Nỗ lực đưa trí tuệ nhân tạo vào trường học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - TPHCM đang nỗ lực chuẩn bị để tiến tới triển khai giảng dạy trí tuệ nhân tạo (AI) trong các trường phổ thông.

Học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh hào hứng trong giờ học AI.
Học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh hào hứng trong giờ học AI.

Theo định hướng, AI đóng vai trò như các trợ lý, hỗ trợ giáo viên truyền thụ kiến thức, chấm điểm, hướng dẫn học sinh giải một số loại bài tập cơ bản, lưu trữ thông tin về điểm số, theo dõi quá trình học tập của người học…

Từng bước triển khai

Triển khai giảng dạy AI trong trường phổ thông là một trong những hoạt động nhằm thực hiện đề án Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TPHCM giai đoạn 2021 - 2030 của UBND TP. Ngành GD-ĐT TP đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý giáo dục, tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá thông minh.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, đơn vị định hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như các trợ lý, hỗ trợ giáo viên truyền thụ kiến thức, chấm điểm, hướng dẫn học sinh giải một số loại bài tập cơ bản, lưu trữ thông tin về điểm số, theo dõi quá trình học tập của học sinh…

Đặc biệt AI sẽ hỗ trợ giáo viên phân tích việc học và đáp ứng theo nhu cầu của từng học sinh; tập trung vào các chủ đề, nội dung học sinh chưa nắm vững, giúp trò học tập với nhu cầu và khả năng của riêng mình. Đây là hình thức học tập thích ứng, hỗ trợ người học với các cấp độ khác nhau trong một lớp học.

“Sở đã và đang mở các lớp tập huấn dạy AI cho đội ngũ giáo viên tin học của trường phổ thông. Về cơ sở vật chất, đa số trường đều có phòng máy cho học sinh học tin học. Thời gian tới, sở cũng tham mưu để bổ sung các phòng chức năng (phòng lab, STEAM…) cho các trường.

Bên cạnh đó, thủ trưởng đơn vị cần chủ động trong việc tận dụng, thực hiện xã hội hóa xây dựng phòng học thông minh, đa chức năng để hỗ trợ giảng dạy AI. Đồng thời, chủ động triển khai, mua sắm trang thiết bị cần thiết để đưa robot, mạch điều khiển, máy tính tự động hóa... để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức sân chơi liên quan”, ông Quốc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Quốc cũng nhìn nhận, dù nhận được sự quan tâm lớn từ xã hội và cơ quan liên quan nhưng vẫn còn rất ít nơi ứng dụng AI và hầu như mới trong giai đoạn thử nghiệm. Đặc biệt, khó khăn, thách thức là TPHCM có hơn 1,7 triệu học sinh và khoảng 100 nghìn giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý... nên việc triển khai các hệ thống, phần mềm cũng phức tạp. Việc tạo tài khoản, quản lý tài khoản, định danh người dùng, chăm sóc người dùng... cũng sẽ khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, nhân sự còn hạn chế về số lượng, dữ liệu không tập trung; hệ thống lưu trữ, phân tích dữ liệu lớn của ngành chưa được triển khai do chậm thực hiện các đề án công nghệ thông tin. Một số khó khăn khác như vấn đề an toàn, an ninh mạng; môi trường đào tạo chưa sẵn sàng và đội ngũ giáo viên chưa đủ tự tin.

“Sở đã phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn đề xuất Sở Khoa học Công nghệ đề tài khoa học về xây dựng Chương trình giảng dạy AI trong trường phổ thông. Từ đó có thể xây dựng tài liệu giảng dạy trong các năm học sắp tới”, ông Quốc chia sẻ.

Trang website tư vấn tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GD&ĐT TPHCM.

Trang website tư vấn tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GD&ĐT TPHCM.

Hiệu quả từ mô hình thí điểm

Trong những năm qua, một số trường THCS và THPT trên địa bàn TPHCM đã triển khai giảng dạy AI cho học sinh. Cụ thể, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Quận 1) triển khai dạy AI dưới dạng Câu lạc bộ robotic và tự động hóa đã 5 năm nay. Chương trình học được triển triển khai ở tất cả khối lớp. Học sinh được học 2 tiết/tuần với chương trình tiên tiến, trang thiết bị hiện đại.

Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh chia sẻ: “Học sinh rất hào hứng và thích thú. Trẻ được trải nghiệm, khơi gợi sự sáng tạo, lòng đam mê mà còn rèn luyện kỹ năng cần thiết như hợp tác, lập trình, chia sẻ, làm việc nhóm... Trong 3 năm trở lại đây, học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh luôn đoạt giải cao về thi robottics cấp TP và quốc gia. Đặc biệt, học sinh của trường cũng 2 lần đại diện Việt Nam đi thi tại Hoa Kỳ và Đức”.

Tương tự, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Quận 5) cũng triển khai giảng dạy AI từ năm học 2018 - 2019. Theo chia sẻ của cô Hiệu trưởng Phạm Thị Bé Hiền, do năm đầu tiên triển khai, học sinh các khối lớp chưa nắm rõ AI, vì vậy nhà trường tổ chức dạy phổ cập chương trình cơ bản cho cả 3 khối.

Mỗi tuần 2 tiết, học sinh được học về kỹ năng lập mô hình toán cho các vấn đề thực tế; nền tảng về toán cho AI; kỹ năng lập trình bậc cao; kỹ năng sáng tạo trong việc sử dụng AI như công cụ bổ trợ trí tuệ cho người dùng, giúp giải phóng sức lao động và sáng tạo trong các ngành nghề khác nhau...

“Hiện nhà trường chỉ dạy chương trình AI cơ bản cho học sinh khối 10, còn lớp 11, 12 học AI chuyên sâu như: Toán AI, lập trình AI, ứng dụng AI trong nghiên cứu khoa học... Học sinh tự nguyện đăng ký học theo nhu cầu và khả năng của bản thân. Ngoài ra, nhà trường từng bước thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động quản lý như thí điểm hình thức điểm danh bằng nhận diện khuôn mặt và đang tiến hành triển khai cho toàn trường…”, cô Hiền cho hay.

Bên cạnh thuận lợi, từ thực tế giảng dạy chương trình AI, thầy Cao Đức Khoa đưa ra những khó khăn là thiếu đội ngũ giáo viên và trang thiết bị. Các loại máy móc phục vụ cho việc giảng dạy AI tốn nhiều kinh phí nên rất ít trường có thể mua sắm được. Chẳng hạn robot hay còn gọi là bộ não có giá khá cao, đặc biệt là robot thế hệ mới.

Năm 2023, lần đầu tiên TPHCM sử dụng AI để hỗ trợ phụ huynh, học sinh đăng ký nguyện vọng vào lớp 10. Hệ thống sẽ cung cấp miễn phí đầy đủ thông tin của các trường THPT trên địa bàn, cũng như có các công cụ hỗ trợ cha mẹ học sinh và học sinh có thể tìm hiểu, chọn lựa các nguyện vọng tuyển sinh 10 sao cho phù hợp. Từ thông tin phụ huynh, học sinh cung cấp về lựa chọn các lớp (lớp thường, chuyên, tích hợp), số điện thoại, địa chỉ cư trú, AI sẽ phân tích, đánh giá cho ra kết quả trường THPT phù hợp với năng lực học tập cũng như địa bàn cư trú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