Trong đó, thiếu kinh phí đầu tư và đào tạo giáo viên là thách thức lớn nhất.
Hình mẫu giáo dục kỹ thuật số
Tại Pakistan, khả năng tiếp cận công nghệ và cơ sở hạ tầng hạn chế. Thách thức khác là trình độ kỹ thuật số của giáo viên và học sinh còn thấp. Nhiều giáo viên không có kinh nghiệm kỹ thuật số nên việc giảng dạy hiệu quả trong môi trường mới trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, khó khăn còn đến từ thiếu sự phối hợp và tài trợ. Nhiều tổ chức, sáng kiến cải thiện khả năng kỹ thuật số trong trường học đã được đưa ra nhưng chậm triển khai hoặc triển khai kém hiệu quả.
Nằm ở vùng Baltic, Estonia là quốc gia quy mô nhỏ với dân số 1,3 triệu người. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Estonia đã vươn mình trở thành hình mẫu giáo dục kỹ thuật số trên thế giới.
Chính phủ Estonia tham vọng xây dựng quốc gia kỹ thuật số từ năm 1991, trong đó giáo dục là trọng tâm trong kế hoạch thay đổi của đất nước. Từ năm 1997, Estonia đã thông qua dự án “Tiigrihüpe” (Hổ Nhảy) cung cấp máy tính và quyền truy cập Internet cho trường học. Giáo viên được đào tạo các kỹ năng về kỹ thuật số.
Kể từ năm 2014, chuyển đổi kỹ thuật số được đưa vào chiến lược học tập suốt đời tại Estonia. Chính phủ cung cấp chương trình đào tạo tin học miễn phí cho 10% dân số trưởng thành, từ đó, nâng tỷ lệ người Estonia thành thạo Internet từ 29% vào năm 2000 lên 91% vào năm 2016.
Giáo viên, học sinh cũng được phát triển năng lực kỹ thuật số. Chương trình phổ thông tại Estonia có môn Công nghệ thông tin và tích hợp kỹ thuật số vào các môn học văn hóa. Estonia đã hoàn thành số hóa tài liệu giáo dục vào năm 2015.
Sự thành công của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại Estonia phụ thuộc vào việc phát triển và đào tạo chuyên môn kỹ lưỡng cho giáo viên và các chuyên gia công nghệ giáo dục. Ngoài giảng dạy kỹ thuật số, nền giáo dục Estonia cũng sử dụng rộng rãi nhiều giải pháp thông minh như cơ sở dữ liệu số, sách giáo khoa kỹ thuật số, tài liệu học tập điện tử, nhật ký lớp học kỹ thuật số... Đó là chưa kể các ứng dụng và chương trình học tập trực tuyến khác nhau.
Hiện nay, trường học Estonia chủ yếu hoạt động trên Internet. 95% trường học sử dụng giải pháp trường học điện tử thông qua hệ thống quản lý online eKool và nền tảng sách giáo khoa online Opiq. Những công cụ này giúp phụ huynh, giáo viên và học sinh thao tác dễ dàng và nắm bắt các thông tin quan trọng cho việc dạy và học.
Để có được kết quả này, bên cạnh sự đầu tư của chính phủ, hệ thống giáo dục Estonia đã làm việc chặt chẽ với các doanh nghiệp tư nhân.
Bà Kristel Rillo, người đứng đầu bộ phận Giáo dục Kỹ thuật số, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Estonia, cho biết: “Một hệ sinh thái khởi nghiệp đã được xây dựng cho các công ty giáo dục trong vài năm nay. Các trường học được hỗ trợ rất nhiều từ khu vực tư nhân”.
Taavi Kreitsmann, Hiệu trưởng Tartu Erakool, trường phổ thông dành cho học sinh 7 - 13 tuổi tại thành phố Tartu, nhận xét, Covid-19 không phải “miếng bánh béo bở”. Nhưng về nhiều mặt, Estonia có thuận lợi hơn so với các quốc gia khác. Trước đại dịch, 340 học sinh của trường đều có iPad riêng do nhà trường quản lý. Các em sử dụng thiết bị thông minh để học, nhận giáo trình, bài tập từ nhà trường. Trong một năm, học sinh có nhiều ngày học trực tuyến tại nhà.
