Một thầy hiệu trưởng kể về sự thay đổi của mình khi còn là giáo viên trẻ “hăng máu” dạy Toán, lúc nào cũng giao cho HS làm bài siêu khó.
Thầy nhớ lại cảm giác được gặm nhấm niềm vui khi HS không ai làm được bài thầy giao, như kiểu “đánh bại” được lũ học trò vậy! Nhưng có lúc thầy giao bài dễ, HS không làm được thì thầy lại khùng lên, trách móc HS dốt.
Trong một giờ chuyên đề lớp 8, giảng về hai tam giác đồng dạng mà HS mãi không hiểu, thầy buột miệng: Sao dốt thế nhỉ… Thế là tiết học trầm xuống, HS thấy thầy giáo tức giận thì cố tập trung hơn, cuối cùng cũng vỡ ra chút ít.
Lúc rút kinh nghiệm về giờ dạy, cô giáo lãnh đạo trường có nhẹ nhàng nói với thầy: Tiết học khá ổn, nhưng không nên chê HS dốt nữa nhé! Ra khỏi giờ dạy, rời những cơn bực dọc, thầy chợt nhận ra mình phải thay đổi. Từ đó, không HS nào bị thầy chê dốt nữa!
Có câu chuyện lại mang tính “nhạy cảm” về giới tính. Đó là thầy hiệu trưởng nhận được tin nhắn từ học trò, kể về việc HS mang hình hài con gái, nhưng lại muốn làm con trai.
Em xin phép thầy cho để tóc kiểu “undercut” (kiểu tóc cạo hai bên và để tóc ở giữa như những HS nam khác trong trường), bởi em muốn được là chính mình. Bố mẹ em đã đồng ý nhưng sợ nhà trường không chấp nhận nên em nhắn tin xin phép thầy được để kiểu tóc đó và vẫn được học bình thường như những HS khác.
Với những người đã lớn tuổi như thầy giáo, việc này quả là “quá sức tưởng tượng”, nhưng thầy đã nhắn tin đồng ý với học trò. Tối đó thầy cứ thương mãi em HS đang “vật vã” đi tìm bản ngã. Tình thương đó đã khiến thầy có suy nghĩ luôn tôn trọng giới tính của HS.
Một cô giáo nổi tiếng hưởng ứng phong trào, nhận lời “thách thức”, chia sẻ về kỷ niệm khi cô 30 tuổi – đã là một GV “cứng” chuyên môn, được giao nhiệm vụ tư vấn giáo án, cách dạy, giúp đỡ một số đồng nghiệp đi thi GV dạy giỏi.
Quá trình làm việc, cô nhận thấy một GV cho rằng đi thi là đi diễn, “show” ra những gì hoành tráng, to tát chứ thực lòng GV đó cũng không tin vào phương pháp giảng dạy đó… Cuối cùng, cô đã từ chối giúp đồng nghiệp này dù cho có thể bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ.
Sau này, khi được đọc nhiều tài liệu trong nước và quốc tế, cô đã thay đổi “công thức” huấn luyện GV, giúp đỡ các đồng nghiệp. Đó là làm gì cũng đều bắt đầu từ thay đổi niềm tin trong nghề nghiệp, về sứ mệnh của người thầy, về những điều chắc chắn mà nghề giáo làm được. Với sự thay đổi này, việc giúp đỡ đồng nghiệp cố gắng để trở thành GV dạy giỏi với cô trở nên có ý nghĩa hơn nhiều…
Các thầy/ cô kể về sự thay đổi của mình trên mạng xã hội với sự đánh giá, giám sát của rất nhiều người: Học trò, cha mẹ HS, đồng nghiệp, người thân… theo đó, những câu chuyện càng mang tính xác thực.
Chỉ đơn thuần là kể chuyện, không đánh giá, bình luận, nhưng có thể thấy bóng dáng đậm nét của HS trong mỗi sự đổi thay của thầy/cô giáo, họ thay đổi vì lòng tự trọng nghề nghiệp, thay đổi để HS đến trường được vui vẻ, hạnh phúc. Để thấy mỗi sự thay đổi, dù nhỏ thôi của các thầy cô đều xây đắp cho niềm tin giáo dục giá trị, đều truyền cảm hứng cho học trò.
Điều đáng quý nhất là họ không dừng lại, sau Giáo dục STEM, Văn hóa đọc rồi Trường học hạnh phúc… các GV vẫn đang tiếp tục thay đổi, để tháng sau/quý sau/năm sau, họ lại ngập tràn hạnh phúc chia sẻ về một câu chuyện mới trên hành trình thay đổi của mình, sẵn sàng thay đổi vì HS thân yêu.