Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải đáp nhiều vấn đề về giáo dục được cử tri quan tâm

GD&TĐ - Sáng ngày 1/7, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tham dự Hội nghị tiếp xúc cử tri với cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang TP Quy Nhơn. Tại buổi tiếp xúc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giải đáp những thắc mắc của cử tri trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải đáp ý kiến của cử tri tỉnh Bình Định
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải đáp ý kiến của cử tri tỉnh Bình Định

Trong buổi tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã thông báo các kết quả mà kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá 14 đạt được. Theo đó, nhiều nội dung quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội gồm: lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước đã được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, cân nhắc từng phương án và được thông qua với sự đồng thuận cao. Các dự án luật được cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp như Luật Giáo dục (sửa đổi), có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, phục vụ quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Tại Hội nghị, cử tri là giáo viên tại TP Quy Nhơn bày tỏ quan tâm một số vấn đề như: quy định trong Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua; yêu cầu về cơ sở vật chất  trường học đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới; tình trạng bạo lực học đường; chế độ chính sách đối với giáo viên, người lao động ngành giáo dục... đã được nêu ra.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông báo kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV đến cử tri
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông báo kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV đến cử tri

Giải đáp thắc mắc của cử tri, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, để đổi mới được căn bản, toàn diện giáo dục thì vấn đề đầu tiên cần đổi mới là chương trình giáo dục phổ thông.

Thực hiện chủ trương này, năm 2018, Bộ GD&ĐT đã công bố chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình mới có sự kế thừa những điểm tích cực của chương trình hiện hành và có thêm nhiều điểm mới như: giáo dục định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, thay vì định hướng nội dung như trước đây.

Theo lộ trình, từ năm học 2020-2021 chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu triển khai ở lớp 1. “Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang tiếp nhận các bộ SGK lớp 1 của các tổ chức, cá nhân biên soạn để tới đây sẽ tiến hành thẩm định và lựa chọn ra những SGK chất lượng nhất, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm.

Để chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai thực hiện một cách tốt nhất thì việc đảm bảo cơ sở vật chất trường, lớp là yêu cầu cấp thiết.

Một cử tri đặt câu hỏi tại hội nghị
Một cử tri đặt câu hỏi tại hội nghị 

Chia sẻ băn khoăn của cử tri về vấn đề bạo lực học đường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề này một cách công bằng, từ nhiều phía. Trong đó, phải thấy rõ trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh. Thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có các giải pháp ngăn ngừa, phòng chống bạo lực trong trường học, góp phần tạo nên môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, trường học hạnh phúc.

Song song yêu cầu đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường sư phạm nghiên cứu xây dựng những chuyên đề, nội dung để bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về kỹ năng phòng chống bạo lực học đường; kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm… để việc áp dụng trong thực tế giảng dạy tại địa phương được hiệu quả, thiết thực.

Đoàn đại biểu giải đáp một số vấn đề khác của cử tri
 Đoàn đại biểu giải đáp một số vấn đề khác của cử tri

Một số cử tri cũng bày tỏ lo lắng về việc nhiều địa phương hiện nay bị quá tải sĩ số lớp học, khiến việc đáp ứng yêu cầu về quy mô học sinh/lớp khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ không đảm bảo.

Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua khảo sát thực tế của Bộ GD&ĐT thì trung bình trong cả nước số lượng học sinh trong một lớp là 29 em. Ở các đô thị, thành phố lớn, con số này cao hơn, thậm chí có nơi 60 học sinh/lớp. Đây là vấn đề bất cập của việc phân bổ dân số.

Để giải quyết thực trạng này, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan khảo sát tốc độ sinh qua từng năm tại từng địa bàn, số trẻ di dân cơ học, để từ đó có kiến nghị phù hợp về việc xây dựng trường, lớp phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới và phù hợp các quy định trong Luật Giáo dục vừa được Quốc hội thông qua.

Kết thúc hội nghi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cảm ơn các cử tri đã quan tâm đồng hành cùng ngành giáo dục. Những chia sẻ, giải đáp thắc mắc của người đứng đầu ngành Giáo dục Việt Nam cũng được cử tri TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đánh giá cao, bày tỏ sự đồng thuận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.