Tâm sự, kể lể quá nhiều, quá chi tiết về đời tư cá nhân
Chuyện buồn, chuyện vui cơ bản chỉ nên chia sẻ ở mức độ vừa phải, vô thưởng, vô phạt. Trừ một số lý do bất khả kháng thì hạn chế khoe mẽ lên mạng xã hội, khoe mẽ về cuộc sống riêng đang tốt đẹp thế nào, bởi vì khi nó không tốt đẹp nữa, người ta sẽ nghĩ: “Biết ngay mà”.
Cuộc đời của bạn, vấn đề của bạn, bạn là người rõ hơn ai hết, việc cứ đem chuyện của mình ra để người khác tham gia vào, sẽ có ngày đem lại rắc rối cho bạn. Tôi đã từng mất đi một người bạn rất thân chỉ vì chuyện gì cũng kể. Thế giới của mình, người khác có nghe cũng không sao hiểu được. Họ sẽ áp đặt góc nhìn của họ, cuối cùng là phán xét và đánh giá.
Tham gia vào chuyện của người khác, cho lời khuyên ngay cả khi họ không có nhu cầu
Bạn tưởng rằng góp ý là để cho người khác tốt lên. Nhưng bạn cần phải hiểu, tự họ có thấy họ cần phải tốt lên hay không? Vấn đề của họ là của họ, hãy chỉ cho lời khuyên, khi được đề nghị.
Còn nếu bạn nhân danh “thẳng thắn” để góp ý chắc chắn bạn sẽ làm cho đối phương không thoải mái, thậm chí còn mang lại cho mình bực bội. Trừ phi hành xử của họ ảnh hưởng trực tiếp đến bạn, còn lại việc của người khác, dù không vừa mắt, cũng không nên ý kiến.
Hỏi ý kiến những người không có chuyên môn
Phụ nữ có đặc điểm là khi có việc gì là bắt đầu hỏi ý kiến loạn lên. Nhiều khi con ốm con đau thay vì đến gặp thẳng bác sĩ thì lại đem lên mạng hỏi, chín người, mười ý, không biết đằng nào mà lần.
Rồi khi chồng ngoại tình thay vì bình tĩnh, tìm đến người có kiến thức, kinh nghiệm, thì lại hỏi hết người này người kia, người bảo phải đi đánh ghen, người bảo phải về chiều chồng, càng nghe càng sai. Như mẹ tôi trước đây, cũng chính vì nghe theo quá nhiều lời xui dại mà đẩy mối quan hệ của mình đến sự bế tắc không thể gỡ rối.
Quá để tâm đến cái nhìn người khác
Cuộc đời của mình, phải lấy mong muốn của mình, cảm xúc của mình, mục tiêu của mình làm trung tâm. Nhưng nhiều người lại cứ lấy cái nhìn của người khác, mục tiêu của người khác, những gì người khác đạt được làm thước đo cuộc sống của chính mình. Người ta mua được cái này, mình cũng phải cố mua cho bằng được, không thì sợ thua kém.
Rồi bất kỳ thứ gì mình làm cũng đều phục vụ cho cái nhìn của người khác. Thực ra mỗi người đều có cuộc sống riêng, vấn đề riêng, họ có bận tâm đến bạn cũng chẳng quá được đôi ba phút trong ngày, có nhìn bạn khoe gì trên mạng xã hội, ảnh xấu hay ảnh đẹp cũng chẳng ngắm được bạn bao lâu. Người yêu quý bạn, thì bạn mặc gì, đi đứng thế nào cũng vẫn đẹp, người không ưa bạn, dù bạn có làm gì họ cũng bới móc ra để mà chê bai, nói xấu.
Thế nên, muốn hạnh phúc, phải biết mình muốn gì, mình thích gì. Làm cái gì mình thích, chọn thứ mình muốn, dám lựa chọn, dám sai lầm và chịu trách nhiệm. Có sai thì mới có đúng, cái đúng lúc đó mới thành cái đúng của mình. Không dám sai thì không bao giờ trở thành người có kiến thức, có trải nghiệm và có chiều sâu.
Luôn nỗ lực làm vừa lòng tất cả mọi người
Có câu nói thế này: “Cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người là điều vừa khó, vừa ngu!”. Nghe hơi tiêu cực nhưng không sai. Dù bạn có là hoa hậu thì trong mắt nhiều người bạn vẫn xấu. Bạn có thấy ai trên đời này chưa từng bị chửi bới, chưa từng bị ghét?
Người tiêu cực thì bạn làm gì họ cũng không vừa mắt, nỗ lực thế nào cũng không vượt qua thành kiến của họ. Có những người bạn một lần mắc lỗi, cả đời bạn không có cơ hội đẹp lên trong mắt họ. Đừng nỗ lực để họ tha thứ cho bạn, bạn chỉ cần nỗ lực tốt lên một chút mỗi ngày, bạn thấy được cái sai của mình, rút kinh nghiệm và sửa mình. Cho bạn chứ không phải cho ai hết.