Cán bộ quản lý, giáo viên các trường miền núi tỉnh Quảng Nam nhận định rằng, đây thực sự là những giải pháp căn cơ tạo điều kiện cho việc phát triển, nâng cao chất lượng GD toàn diện cho HS miền núi – đồng bào DTTS một cách hiệu quả, bền vững.
Luồng gió mới từ trường học bán trú
Có hơn 20 năm vừa tham gia giảng dạy, vừa đảm nhận vai trò quản lý tại các điểm trường trên địa bàn huyện nghèo biên giới Tây Giang (Quảng Nam) nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của thầy giáo Trương Ơn – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Ga Ry (xã Ga Ry, huyện Tây Giang) là khi HS được ăn ở và hoạt động học tập theo mô hình trường phổ thông bán trú.
Bởi nói như lời thầy, nếu có trường PTDTBT thì lo gì việc đảm bảo sĩ số HS, có HS thì GD miền núi có tất cả. Người giáo viên sẽ không phải lo chuyện “trèo đèo, lội suối” đi vận động học sinh ra lớp, nhà trường không lo tình trạng HS bỏ học giữa chừng và khi đó người giáo viên chỉ tập trung đầu tư cho chuyên môn, bài dạy, tiết dạy… thì sợ gì chất lượng GD không được nâng cao.
Thầy Trương Ơn phấn khởi nói: “Tính đến năm học 2015 - 2016 thì trường có gần 2 năm hoạt động theo mô hình trường học bán trú. Mặc dù, những thời gian đầu thực hiện hoạt động theo mô hình trường PTBT, nhà trường gặp phải vô vàn khó khăn, nhất là vấn đề thiếu hệ thống cơ sở vật chất đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, điều kiện ăn ở cho HS.
Tuy nhiên, nhờ có mô hình trường học bán trú mà trong thời gian qua nhà trường đã triển khai được nhiều giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng dạy và học. Các em HS không chỉ được học ngày 2 buổi mà còn được giáo viên kèm cặp, phụ đạo kiến thức vào buổi tối. Việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ sẽ phong phú, sinh động hơn… Tất cả những giải pháp đó đều tập trung cho mục tiêu giúp HS phát triển được năng lực, phẩm chất theo hướng toàn diện”.
So với các trường trên địa bàn vùng biên giới Tây Giang thì Trường PTDTBT THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan) có thời gian hoạt động theo mô hình trường học bán trú sớm nhất. Bởi vậy, chúng tôi không cảm thấy bất ngờ khi nghe thầy Nguyễn Viết Trường – Hiệu trưởng nhà trường nói về những kết quả mà mô hình trường học bán trú mang lại cho bản thân con em HS đồng bào dân tộc Cơ Tu, cũng như những thuận lợi đối với giáo viên trong việc áp dụng, đổi mới các phương pháp dạy học tích cực theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất đạo đức cho người học.
Thầy Trường chia sẻ: Có lẽ điều mà cho đến bây giờ mô hình trường học bán trú mang lại cho nhà trường lớn nhất là hạn chế được tình trạng HS bỏ học giữa chừng. Từ con số có hàng chục HS bỏ học từ những năm học trước, nhưng các năm học trở lại đây, chỉ còn có một vài em bỏ học vì bệnh tật hay khuyết tật không thể theo học được. Chất lượng GD toàn diện năm học sau luôn cao hơn năm trước.
Tỷ lệ HS có học lực trung bình, yếu kém giảm hẳn… đó là nhờ vào sự nỗ lực đổi mới cách dạy học của giáo viên không chỉ vào ban ngày, mà còn tận tâm kèm cặp, phụ đạo HS vào ban đêm. Nhưng có lẽ niềm phấn khởi nhất là chất lượng học tập Tin học và Tiếng Anh của HS nhà trường có bước phát triển mới. Tình trạng HS bị mù Tin học và ngoại ngữ đã gần như bị xóa bỏ. Minh chứng cho điều đó là tỷ lệ HS theo học bậc THPT luôn đạt gần 100%, số lượng HS tiếp tục theo học bậc TCCN, CĐ, ĐH ngày càng nhiều.
Cần tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống trường lớp
Đến với huyện miền núi biên giới Tây Giang, Nam Trà My, Đông Giang, Nam Giang hôm nay, chúng tôi không còn bắt gặp hình ảnh các em HS trèo đèo, lội suối, lăn lộn trên con đường dài để tìm đến cái chữ. Những người giáo viên nơi đây cũng không còn cảnh đến từng nhà HS vận động các em ra lớp vào mỗi dịp nghỉ hè, hay sau kỳ nghỉ Tết. Tình trạng HS bỏ học giữa chừng, nhất ở bậc học THCS và THPT cũng giảm hẳn.
Điều đó đã khẳng định rằng, việc nhân rộng mô hình trường bán trú tại các huyện miền núi ở tỉnh Quảng Nam cũng như ở các địa phương vùng sâu, vùng xa khác trong cả nước là một chủ trương đúng đắn, khắc phục được những khó khăn trong việc đi lại, ăn ở, học tập của HS, để nâng dần chất lượng GD toàn diện, xóa bỏ khoảng cách chất lượng GD giữa vùng đồng bằng, thành thị với vùng miền núi. Xóa bỏ vấn đề mà bấy lâu nay ngành GD&ĐT hết sức trăn trở và đã tập trung nhiều nguồn lực để tìm giải pháp tháo gỡ.
Theo thầy Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng GD&ĐT Tây Giang, đến nay trong tổng số 13 trường TH, THCS thì huyện Tây Giang đã xây dựng được 8 trường phổ thông dân tộc bán trú, trong đó, có 3 trường TH, 3 trường THCS và 2 trường TH - THCS. Đây là kết quả từ sự nỗ lực lớn của chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho ngành GD&ĐT có được một bước phát triển đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của công cuộc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT thì hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện có của các trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
“Tình trạng thừa, thiếu phòng học, nhà công vụ cục bộ xảy ra tại nhiều địa bàn thôn/xã đến nay vẫn chưa có hướng đầu tư giải quyết. Trong khi đó, nhu cầu về các phòng hành chính, phòng giáo dục chức năng, đa năng, giáo dục nghệ thuật còn thiếu hết sức cấp bách. Những vấn đề khó khăn ấy cần có sự quan tâm, đầu tư xây dựng từ chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp tỉnh; nhằm tiếp tục mở rộng phát triển mô hình trường học bán trú, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất theo hướng đạt chuẩn quốc gia”, thầy Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Cùng với đó, nhờ có mô hình trường học bán trú mà nhận thức, sự đầu tư chăm lo cho sự nghiệp GD ngày càng được xã hội và nhân dân quan tâm. Tạo điều kiện cho các trường học trên địa bàn duy trì số lượng học sinh, đổi mới cách dạy học, nâng cao chất lượng GD toàn diện”.