Nhờ đó, giáo dục từ xa trở nên dễ dàng hơn trong giai đoạn Covid-19. Khi Covid-19 bùng phát, trường phải đóng cửa, việc học của trẻ em Estonia vẫn liền mạch dù phải chuyển sang trực tuyến. Tất cả nhờ hệ thống giáo dục điện tử vốn luôn được đầu tư xây dựng và sử dụng trong trường học.
Trẻ em Estonia làm quen với thiết bị công nghệ từ mẫu giáo. |
Mô hình tại châu Á
Tại châu Á, Trung Quốc là một trong những nước đi đầu chuyển đổi kỹ thuật số thúc đẩy tiến bộ trong giáo dục. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố nhiều kế hoạch nhằm ứng dụng tốt hơn công nghệ thông tin vào giáo dục; trong đó, kêu gọi số hóa giáo dục và xây dựng quốc gia, xã hội học tập và học tập suốt đời.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nâng cấp cơ sở vật chất cho việc giảng dạy kỹ thuật số trong trường học. Tất cả trường tiểu học, THCS trên cả nước đều có mạng Internet. Hơn 3/4 trường học có mạng không dây và khoảng 99,5% trường học có lớp học đa phương tiện.
Việc triển khai giáo dục kỹ thuật số đã và đang giúp thu hẹp khoảng cách giữa trường học ở miền núi và thành thị. Trường Tiểu học Shimenqian, nằm ở thị trấn Xiamadu, tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc là một ví dụ. Ngôi trường có chưa đến 20 học sinh và được đầu tư ít nguồn lực hơn so với các trường thành thị.
Hàng tuần, học sinh các lớp được học cùng bạn bè ở một số trường chất lượng cao trong thành phố qua hình thức trực tuyến. Các em cùng nhau giao lưu, thảo luận về bài học, trường lớp, văn hóa địa phương qua Internet. Khi khác, các em được học môn Âm nhạc, Trí tuệ nhân tạo thông qua lớp học online do giáo viên ở trường thành phố tổ chức vì Shinmenqian chưa đủ trang thiết bị giảng dạy 2 môn này.
Thầy Jiang Xianglei, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Shimenqian, cho biết: “Nhờ mô hình học trực tuyến, học sinh được tiếp cận những nguồn tài nguyên giáo dục đa đạng, phong phú. Các em có thể tham gia những môn học không có trong trường”.
Giáo viên Hàn Quốc hướng dẫn học sinh sử dụng máy tính xách tay. |
Ngoài việc cung cấp nguồn tài nguyên giáo dục đa dạng, giáo dục kỹ thuật số đã cải thiện chất lượng giáo dục ở nông thôn. Tháng 3/2022, nước này ra mắt “Giáo dục thông minh Trung Quốc”, nền tảng dịch vụ công trực tuyến tập trung vào học tập, giảng dạy và quản trị trường học. Nền tảng này đã mang lại chất lượng cao hơn cho các trường phổ thông ở vùng núi, vùng kém phát triển.
Tại Hàn Quốc, từ năm 2018, Bộ Giáo dục công bố chương trình giảng dạy mới tập trung vào phát triển khả năng giải quyết vấn đề và xã hội cho học sinh phổ thông; trong đó có phát triển khả năng sáng tạo và tư duy máy tính cho mọi cấp học.
Học sinh tiểu học Hàn Quốc học khoa học máy tính tối thiểu 17 giờ mỗi năm học. Nội dung môn học tập trung vào làm quen thuật toán, lập trình cơ bản và đạo đức kỹ thuật số. Giáo viên giới thiệu một số ngôn ngữ lập trình cơ bản hoặc ứng dụng học tập miễn phí trên máy tính.
Đến cấp THCS, học sinh có 34 giờ học về máy tính mỗi năm, tương đương một giờ mỗi tuần. Đây là một phần của môn học Khoa học, Công nghệ và Kinh tế gia đình bắt buộc cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 8. Nội dung học về máy tính là kiến thức nâng cao từ cấp tiểu học và một số kỹ năng mới như tư duy tính toán, sử dụng các thiết bị kỹ thuật số...
