Với hàng loạt chính sách được ban hành, chuyển đổi số dần hiện hữu trong các cơ sở giáo dục, mỗi thầy cô và học trò. Không chỉ tạo chuyển biến tích cực trong ngành Giáo dục, chuyển đổi số còn là cơ hội để trường học vùng khó xóa khoảng cách trong tiếp cận công nghệ, tri thức cho học trò.
Chủ động bắt nhịp
“Chuyển đổi số có thể tạo ra hiệu ứng khác nhau trong giáo dục và mang lại nhiều giá trị tích cực. Đây là xu thế không thể đảo ngược khi giáo dục ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng”, cô Hồ Thị Huyền Trang nhìn nhận.
Hơn 10 năm nay, cô Hoàng Thị Thanh Bình, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường Tiểu học xã Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) đã ứng dụng chuyển đổi số vào trong giảng dạy.
Ngoài soạn giáo án trên máy tính, cô Bình còn ứng dụng công nghệ thông tin vào các tiết dạy qua việc sưu tầm, lồng ghép tranh ảnh, hoạt hình nhằm tăng tính sinh động, hấp dẫn cho bài giảng. Nhờ đó, học sinh hứng thú với bài học hơn. Các em chăm chỉ đến trường và có động lực trong học tập; chất lượng giáo dục chuyển biến rõ rệt.
Theo cô Bình, ở Trường Tiểu học xã Phố Cáo, 100% giáo viên đã soạn giáo án thuần thục trên máy tính và ứng dụng công nghệ thông tin nhuần nhuyễn vào giảng dạy. “Ngoài ra, chúng tôi sử dụng thành thạo việc đánh giá, nhận xét học sinh bằng học bạ điện tử. Nói chung, chuyển đổi số đã và đang hiện hữu rõ nét trên ngôi trường vùng khó này”, cô Bình bày tỏ.
Ở tuổi 53, cô Châu Thanh Tuyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A, Trường Tiểu học A An Phú (Tịnh Biên, An Giang) vẫn miệt mài bên chiếc máy tính để soạn bài hàng ngày. Từ chỗ mù mờ về công nghệ, dạy học trực tuyến… nay cô trở thành một trong những giáo viên dạy online “cứng” của trường. Cô Tuyền không ngừng học hỏi, nỗ lực tìm hiểu về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy – học để mang đến những bài giảng hay, hấp dẫn học trò.
Hiện cô sử dụng thành thạo các phần mềm như: Kahoot, Wheel of Names để tăng sự tương tác. “Tôi ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng nhằm kích thích sự tò mò, ham học của học sinh. Ngoài ra, bản thân chủ động tra cứu, tìm kiếm các bài giảng điện tử trên kho học liệu chung để tham khảo kinh nghiệm từ đồng nghiệp”, cô Tuyền cho hay.
Nhìn nhận về chuyển đổi trong ngành Giáo dục, cô Tuyền quan niệm, nên bắt đầu từ những điều giản dị, gắn với việc làm thường nhật của giáo viên như: Soạn giáo án điện tử, chia sẻ và khai thác các bài giảng điện tử… Quan trọng là thầy, cô giáo phải chủ động thay đổi để thích ứng với thực tiễn khách quan. Song đây cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp và hình thức dạy học của giáo viên.
Thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giáo dục, cô Hồ Thị Huyền Trang, giáo viên Trường THCS & THPT Phenikaa (Hà Nội) sử dụng game tương tác sinh động, PowerPoint đẹp, hiệu ứng mượt... để tạo nên giờ học online hiệu quả.
Theo cô Trang, game trong dạy học online không phải là lựa chọn hoàn hảo dành cho tất cả học sinh. Nếu một nhóm luôn về cuối trong các game do giáo viên tổ chức, thì khi đó game trở thành áp lực với các em... Do vậy, cần cân nhắc khi lựa chọn hình thức tổ chức game, nhằm phù hợp với phong cách học tập và khả năng tiếp thu từng nhóm.
Cô Hồ Thị Huyền Trang – Trường THCS & THPT Phenikaa trong một tiết dạy học trực tuyến. Ảnh: NVCC |
Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục
Ngành Giáo dục các địa phương đều xác định, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng trong quản lý, điều hành; tạo bước đột phá để cải cách hành chính, cải thiện môi trường dạy học.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của Quận ủy Tây Hồ (TP Hà Nội), bà Trần Thị Thu Hường, Trưởng ban Tuyên giáo cho hay, quận đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá cũng như quản lý giáo dục. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý như hồ sơ điện tử, sổ điểm điện tử... thực hiện nhập, khai thác, sử dụng thống nhất số liệu trên cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục.
“Việc sử dụng công nghệ thông tin đã phát huy được hiệu quả rõ rệt. 100% trường học triển khai tuyển sinh trực tuyến và thực hiện đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên trên phần mềm. Bước đầu, chúng tôi triển khai sử dụng chữ ký số. Hiện có khoảng 60% cơ sở giáo dục thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Có thể nói, chuyển đổi số trong giáo dục đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, nhất là trong đổi mới phương pháp dạy và học”, bà Hường nhấn mạnh.
