Phủ sóng công nghệ, cần đầu tư xứng đáng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Quá trình triển khai chuyển đổi số trong ngành Giáo dục đòi hỏi giải pháp mang tính chiến lược dài hạn và lộ trình cụ thể...

Tiết học Địa lý chuyên đề Đô thị hóa có ứng dụng CNTT với trò chơi Mê cung thành phố của cô Phạm Thị Ái Vân – giáo viên Địa lý, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng).
Tiết học Địa lý chuyên đề Đô thị hóa có ứng dụng CNTT với trò chơi Mê cung thành phố của cô Phạm Thị Ái Vân – giáo viên Địa lý, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng).

Quá trình triển khai chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, bên cạnh kết quả đạt được cũng xuất hiện khó khăn về hạ tầng, cơ sở pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật thông tin… Điều này đòi hỏi giải pháp mang tính chiến lược dài hạn và lộ trình cụ thể.

Nhận diện thách thức

Thầy Hồ Hải Sơn, GV Sinh học, Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), nhìn nhận, hầu hết website của các trường học hiện nay chỉ đơn giản là thông tin thông báo. Trong khi đó, nếu triển khai dạy học trực tuyến, buộc phải có cổng đào tạo. “Cổng đào tạo là hệ thống liền mạch gồm website, hệ thống dạy học, chấm điểm, quản lý tài khoản. Muốn xây được cổng đào tạo, ngoài bài toán về kinh phí còn là yếu tố con người tham gia vận hành. Để có cổng đào tạo, nhà trường phải phối hợp với công ty phần mềm; có thời gian và kinh phí để hướng dẫn giáo viên sử dụng vào giảng dạy”, thầy Sơn thông tin.

Thời gian qua, ngành đã triển khai số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung từ Trung ương đến tất cả các sở, phòng GD&ĐT và cơ sở giáo dục. Trên 80% cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng phần mềm quản lý trường học, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử và hầu hết cơ sở giáo dục đại học đều sử dụng phần mềm quản trị nhà trường. Hệ thống quản lý hành chính điện tử kết nối từ Bộ GD&ĐT đến các sở GD&ĐT và cơ sở đào tạo trên cả nước đã bước đầu phát huy hiệu quả. Đặc biệt, trong hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, quá trình chuyển đổi số trong ngành Giáo dục đã mang lại kết quả rõ nét.

Tuy nhiên, thực tế của các trường học cho thấy còn nhiều rào cản trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, từ cơ sở vật chất, nhân lực và cả cơ sở pháp lý. Thầy Phan Quốc Duy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), thông tin: “Nhà trường cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy từ nhiều năm gần đây như: Ứng dụng Zalo, tin nhắn edu, đăng thông tin trên website, bỏ sổ điểm truyền thống chuyển sang sổ điểm, học bạ điện tử để quản lý dữ liệu của học sinh.

Các công văn được chuyển đến bộ phận qua thư điện tử. Thực hiện báo cáo, thống kê qua email và forms. Xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra và tiến hành kiểm tra học sinh trên máy tính ở phòng Tin học. Các tổ chuyên môn sử dụng phần mềm chấm trắc nghiệm vào chấm kiểm tra với phiếu tương tự bài thi tốt nghiệp THPT”.

Tuy nhiên, theo nhận xét của thầy Duy, dù ở quy mô cấp trường thì những “đầu việc” thực hiện chuyển đổi số của Trường THPT Nguyễn Trãi mới chỉ là bước đầu. “Việc chuyển đổi số cần được đẩy mạnh hơn nữa. Thế nhưng quá trình này nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau và nếu thực hiện không đúng hướng sẽ kéo lùi sự phát triển của nhà trường”, thầy Duy khẳng định đồng thời cho rằng:

Xây dựng kho học liệu số như sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử, phần mềm ứng dụng mô phỏng cần có kế hoạch cụ thể và đồng bộ và sự đầu tư lớn cho nhân, vật lực, mất thời gian, công sức và tài chính.

