Nhà khoa học trẻ đam mê phát triển vật liệu mới

GD&TĐ - TS Đoàn Lê Hoàng Tân vừa vinh dự được chọn là 1 trong 10 gương mặt xuất sắc nhận giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả Cầu Vàng năm 2020.

TS Đoàn Lê Hoàng Tân hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử, ĐH Quốc gia TP HCM. 	Ảnh Minh Châu
TS Đoàn Lê Hoàng Tân hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử, ĐH Quốc gia TP HCM. Ảnh Minh Châu

Say mê nghiên cứu khoa học, đặc biệt là lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới, đến nay TS Đoàn Lê Hoàng Tân (SN 1987), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử - ĐH Quốc gia TPHCM đã sở hữu 30 bài báo khoa học quốc tế.

Tâm huyết với lĩnh vực y sinh

TS Đoàn Lê Hoàng Tân đã có đến 30 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế. Trong đó có 26 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Q1 (14 bài là tác giả chính), tác giả chính 1 bài thuộc danh mục Q2, tác giả chính 1 bài thuộc danh mục Q3, đồng tác giả 2 bài thuộc danh mục Q2. 

Hướng nghiên cứu của TS Tân là tập trung vào thiết kế, tổng hợp vật liệu xốp lai hữu cơ và vô cơ gồm hai loại chính là vật liệu khung hữu cơ kim loại (metal-organic framework, MOF) và vật liệu nano silica phân huỷ sinh học và  mở rộng ứng dụng loại vật liệu này trong lĩnh vực xúc tác dị thể, xử lý môi trường và y sinh. 

Một trong những nghiên cứu được TS Tân tâm đắc nhất trong lĩnh vực y sinh là về vật liệu chất dẫn truyền (nano silica hữu cơ) dược chất trong điều trị ung thư. Anh cho biết hiện việc điều trị cho bệnh nhân ung thư chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Phương pháp điều trị ung thư hiện tại bị giới hạn bởi sự phân phối thuốc không hiệu quả trong cơ thể bệnh nhân, điều này dẫn đến việc phải sử dụng liều lượng cao, giải hấp thuốc nhanh, dược động học không hiệu quả và tăng nguy cơ tác dụng phụ của thuốc.

Ngoài ra, một số dược chất có tính chống ung thư có tính kỵ nước (hydrophobic) nên không thể tiêm trực tiếp vào cơ thể bệnh nhân trong quá trình điều trị bệnh. 

Gần đây, nhóm nghiên cứu của anh đã phát triển một loại nano silica mới có khả năng phân hủy sinh học. TS Tân lý giải, “vật liệu này được nghiên cứu thành công sẽ giống như một chiếc xe chuyên chở thông minh vận chuyển dược chất đến đúng khối u. Đặc biệt, sau khi giải phóng dược chất tại tế bào ung thư, các hạt nano sẽ tự phân hủy thành những phân mảnh nhỏ và thải loại ra khỏi cơ thể sau khi qua màng lọc của thận”.

Dựa trên các nghiên cứu đạt được về vật liệu nano silica phân huỷ sinh học, TS Tân đã được sự tài trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua đề tài thuộc Chương trình Phát triển vật lý 2020 triển khai từ tháng 3/2019 tới tháng 8/2021. Mục tiêu của đề tài này là ứng dụng vật liệu nano phân huỷ sinh học nhằm gia tăng hiệu quả điều trị bệnh ung thư của các dược chất tự nhiên. 

TS Hoàng Tân cho biết, kết quả nghiên cứu đã được công bố nhiều, nhưng công việc của một nhà khoa học không chỉ dừng ở đó. Điều mong muốn của TS Tân và những người làm khoa học là  những kết quả này sẽ sớm được ứng dụng trong thực tế, góp phần cho điều trị bệnh ung thư hiệu quả.

Vừa qua,TS Hoàng Tân hợp tác với GS Tamanoi (Đại học California, Los Angeles-Mỹ) để phát triển ứng dụng chiếu xạ tia neutron và chiếu xạ tia X đơn bước sóng để điều trị ung thư dựa trên loại vật liệu nano silica đã được thiết kế để biến tính bề mặt gắn thêm boron-10 (Boron Neutron Capture Therapy, BNCT) hoặc gadolinium (Auger therapy).

Bước ngoặt quan trọng

Theo TS Hoàng Tân, người truyền lửa cho anh yêu thích nghiên cứu khoa học là GS Lê Ngọc Thạch. Ở thầy, anh bắt gặp sự say mê, nhiệt huyết, đầu tư kĩ lưỡng, tận tuỵ và sáng tạo trong công việc. Hiện, thầy đã nghỉ hưu nhưng vẫn say mê viết sách, có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ để nói về khoa học… Cũng từ niềm đam mê nghiên cứu, TS Hoàng Tân bén duyên với vợ là Nguyễn Hồ Thuỳ Linh - nghiên cứu sinh tại INOMAR. Anh cho biết cả vợ và chồng đều nghiên cứu khoa học, nên đôi lúc cả ngày, câu chuyện của hai vợ chồng chỉ xoay quanh chủ đề khoa học. 

TS Đoàn Lê Hoàng Tân từng theo học phổ thông tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM). Yêu thích Hoá học, tốt nghiệp cấp 3,  Hoàng Tân theo học chương trình cử nhân tài năng của khoa Hoá học - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM. Tốt nghiệp đạt loại Giỏi, Tân được ở lại trường làm trợ giảng cho khoa Hóa học.

Năm 2010, nhà khoa học trẻ bắt đầu tham gia Nghiên cứu sinh chương trình Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử, của ĐH Quốc gia TPHCM liên kết với UCLA (Đại học California, Los Angeles - Mỹ). Đây được coi là một trong những bước ngoặt quan trọng đối với chàng cử nhân khoa Hóa khi bắt đầu định hình rõ con đường tương lai của mình. 

Chương trình Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử do các chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực vật liệu khung hữu cơ kim loại (MOF) hướng dẫn trực tiếp, với những yêu cầu và kỳ vọng rất khắt khe đặt ra cho các nghiên cứu sinh. 

TS Hoàng Tân cho biết, dù thời điểm này quá trình học tập, nghiên cứu của anh gặp rất nhiều áp lực do phải đáp ứng những yêu cầu rất cao của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này, nhưng đó cũng là khoảng thời gian anh học hỏi được rất nhiều về làm khoa học, từ sự chuyên nghiệp, chỉn chu, cẩn trọng, nghiêm túc, tâm huyết, sáng tạo… 

Sau đó, TS Hoàng Tân sang Nhật Bản để làm nghiên cứu hậu tiến sĩ. Năm 2019, anh đã quyết định về nước nhận nhiệm vụ phát triển hướng nghiên cứu vật liệu nano xốp tại Trung tâm nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử, ĐH Quốc gia TPHCM (INOMAR).

“Những công trình nghiên cứu khoa học mà chúng tôi có được hôm nay là sự nỗ lực của cả tập thể, nhóm nghiên cứu và sự hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo trung tâm INOMAR, ĐH Quốc gia TPHCM. INOMAR đầu tư những thiết bị máy móc rất hiện đại, gần như là duy nhất tại Việt Nam để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Đây là sự hỗ trợ rất lớn cho các nhóm nghiên cứu”.

Mới đây, TS Đoàn Lê Hoàng Tân trở thành 1 trong 10 gương mặt khoa học trẻ nhận giải thưởng Quả cầu Vàng 2020. “Danh hiệu chính là động lực lớn để tôi và các đồng nghiệp ở INOMAR tiếp tục công việc NCKH của mình”, TS Hoàng Tân nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...