Tại tỉnh Hải Dương, Sở GD&ĐT đã nỗ lực trong ứng dụng chuyển đổi số vào một số hoạt động: Quản lý; dạy học; kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy học; số hóa thông tin quản lý. Đồng thời, tạo cơ sở dữ liệu liên thông, dịch vụ công trực tuyến; số hóa học liệu, thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, đào tạo trực tuyến…
Ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết, sở đã cập nhật, thu thập thông tin vào cơ sở dữ liệu của 856 trường mầm non, phổ thông; hơn 30.400 hồ sơ giáo viên và cán bộ quản lý; gần 496.000 hồ sơ, kết quả học tập, sức khoẻ của học sinh. Ngoài ra, sở kết nối và xác thực định danh hồ sơ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được trên 476.000 hồ sơ của học sinh, hơn 29.400 hồ sơ cán bộ, giáo viên, đạt tỷ lệ trên 96%.
Cùng với đó, 100% cơ sở giáo dục và đào tạo của tỉnh Hải Dương đã sử dụng phần mềm quản lý điểm, hồ sơ điện tử, kết nối API với cơ sở dữ liệu ngành thông tin về trường lớp, đội ngũ, học sinh, cơ sở vật chất. 90% hồ sơ tiếp nhận, xử lý trực tuyến; 100% văn bản của sở được phát hành dưới dạng văn bản điện tử tích hợp chữ ký số, liên thông với trục văn bản quốc gia.
Cô giáo Hoàng Thị Thanh Bình, Trường Tiểu học xã Phố Cáo trong một giờ lên lớp. Ảnh: NVCC |
Thời gian tới, ngành Giáo dục Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục. Ngoài nội dung trong chương trình của Bộ GD&ĐT, địa phương sẽ phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong cơ sở giáo dục. Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hải Dương sẽ triển khai bộ tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của cơ sở giáo dục.
Tại Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đã ký ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số của ngành Giáo dục tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Kế hoạch này nhằm tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Đồng thời, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục. Mặt khác, xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Tỉnh Bình Định phấn đấu đến năm 2025, đưa dạy và học trên môi trường số thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày đối với mỗi thầy - trò. Cùng với đó, triển khai thống nhất một số nền tảng dạy - học trực tuyến là sản phẩm trong nước, được trên 50% học sinh sử dụng. Tỉnh cũng hình thành kho học liệu trực tuyến, đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho trên 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông. Ngoài ra, tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở cấp tiểu học, 10% ở bậc trung học.
Đến năm 2030, tỉnh Bình Định phấn đấu đưa toàn bộ hệ thống giáo dục vào môi trường số. Trong đó, hoàn thiện nền tảng dạy - học trực tuyến của tỉnh tích hợp kho học liệu số và hỗ trợ 100% học sinh, giáo viên tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến. Qua đó, có thể đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông.
Ngoài ra, tỉnh Bình Định phấn đấu, 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục của tỉnh được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia.
Ở tuổi 53, cô Châu Thanh Tuyền, Trường Tiểu học A An Phú vẫn tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Ảnh: NVCC |
“Hòa mình” vào công cuộc chuyển đổi số
Thực tế cho thấy, ngành Giáo dục đang “hòa mình” vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia, bước đầu đạt những kết quả khả quan. Tại Hội thảo về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả trường học từ mầm non đến phổ thông.
Bộ GD&ĐT đồng thời số hóa, gắn mã định danh của gần 24 triệu hồ sơ học sinh; hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý đến từ 53.000 trường học. Bộ đã kết nối thành công cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ cũng đồng bộ, xác thực mã căn cước công dân và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,5 triệu giáo viên (đạt 95%), gần 21 triệu hồ sơ học sinh (đạt 92%). Trong năm 2022, thông qua hệ thống dịch vụ công, Bộ đã tiếp nhận thành công hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ đăng ký trực tuyến hơn 93%...
Theo thống kê, có 63 sở GD&ĐT, 710 phòng GD&ĐT đã xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho giáo dục. Hiện có 82% các trường thuộc khối phổ thông sử dụng phần mềm để quản lý trường học. Đáng chú ý, kho học liệu số, học liệu mở được xây dựng với 7.000 bài giảng điện tử, hơn 31.000 câu hỏi trắc nghiệm, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, thí nghiệm ảo. Có thể nói, chuyển đổi số đã góp phần thúc đẩy học tập suốt đời của người dân.
Trong năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai kết nối dữ liệu người học (Cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học) với dữ liệu bảo hiểm (Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm) nhằm hỗ trợ công tác thống kê tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, dự báo nguồn nhân lực và xu hướng nghề nghiệp của sinh viên ra trường. Trước mắt, sẽ ưu tiên các nội dung chuyển đổi số chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sắp tới; trong đó chú ý tiên liệu trước các vấn đề, tính toán để có thể rút gọn một số khâu.
Từ những câu chuyện trên cho thấy, chuyển đổi số trong giáo dục muốn thành công cần thay đổi từ tư duy, nhận thức của giáo viên, học sinh và nhà quản lý. Thay đổi để tiếp cận tri thức và tiến bộ mỗi ngày. Điều đó phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi thầy - trò lẫn cơ sở giáo dục.