PGS.TS Đào Nguyên Khôi: Nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Quả cầu vàng 2019

PGS.TS Đào Nguyên Khôi: Nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Quả cầu vàng 2019

Thành công với môi trường nước

Đối với nhà khoa học trẻ Đào Nguyên Khôi, 2019 là năm gặt hái được nhiều thành quả. Anh vừa được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn trong số 349 phó giáo sư của cả nước. Đào Nguyên Khôi cũng là một trong những phó giáo sư có tuổi đời khá trẻ của đợt xét học hàm giáo sư, phó giáo sư trong năm 2019.

Niềm vui như được nhân đôi khi anh được bình chọn là một trong 10 tài năng trẻ xuất sắc nhất nhận danh hiệu Quả cầu vàng năm 2019. Giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả cầu vàng dành cho các thanh niên tiêu biểu, những tài năng trẻ xuất sắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hằng năm. Bên cạnh đó, PGS Đào Nguyên Khôi còn được vinh danh là Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2019.

Nghiên cứu độc lập từ năm 2013, sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ tại Nhật Bản, trong những năm qua, PGS.TS Đào Nguyên Khôi tập trung hướng nghiên cứu vào việc làm rõ hoạt động của hệ thống môi trường nước và nhận dạng các thay đổi của môi trường nước dưới các tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động nhân sinh.

Kết quả từ các nghiên cứu này cung cấp những thông tin khoa học nhằm phục vụ công tác quản lý hiệu quả tài nguyên nước và giảm thiểu các tác động bất lợi từ các sự thay đổi này. Trong hơn 6 năm qua, PGS.TS Đào Nguyên Khôi đã chủ trì thành công 6 đề tài nghiên cứu các cấp và công bố được hơn 60 bài báo khoa học (23 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín).

“Tôi được khơi dậy cảm hứng đam mê NCKH từ những người thầy đầu tiên của mình. Nhờ sự hướng dẫn và định hướng của các thầy, tôi bị thu hút vào hướng nghiên cứu mô hình hóa môi trường nước.

Bên cạnh đó, các vấn đề môi trường thực tiễn, cụ thể là vấn đề suy thoái môi trường nước do ảnh hưởng của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và tác động của biến đổi khí hậu, cũng thu hút sự quan tâm của tôi. Hy vọng những nghiên cứu của tôi phần nào giúp hiểu rõ sự vận hành của hệ thống môi trường nước và các ảnh hưởng từ hoạt động sống của mình đến môi trường, để từ đó đưa ra những cơ sở khoa học hỗ trợ công tác quản lý bền vững môi trường nước”, PGS Khôi cho biết.

PGS.TS Đào Nguyên Khôi (bên phải ngoài cùng) cùng các cộng sự trong chuyến đi thực tế ở địa phương. Ảnh: NVCC
 PGS.TS Đào Nguyên Khôi (bên phải ngoài cùng) cùng các cộng sự trong chuyến đi thực tế ở địa phương.  Ảnh: NVCC

Chuyển hướng nghiên cứu ứng dụng

Hiện PGS Đào Nguyên Khôi dành 50% thời gian cho công tác quản lý, giảng dạy và 50% thời gian còn lại để thực hiện NCKH. Anh cho biết, trong quá trình nghiên cứu cũng gặp nhiều khó khăn và trở ngại, như những lần kết quả tính toán mô hình không đúng thực tế, những lần viết đề cương nộp xin đề tài nghiên cứu bị từ chối, những bài báo khoa học bị từ chối nhận đăng…

Một trở ngại gần đây nhất là quá trình anh thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thành phố. Đây cũng là đề tài đầu tiên anh thực hiện theo hướng nghiên cứu ứng dụng vì những đề tài trước đó chủ yếu là theo hướng nghiên cứu cơ bản.

Lúc thực hiện nhiệm vụ, anh vẫn triển khai theo hướng tư duy khoa học cơ bản và sản phẩm của đề tài không được Hội đồng giám định đánh giá đạt vì kết quả chưa gắn được với thực tiễn công tác quản lý của địa phương. Do đó, đề tài phải gia hạn thêm thời gian thực hiện.

Trong thời gian gia hạn đề tài, anh đã làm việc nhiều hơn với cơ quan địa phương và tổ chức hội thảo góp ý từ chuyên gia và cơ quan quản lý để hoàn thiện sản phẩm đề tài. Thông qua đề tài này, anh cho biết đã học được rất nhiều kiến thức từ thực tế mà nếu chỉ làm nghiên cứu trong trường đại học thì khó có thể tiếp cận được.

Bên cạnh hướng nghiên cứu cơ bản, PGS Khôi xác định hướng đi sắp tới là nghiên cứu ứng dụng để góp phần giải quyết vấn đề môi trường thực tế đặt ra. Anh chia sẻ: Để những nghiên cứu thành công, các giảng viên - nhà khoa học trẻ cần duy trì đam mê và nhiệt huyết với NCKH.

Từ đó, các bạn có thể làm được nhiều thứ, vì đây cũng là yếu tố quan trọng để dẫn tới thành công trong con đường NCKH. Việc duy trì đam mê và nhiệt huyết trong các bạn trẻ có thể đến từ việc trao cơ hội được tham gia, trau dồi kiến thức và kỹ năng trong các nhóm nghiên cứu của thầy cô đi trước, được hỗ trợ kinh phí thực hiện những ý tưởng nghiên cứu của mình.

Hiện nay, cũng có rất nhiều chương trình nghiên cứu dành cho các bạn giảng viên - nghiên cứu trẻ như Chương trình Vườn ươm sáng tạo KH&CN Trẻ, Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED), Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF)… Đó cũng là điều kiện thuận lợi cho bạn trẻ hôm nay trên con đường đến với NCKH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.