Chương trình học về máy tính ở cấp THPT là tự chọn với kiến thức nâng cao. Nội dung học tập trung về khoa học dữ liệu, giải quyết vấn đề, lập trình, hệ thống, văn hóa và đạo đức... Học sinh có nhu cầu tìm hiểu sâu về khoa học công nghệ hay theo đuổi lĩnh vực này trong tương lai có thể đăng ký học môn này.
Chuyển đổi số giúp thu hẹp khoảng cách trong giáo dục Trung Quốc. |
Rào cản giáo dục kỹ thuật số
Tuy nhiên không phải quốc gia nào tại châu Á cũng có khả năng phủ sóng công nghệ trong trường học. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy những hạn chế của giáo dục kỹ thuật số tại nhiều quốc gia như Philippines, Afghanistan, Pakistan...
Khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền ở Philippines là rất lớn. Trong khi học sinh ở các đô thị, thành phố lớn được tiếp cận với Internet và thiết bị công nghệ từ rất sớm thì ở nhiều nơi, các trường công lập không chỉ thiếu máy tính, mà còn thiếu sách vở, bàn học, bảng đen...
Còn tại châu Phi, chênh lệch sâu sắc trong tiếp cận giáo dục kỹ thuật số cũng là thách thức lớn, bất chấp sự đầu tư gia tăng của khu vực tư nhân và công cộng. Giáo dục kỹ thuật số ở “lục địa đen” bộc lộ rõ thiếu hụt trong giai đoạn dịch Covid-19, khi học sinh chuyển sang học trực tuyến và đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị lẫn kỹ năng kỹ thuật số.
Ước tính, 89% người học tại châu Phi cận Sahara không thể truy cập vào máy tính gia đình và 82% không có quyền truy cập Internet. Trước dịch Covid-19, giáo dục khoa học máy tính là rào cản ngay cả với nhiều trường đại học châu Phi, chưa kể đến các trường phổ thông. Có rất ít báo cáo đánh giá về ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại châu Phi cận Sahara.
Tuy nhiên, châu Phi có dân số trẻ cao nhất thế giới với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Chính phủ nhiều quốc gia châu Phi đã thúc giục đào tạo các kỹ năng và chuyên môn kỹ thuật số cho thanh, thiếu niên nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh trong tương lai.
Việc giáo dục kỹ thuật số nói chung và giáo dục máy tính trong các trường phổ thông tại châu Phi còn đối mặt với nhiều hạn chế như kinh phí, cơ sở vật chất, giáo viên được đào tạo... Giáo dục máy tính cũng chưa phải là ưu tiên trong chương trình giảng dạy.
Nhưng cũng vì thế, giáo dục máy tính và kỹ thuật số tại châu Phi phát triển theo cách tương đối đặc biệt so với các khu vực khác trên thế giới là có sự hỗ trợ chặt chẽ từ các tổ chức tư nhân, tổ chức phi chính phủ.
Đơn cử, tại Ghana, tổ chức phi chính phủ Sáng kiến Nghề nghiệp Lành mạnh đã thành lập dự án “Câu lạc bộ lập trình Ghana”, đào tạo kỹ năng máy tính và lập trình sau giờ học cho hơn 1.700 học sinh và 300 giáo viên.
Hay tại Nigeria, tổ chức phi chính phủ Teencoders đã tiếp cận hơn 5.000 học sinh thông qua các khóa học lập trình sau giờ học chính khóa và cuối tuần. Dù đây là những khóa đào tạo không chính quy nhưng thanh, thiếu niên châu Phi có cơ hội tiếp xúc với máy tính, trau dồi kỹ năng tin học và lập trình, đáp ứng nhu cầu việc làm trong tương lai.
Theo khảo sát năm 2019, khoảng 70% các trường công lập ở Philippines không có máy tính. Tình trạng này phổ biến ở khu vực xa xôi, vùng nông thôn. Học sinh vẫn được học tin học nhưng dựa trên mô phỏng bàn phím, màn hình và các bộ phận khác của máy tính.