Việc thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số cần hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin. Chưa kể, kiểm tra trên máy tính chưa có kế hoạch cụ thể về ngân hàng đề. Phần mềm để kiểm tra trên máy chưa có độ bảo mật cao trong khi học sinh nếu sử dụng mạng Internet tìm lời giải khá dễ.

Nhiều cán bộ quản lý giáo dục có chung nhận xét rằng, vẫn còn tình trạng một số giáo viên ứng dụng CNTT vào dạy học nhưng quá trình giảng dạy vẫn còn nặng về hình thức, mang nặng tính chất trình diễn. Nếu giáo viên không kết hợp với các phương pháp dạy học khác thì đôi khi ứng dụng CNTT vào dạy học sẽ làm giảm phần nào sự giao tiếp giữa thầy và trò.

Về phía người học, một bộ phận học sinh chưa thật thích nghi với phương pháp học hiện đại này, chỉ thụ động ngồi nghe, xem phim, ảnh và sôi nổi bình luận. Một số em gặp khó khăn trong việc ghi chép bài, không biết lựa chọn thông tin, nội dung chính để ghi, ghi chậm hoặc không đầy đủ.

Trường THPT Nguyễn Trãi thử nghiệm kiểm tra trên máy tính.

Trường THPT Nguyễn Trãi thử nghiệm kiểm tra trên máy tính.

Kết hợp nguồn lực công - tư trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong giáo dục là một thay đổi trong đó có áp dụng CNTT hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của học sinh, sinh viên, giảng viên và các trường học; tạo ra môi trường học tập nơi mà mọi thứ được kết nối. Đây là hệ sinh thái kết hợp công nghệ, dịch vụ và bảo mật để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số; tạo ra trải nghiệm học tập hợp tác, tương tác và cá nhân hóa.

GS.TS Trần Văn Nam, nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng, đề xuất cần thúc đẩy một số nền tảng cơ bản phục vụ giáo dục như: Hạ tầng kết nối (5G, mạng lưới viễn thông…) và hành lang pháp lý về an toàn thông tin; chính sách về giáo dục hướng đến đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực số.

“Quan trọng hơn cả là cần tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái các công ty đầu tư về công nghệ giáo dục (EdTech). Bởi tập trung vào sử dụng công nghệ trong giáo dục như AI, ML, Blockchain… sẽ mang lại thành công lớn trong việc giải quyết những thiếu sót đang ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục hiện nay ở Việt Nam.

Chính vì thế cần khuyến khích các công ty khởi nghiệp EdTech để tạo ra các giải pháp sáng tạo không chỉ hỗ trợ cho tình trạng “bình thường mới” - học tập ở nhà thời kỳ hậu Covid, mà còn thúc đẩy khả năng tiếp cận và cung cấp chất lượng giáo dục bình đẳng cho tất cả đối tượng, không phân biệt giàu nghèo hay vị trí địa lý”, GS.TS Trần Văn Nam gợi ý.

Đề xuất phương hướng, lộ trình chuyển đổi số tại Trường THPT Nguyễn Trãi, thầy Phan Quốc Duy cho rằng, để nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, ngoài kinh phí từ nguồn chi tiêu nội bộ, cần ưu tiên hình thức thuê dịch vụ và huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia. Trong đó hướng tới mục tiêu đồng bộ điều kiện hạ tầng mạng, thiết bị CNTT phục vụ dạy học; quan tâm đến việc dạy học trực tuyến. Đầu tư một phòng thí nghiệm – thực hành STEM theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), kinh phí ít nhất khoảng 200 triệu.

Cùng với sử dụng kho dữ liệu chung đã được ngành Giáo dục thẩm định, Trường THPT Nguyễn Trãi đã xây dựng kho dữ liệu là video các bài học, thí nghiệm để học sinh trong trường học tập, tham khảo như thư viện học liệu của Bộ GD&ĐT, kho thư viện bài giảng điện tử, E-learning...

“Mong muốn của nhà trường là nâng cấp hạ tầng mạng (đường truyền) và website của trường, qua đó có thể tải lên các bài giảng, tài liệu phục vụ học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên. Học sinh, cựu học sinh của trường có nhu cầu trong bất kỳ hoạt động quản lý nào, như đăng ký mượn học bạ, chứng nhận điểm, liên lạc cựu học sinh, nộp đơn xin phép, đơn xin chuyển lớp… có thể gửi yêu cầu theo mẫu trên trang web, ứng dụng mà không cần đến trực tiếp”, thầy Phan Quốc Duy cho biết.

