Giáo dục đại học và giấc mơ số hóa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mô hình đại học số đang dần hình thành ở Việt Nam. 

Sinh viên Trường ĐH CMC - mô hình đại học số đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH CMC - mô hình đại học số đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: NTCC

Đây là cơ hội để các trường đại học/viện nghiên cứu vượt qua giới hạn vốn có của mô hình truyền thống; gia tăng cơ hội hợp tác cùng doanh nghiệp và triển khai hoạt động giảng dạy gắn liền với nhu cầu sử dụng nhân lực.

Ông Quách Tuấn Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT): Thận trọng từng bước

Đại học số là tất cả học liệu đều được số hóa; thậm chí người học hoàn toàn học bằng hình thức trực tuyến, học mọi lúc, mọi nơi. Ngay cả việc quản lý sinh viên cũng số hóa, tự động hóa. Chẳng hạn như, việc thanh toán các khoản đều qua giao dịch online mà không sử dụng tiền mặt.

Thực tế, đại học số là một khái niệm mới, mô hình mới của thời đại số, chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Có thể định nghĩa một cách chung nhất là, đại học số là mô hình đại học mới, ở đó toàn bộ nội dung giảng dạy và hoạt động quản lý được đưa lên môi trường số thông qua các nền tảng số và phương tiện kỹ thuật số.

Để hình thành đại học số, việc đầu tiên là đưa toàn bộ bài giảng của giảng viên cùng hoạt động của nhà trường lên môi trường số. Khi đã hình thành môi trường số, việc học tập giảng dạy, quản lý giáo dục đều thực hiện trên môi trường này. Khi đó, mỗi sinh viên có một định danh số và mọi sinh hoạt của người học đều có thể thực hiện thông qua các thiết bị có kết nối Internet như smartphone hoặc các thiết bị thông minh khác.

Sinh viên ngồi ở nhà có thể kết nối và tương tác với toàn bộ quá trình đào tạo, từ thời khóa biểu, tiến trình học tập, thư viện, học liệu số cho đến thực tập, thi kiểm tra và các dịch vụ tại nhà trường như: Ký túc xá, căng-tin, nhà xe, khu thể thao; dịch vụ tiện ích. Ngoài ra, có thể sử dụng các bảng tương tác thông minh, học liệu số, quản trị học tập số để học trực tuyến (E-learning)… để gia tăng hiệu quả học tập.

Khi mọi hoạt động được đưa lên môi trường số, sinh viên trở thành trung tâm của quá trình phục vụ đào tạo. Điều này sẽ hạn chế tối đa các hiện tượng tiêu cực đối với sinh viên trong toàn bộ khóa học. Nhờ đó, người học có điều kiện tập trung thời gian và nhiều năng lượng hơn để toàn tâm cho việc học tập.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, đại học số vẫn còn khá mới mẻ và chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Do đó, việc thành lập đại học số cần có bước đi thận trọng, lộ trình cụ thể, rõ ràng. Trên hết, cần nghiên cứu các mô hình đại học số thành công trên thế giới. Từ đó, tham khảo và vận dụng linh hoạt vào Việt Nam để phù hợp với thực tiễn khách quan. Tất nhiên, phía cơ quan quản lý Nhà nước cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết để thành lập mô hình đại học số và phát huy hiệu quả, nhằm đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.

Sinh viên ĐH Đà Nẵng. Ảnh: Internet.

Sinh viên ĐH Đà Nẵng. Ảnh: Internet.

TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT: Đại học số khác với học online

Đại học số là sử dụng công nghệ số trong quản trị, vận hành và đào tạo. Tạm gọi đại học số là mô hình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra của đại học truyền thống nhưng sử dụng chủ yếu bằng công nghệ số. Công nghệ này có thể hiểu là triển khai trên nền tảng Internet, không nhất thiết phải triển khai tại địa điểm lớp học. Cái gì máy móc có thể kiểm soát và phục vụ được, thì không nhất thiết phải sử dựng đến sức người. Hiểu một cách đơn giản là, đây là mô hình đại học có thể triển khai được trên không gian mạng.

Về nguyên tắc, đại học số phải là mô hình hoàn toàn mới. Mới từ kiến thức quản lý Nhà nước, tổ chức đào tạo cho đến kiểm soát chất lượng, văn bằng. Thực hành có thể triển khai trên phòng lab ảo. Tuy nhiên, đại học số khác với học online. Trong đại học số, mọi bài giảng truyền thống cũng như bài giảng online của các thế hệ giảng viên, môn học… đều được đưa lên hệ sinh thái số, để sinh viên có thể lựa chọn học bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào.

Lúc này, khoảng cách về địa lý, không gian và thời gian sẽ không còn. Giảng viên trong đại học số phải thay đổi hoàn toàn tư duy cũng như phương pháp giảng dạy, thay đổi cách truyền đạt kiến thức, kỹ năng để thu hút người học.

Đại học số so với đại học truyền thống cũng giống như taxi công nghệ và taxi truyền thống. Đại học số chạy trên nền tảng số và tận dụng được ưu thế của công nghệ số. Vấn đề của đại học số là kiểm soát chất lượng để yên tâm công nhận về mặt pháp lý. Ngoài các yêu cầu bảo đảm chất lượng, xây dựng hệ thống, chính sách vận hành, việc công nhận tín chỉ giữa các cơ sở tham gia hệ thống cũng như từ các khóa học trực tuyến mở của trường nổi tiếng cần tính đến.

TS Nguyễn Ngọc Tự - Bộ môn An toàn thông tin, Khoa Mạng máy tính và Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh): Tạo tài nguyên số

Chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các trường đại học hàng đầu Việt Nam đang tiến đến đại học số.

Hiện nay, phương pháp dạy học truyền thống là thầy – trò trực tiếp lên lớp giảng dạy và học tập (Face-to-Face). Còn phương pháp dạy học hiện đại là tăng cường Face-to-digital resources (Trò - tài nguyên số (máy, online…). Đại học số (Digital university) nhấn mạnh việc tạo tài nguyên số (digital resources) và cách thức tương tác Face-to-digital resources.

Về việc tạo ra tài nguyên số, nếu làm đúng sẽ có nhiều mặt tích cực, nhưng không nên làm theo “phong trào”. Để có được tài nguyên tốt sẽ tốn nhiều công sức. Ví dụ, Khoa Mạng máy tính và Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) vừa xây dựng hệ thống thí nghiệm ảo Vlab. Hệ thống này có thể thiết lập khoảng 600 máy ảo cho sinh viên tương tác, thực hành, diễn tập. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả, cần nhiều công sức để xây dựng kịch bản, kể cả nội dung và cách thức tương tác; từ đó mới có thể đạt được điều mong muốn.

“Cái khó nhất đối với đại học số là vấn đề trải nghiệm thực tế. Sinh viên vẫn cần đến trường để giao tiếp, va chạm với môi trường xã hội. Vì là mô hình mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên cần tìm hiểu, quan sát và tham khảo ở một số nước để dần hình thành mô hình đại học số trong nước” - TS Lê Trường Tùng nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.