn TP Rạch Giá (Kiên Giang).

Sinh hoạt chuyên môn trực tuyến các trường mầm non địa bàn TP Rạch Giá (Kiên Giang).

Chia sẻ, gỡ khó cho quá trình dạy học

Theo đại diện Sở GD&ĐT An Giang, sinh hoạt tổ chuyên môn và sinh hoạt hội đồng bộ môn các cấp vẫn được cơ sở giáo dục ở địa phương duy trì thường xuyên bằng hình thức trực tuyến. Nhà trường khuyến khích các tổ chuyên môn tăng cường trao đổi, thảo luận qua nhóm Zalo hay ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp.

Tại Trường Tiểu học Vĩnh Hải 3 (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), giáo viên vận dụng khá linh hoạt, sáng tạo các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục; phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình, khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trực tuyến. Hiện trường trang bị tivi từ nguồn xã hội hóa, kết nối mạng Internet để giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, liên kết nguồn tài nguyên trực tuyến cho tiết dạy sinh động, lôi cuốn học sinh…

Tuy nhiên, theo thầy Hiệu trưởng Dương Sô Thol, khó khăn hiện nay là trang bị thiết bị dạy học còn chậm, thiết bị còn thiếu nên trường sử dụng một phần thiết bị cũ. Việc khai thác, sử dụng, bảo quản các trang thiết bị dạy và học ở một số giáo viên chưa tốt, hiệu quả chưa cao, chưa khai thác hết công năng của các thiết bị. Xã Vĩnh Hải là vùng đông đồng bào dân tộc nên khó khăn trong việc tiếp cận những vấn đề mới. Một số giáo viên, nhất là những thầy cô lớn tuổi, yếu công nghệ thông tin, ít nghiên cứu kỹ chương trình đổi mới nên lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ…

Việc sinh hoạt tổ chuyên môn trực tuyến bên cạnh thuận lợi cũng còn một số vướng mắc, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, hạ tầng công nghệ, thiết bị thiếu và yếu, năng lực ứng dụng công nghệ của cán bộ, giáo viên có hạn…

Bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) nhìn nhận: Sinh hoạt chuyên môn trực tuyến là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, sinh hoạt trực tuyến càng chứng tỏ giá trị và lợi ích. Giải pháp này tạo cơ hội tham gia cho nhiều người. Cán bộ, giáo viên có thể tranh thủ tham gia, tiết kiệm được thời gian, kinh phí đi lại, kinh phí tổ chức.

Người tham gia có thể chủ động trong trao đổi và nghiên cứu nội dung thảo luận, hoặc cung cấp thông tin cho nội dung thảo luận nhanh chóng, thuận tiện... Tuy nhiên, để triển khai sinh hoạt chuyên môn trực tuyến có hiệu quả, trước hết đội ngũ cần được trang bị, cập nhật kiến thức về công nghệ. Quan trọng nhất là thiết bị phục vụ cho sinh hoạt chuyên môn trực tuyến phải đảm bảo…

Với kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến trong đại dịch Covid-19, cán bộ, giáo viên đã có nền tảng, kỹ năng sử dụng ứng dụng Zoom, Google Meet, K12Online... Để nâng cao kỹ năng và phát huy tính năng công nghệ, các trường học đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn qua phần mềm dạy học trực tuyến như Google Meet, Zoom, Quizziz, Blooket, Wordwall... Nhờ đó, giáo viên có cơ hội chia sẻ, trao đổi về các phần mềm dạy học trực tuyến và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khi sử dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.