Ở khía cạnh khác, bà Lê Thị Hoàng Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Khê (Đà Nẵng), cho rằng, hiện website của các trường học chưa có sự liên kết. Vì vậy, rất khó để các trường có thể sử dụng, khai thác tài nguyên của nhau nếu không cùng sử dụng chung một phần mềm. Hầu hết, nhà trường sử dụng phần mềm miễn phí nên sự hạn chế về dung lượng.

“Phòng GD&ĐT Thanh Khê đang xây dựng kế hoạch mua phần mềm bản quyền để các trường học trên địa bàn có sự thống nhất khi xây dựng kho học liệu số. Với cách làm này, giáo viên có thể cập nhật, chỉnh sửa nội dung bài giảng qua từng năm học theo yêu cầu thực tế, như bổ sung nội dung mới, lược bỏ các nội dung được tinh giản… Các trường cùng bậc học có thể sử dụng hoặc tham khảo bài giảng điện tử của nhau trên website. Hơn thế, đây sẽ là nền tảng để phòng xây dựng ngân hàng đề dùng chung trong toàn quận”, bà Lê Thị Hoàng Chinh thông tin.

Giờ học STEM của học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng).

Giờ học STEM của học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng).

Kỹ năng số trong môi trường giáo dục số

Theo thầy Phan Hoàng Bách, GV Trường THPT Đakrông (Quảng Trị), chuyển đổi số buộc giáo viên vừa là người cung cấp tri thức, vừa phải đóng vai trò định hướng cho quá trình tự nhận thức của học sinh. Thay vì giáo viên đảm nhận các khâu của quá trình giáo dục thì có thể chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh thông qua phương tiện hiện đại, hướng dẫn các em khai thác tư liệu từ nơi khác.

Để làm được điều này, ngoài trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị giúp giáo viên tiếp cận đổi mới thì bản thân mỗi người phải nỗ lực học hỏi không ngừng, nắm vững kiến thức cơ bản về công cuộc chuyển đổi số. Nếu giáo viên không bắt kịp sự phát triển đó sẽ khó định hướng hướng đi, cách làm; học sinh thiếu sự hướng dẫn trong khai thác và tiếp cận thông tin, thậm chí là tiếp cận sai.

Cần đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực của nhà trường trong thực hiện chuyển đổi số, bao gồm cả kiến thức, kỹ năng là đề xuất của thầy Phan Quốc Duy trong quá trình chuyển đổi số.

“Trước hết là kỹ năng sử dụng CNTT, an toàn thông tin mạng, kỹ năng khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ công việc dạy - học. Vì vậy, cần chú trọng bồi dưỡng năng lực số cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và người học”, thầy Duy nêu giải pháp.

Khi đã có kỹ năng số, nhà trường mới có thể thực hiện số hóa triệt để, sử dụng văn bản điện tử, sổ sách, học bạ, sổ điểm điện tử thay thế văn bản, tài liệu giấy; hoạt động chỉ đạo, điều hành, giao dịch, họp, tập huấn được thực hiện chủ yếu trên môi trường mạng. Hồ sơ, giáo án của giáo viên có thể lên nền tảng đám mây. Từ đó, cán bộ quản lý được cấp quyền sẽ kiểm tra thường xuyên và nhanh chóng.

Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) thời gian qua có nhiều giải pháp để xây dựng nền tảng công dân số cho học sinh. Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, nhà trường bước đầu trang bị cho học sinh kỹ năng CNTT và an toàn thông tin số. Học sinh được hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm nguồn tài liệu, tham gia trao đổi học tập, kiểm tra đánh giá qua các dịch vụ online trên máy tính cá nhân và điện thoại thông minh. Ngoài ra, nhà trường tổ chức các diễn đàn, tọa đàm nhằm giáo dục cho HS về văn hóa – đạo đức mạng, an ninh mạng và trách nhiệm công dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