Trường học hạnh phúc là nơi thân thiện

GD&TĐ - “Không thể cứ học trò mắc lỗi là thầy cô đặt bút phê vào sổ sách, vào dịp tổng kết học kỳ, cuối năm học... Đánh giá một con người không đơn giản như thế. Đặc biệt là với lứa tuổi từ 15 - 18, các em rất cần sự tôn trọng của thầy cô và nhà trường” - Thầy Trịnh Đình Hải (Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hạ Long, Quảng Ninh) bày tỏ quan điểm.

Nữ sinh Trường THPT chuyên Hạ Long
Nữ sinh Trường THPT chuyên Hạ Long

Học trò nội trú cần môi trường ký túc xá hạnh phúc

Mọi ngóc ngách trong trường học, tưởng chừng có những việc rất nhỏ, nhưng đều có bóng dáng của thầy hiệu trưởng. Thầy Hải chia sẻ: “Tôi không bao giờ dám tắt điện thoại di động, kể cả buổi tối, đêm... 400 HS sống trong ký túc xá của trường, xa cha mẹ. Người đầu tiên các em cần gọi trợ giúp khẩn khi có chuyện gì không hay xảy ra chính là thầy cô giáo”.

Thầy Hải cho tất cả HS trong trường số điện thoại di động của mình để các em có thể gọi khi cần. “Bất cứ ngày hay đêm học trò có thể gọi điện thoại cho tôi. Nhiều khi thấy số điện thoại lạ gọi nhỡ, tôi lập tức phải gọi lại. Biết đâu đó là số của học trò, gọi thầy nhờ trợ giúp...” - Thầy Hải cho biết.

Vào website của Trường THPT chuyên Hạ Long có thể dễ dàng nhìn thấy số điện thoại di động và cố định của từng thầy cô trong Ban Giám hiệu. Điều này quả là đặc biệt, không phải Ban Giám hiệu trường nào cũng “dám” làm.

Với đặc thù của một trường phổ thông có ký túc xá (KTX), HS từ khắp nơi trong tỉnh về học tập trung và nội trú tại trường, đặc biệt trong mỗi phòng KTX của Trường THPT chuyên Hạ Long đều lưu trên tường các số điện thoại để HS có thể gọi khi cần.

Số điện thoại đầu tiên chính là số di động của thầy hiệu trưởng, tiếp đến là số của thầy (cô) phó hiệu trưởng, bên cạnh các số điện thoại của công an phường, số điện thoại khẩn cấp cho cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, công an; tiếp đến là số điện thoại của GV chủ nhiệm tham gia công tác trực nội trú hàng ngày của HS.

Thầy Hải cho rằng: “Trường học hạnh phúc (THHP) cũng chính là trường học thân thiện, nhưng sẽ phải được bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, ngay trong những giờ học chính khóa và những giờ ngoại khóa, từ trong ứng xử của GV với HS. THHP là phải giáo dục HS biết quan tâm tới những người xung quanh”.

“Trong nhiều khẩu hiệu ở nhà trường, tôi vẫn tâm đắc nhất khẩu hiệu: “Tôn trọng bản thân và người khác”. HS, GV có trách nhiệm với bản thân từ đó sẽ có trách nhiệm với người khác. Những cá nhân trong một nhà trường nếu thiếu đi trách nhiệm với bản thân thì khó có thể quan tâm tới người khác” - Thầy Hải nhận định đây là một trong những mục tiêu cần thực hiện vì THHP.

Thầy Trịnh Đình Hải (đứng thứ 2, từ trái sang) ra sân bay đón Trần Ngọc Khánh (đứng giữa) học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Hạ Long, đoạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Âu (EuPhO) 2019 lần thứ III, tổ chức tại thủ đô Riga của Latvia. Đây là lần đầu tiên Đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi EuPhO, và đã đoạt 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen.

Thầy Trịnh Đình Hải (đứng thứ 2, từ trái sang) ra sân bay đón Trần Ngọc Khánh (đứng giữa) học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Hạ Long, đoạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Âu (EuPhO) 2019 lần thứ III, tổ chức tại thủ đô Riga của Latvia. Đây là lần đầu tiên Đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi EuPhO, và đã đoạt 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen.

Khi học trò mắc lỗi...

Tuy nhiên, theo thầy Hải, một điều đáng lưu ý để thực hiện THHP chính là khái niệm kỷ luật tích cực. “Cần hiểu khái niệm này một cách gần gũi nhất, đó là kỷ luật để cầu thị sự tiến bộ, kỷ luật để HS tiến bộ. Đã là học trò thì khó tránh mắc lỗi. Vấn đề là nhà trường phải nhìn nhận học trò mắc lỗi ở góc độ như thế nào.

Thực hiện kỷ luật tích cực phải rất đồng bộ, nghiêm khắc nhưng phải yêu thương. GV, Ban Giám hiệu phải luôn nhìn nhận sự cố gắng và tiến bộ của học trò. GV, nhà trường phải luôn đặt niềm hy vọng với mỗi HS” - Thầy Hải nhấn mạnh - “Không thể cứ học trò mắc lỗi là thầy cô đặt bút phê vào sổ sách, vào tổng kết học kỳ, cuối năm... Đánh giá một con người không đơn giản như thế. Đặc biệt là với lứa tuổi từ 15 - 18, các em rất cần sự tôn trọng của thầy cô và nhà trường”.

“Một HS tiến bộ từng ngày qua sự hỗ trợ, dìu dắt của thầy cô, đó chính là THHP” - Thầy Hải nhận định.

Trong tất cả mọi hoạt động của một nhà trường đều ít nhiều thấy “bóng dáng” của người hiệu trưởng. Thầy Hải cho rằng: “Việc đầu tiên ở mọi hành động của người hiệu trưởng là phải thể hiện quan điểm rõ ràng trong quản lý con người. Ngay trong xét kỷ luật HS, hiệu trưởng cũng phải nhìn nhận sự việc một cách thấu đáo. Khi học trò có khuyết điểm, hiệu trưởng phải nhìn nhận trên khía cạnh nào, phải coi học trò như người thân trong gia đình để cảm nhận suy nghĩ của học trò nhiều hơn. Để THHP, tất cả mọi thành viên trong nhà trường phải thay đổi, bắt đầu từ người hiệu trưởng”.

Điều thú vị là có những lần HS trong trường mắc lỗi, thầy Hải không gọi HS lên phòng hiệu trưởng, không gọi vào phòng họp để tra xét, nhắc nhở, mà gọi HS có lỗi ra ghế đá trong sân trường nói chuyện với thầy.

Câu chuyện giữa hiệu trưởng với HS bắt đầu bằng những câu gợi mở, hỏi han: “Thầy nghe thấy cô này, thầy kia, bác quản sinh... nói câu chuyện như thế... Thầy thấy rằng chuyện đó như thế này... Theo thầy em nên thế kia...”. Thầy nhẹ nhàng phân tích, để khiến HS không cảm thấy đó là một cuộc gặp để trách phạt, mà như một cuộc trao đổi, tâm sự của người thầy, người cha để giúp học trò thay đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