Đề xuất tăng mức vay cho sinh viên lên 4 triệu đồng/tháng: Tăng cơ hội học tập

GD&TĐ - Bộ Tài chính vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ nâng mức vay cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ 2,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng mỗi tháng.

Gia đình khó khăn được vay vốn tín dụng ưu đãi cho con em ăn học.
Gia đình khó khăn được vay vốn tín dụng ưu đãi cho con em ăn học.

Đề xuất này được đông đảo sinh viên, phụ huynh đồng tình hưởng ứng vì phù hợp với điều kiện thực tế.

Bảo đảm cơ hội được học tập của mọi sinh viên

Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên được triển khai nhiều năm qua đã hỗ trợ nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, góp phần bảo đảm cơ hội được học tập của mọi sinh viên.

Cụ thể, chương trình tín dụng đối với HSSV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu tiên năm 2007 với mức vay 800.000 đồng/HSSV. Mục tiêu của chương trình là sử dụng nguồn lực của Nhà nước để cung cấp tín dụng ưu đãi cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm không để HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về kinh tế.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1656/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 điều chỉnh mức vay đối với HSSV từ mức 1,5 triệu đồng/tháng/HSSV lên mức 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, trong điều kiện mức học phí hiện nay, mức cho vay 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập cho HSSV. Mức chi phí học tập của một HSSV là khoảng 6,5 triệu đồng/tháng đến 9,5 triệu đồng/tháng.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có Tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề xuất nâng mức cho vay theo hướng đáp ứng 60% mức sinh hoạt của HSSV, tương ứng từ 4.550.000 - 6.650.000 đồng/tháng.

Còn theo đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2019, mức cho vay 2,5 triệu đồng giúp sinh viên đáp ứng khoảng 60% chi phí học tập. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mức cho vay này chỉ đáp ứng được 37% tổng chi phí học tập của HSSV. Do tình hình lạm phát và dự kiến tiếp tục tăng mức học phí tại các cơ sở đào tạo trong thời gian tới cộng với chi phí sinh hoạt tiếp tục gia tăng, mức cho vay hiện hành khó bảo đảm việc theo học của HSSV.

Việc nâng mức vốn vay để hỗ trợ cho HSSV trang trải chi phí học tập qua đó góp phần ổn định đời sống, tư tưởng cho hộ gia đình và HSSV, nâng cao trình độ dân trí. Do đó, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định nâng mức cho vay tối đa lên mức 4 triệu đồng/tháng/HSSV, bằng 61% mức chi phí học tập tối thiểu và 42% mức chi phí học tập tối đa của HSSV.

Nhu cầu vay sẽ tăng

Bày tỏ vui mừng trước đề xuất tăng vốn vay của Bộ Tài chính, chị Nguyễn Thị Hồng (Ba Vì, Hà Nội) cho rằng, nếu được vay vốn, gia đình sẽ đỡ lo phần nào khi con theo học đại học. Với mức sinh hoạt hiện nay, gia đình chị mất khoảng 5 triệu để cho con trai học đại học. Nếu được vay vốn với lãi suất thấp, chị có thể trang trải chi phí giúp con học tập.

Nhờ có nguồn vốn vay này, Nguyễn Trọng Đạt - sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã trang trải được học phí. Nay lại được điều chỉnh từ 2,5 triệu lên 4 triệu, theo Đạt sẽ hỗ trợ cho em nhiều hơn trong học tập và sinh hoạt.

Theo đại diện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, hàng năm nhiều sinh viên hoàn cảnh khó khăn đã vay vốn để trang trải cho các chi phí học tập. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng khá đơn giản. Phụ huynh trực tiếp đứng ra làm thủ tục cho con em mình. Toàn bộ thủ tục vay vốn được Ngân hàng Chính sách phổ biến đến tận hộ gia đình và các thủ tục giải ngân, rất thuận lợi cho HSSV.

Theo ông Bùi Văn Linh, hiện các trường đại học đã chủ động xây dựng các giải pháp hỗ trợ sinh viên; đặc biệt là em thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác, bên cạnh nguồn vốn vay tín dụng, các HSSV còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước như học bổng chính sách, hỗ trợ chi phí học tập, trợ cấp xã hội.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các trường chủ động tìm kiếm nguồn học bổng từ doanh nghiệp và quỹ hỗ trợ sinh viên. Trong các văn bản quy định hiện nay, các nhà trường chủ động thành lập Quỹ Hỗ trợ sinh viên nghèo, sinh viên khó khăn. Sinh viên nghèo học giỏi còn được hưởng học bổng khuyến khích học tập với mức học bổng tối thiểu bằng mức học phí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