Điều này khiến hơn 50 nghìn học sinh không được đến lớp.
Giáo viên tại Abuja, Nigeria, đã nghỉ làm trong nhiều tháng để phản đối về lương, khiến hàng trăm trường học phải đóng cửa do thiếu nhân lực. Nguyên nhân của cuộc tranh chấp là do chính quyền chậm trễ tăng mức lương tối thiểu mới.
Cụ thể, Tổng thống Bola Tinubu ký ban hành tăng mức lương tối thiểu lên 70 nghìn naira từ tháng 7/2024 nhằm giảm bớt tác động của lạm phát sau các cuộc cải cách kinh tế sâu rộng. Tuy nhiên, gần một năm sau, nhiều địa phương, trong đó có Abuja, vẫn chưa áp dụng mức lương này cho giáo viên.
Liên đoàn Giáo viên Nigeria (NUT) tại Abuja khẳng định sẽ không chấm dứt đình công nếu chính quyền chưa thực hiện đầy đủ mức lương tối thiểu cùng các khoản nợ lương và quyền lợi chưa thanh toán. Ông Abdullahi Mohammed Shafas, lãnh đạo công đoàn, phát biểu: “Chúng tôi đã tiến hành hai cuộc đình công cảnh báo và giờ là lần thứ 3. Dù có nhiều lời hứa, nhưng chính phủ vẫn chưa thực hiện bất cứ điều gì cụ thể”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Lãnh thổ Thủ đô Liên bang, ông Nyesom Wike, cho biết Bộ đã phê duyệt mức lương mới nhưng đổ lỗi cho các hội đồng địa phương không thực hiện việc chi trả.
Sự bế tắc này không chỉ ảnh hưởng đến giáo viên mà còn tác động sâu sắc tới cuộc sống của học sinh và gia đình họ. Thầy Elisha Goni, giáo viên tại trường tiểu học ở khu vực Garki, cho biết anh hầu như không thể trang trải chi phí sinh hoạt với mức lương hiện tại.
“Tôi sống cách nơi làm việc 50 km để tiết kiệm tiền thuê nhà. Nhưng tôi không thể dạy học với cái bụng đói”, thầy Elisha nói.
Còn đối với những học sinh như Blessing, 10 tuổi, giáo viên nghỉ làm đồng nghĩa việc học tập bị gián đoạn. Thay vì ôn thi chuyển cấp, Blessing phụ mẹ xúc ớt xay tại cửa hàng ven đường. Mẹ em đang cân nhắc chuyển con sang trường tư “dù chất lượng không tốt” chỉ để con không ngồi nhà quá lâu.
Cuộc đình công lần này là cú đòn giáng tiếp theo vào hệ thống giáo dục vốn đã mong manh của Nigeria. Việc học sinh bị gián đoạn học tập trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến kiến thức mà còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội: Gia tăng tình trạng lao động trẻ em, mất động lực học hành và nguy cơ trẻ bỏ học vĩnh viễn.
Trong bối cảnh Nigeria đang đối mặt với khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, việc sớm giải quyết tranh chấp lương giữa giáo viên và chính quyền địa phương không chỉ là yêu cầu cấp thiết để phục hồi giáo dục mà còn là vấn đề công bằng xã hội.
Tại một số trường học, lớp học trống rỗng, sân trường vắng tiếng nói cười của học sinh. Ông Abdu, 54 tuổi, làm bảo vệ tại một trường LEA, chia sẻ: “Tôi từng giúp đỡ giáo viên trông coi học sinh, quan sát cổng trường mỗi giờ phụ huynh đưa đón con cái. Giờ thì chẳng còn việc gì ngoài việc ngủ hết ngày”.