Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, có thể khẳng định, chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ về tín dụng đối với HSSV là một bước tiến quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của xã hội.
Số liệu thống kê của trường cho thấy nhu cầu vay vốn để học tập – khởi nghiệp của SV là rất lớn. Điều này xuất phát từ thực tế một bộ phận SV còn gặp khó khăn trong việc trang trải các khoản chi phí để đi học cũng như định hướng phát triển bản thân.
Theo thời gian thì những định mức vay cũng cần thay đổi để phù hợp với những biến động của điều kiện kinh tế xã hội và những thách thức mới từ cuộc sống. Việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định điều chỉnh tăng mức cho vay tối đalên 2.500.000đ/tháng/HSSV, theo PGS, đây là một điều chỉnh rất kịp thời và phù hợp với tính nhân văn của văn hóa Việt cũng như đảm bảo tính thích nghi với thực tiễn.
“Không riêng gì SV, về phía những người làm công tác giáo dục, tôi tán đồng vì quyết định trên đã chia sẻ, giảm bớt gánh nặng tài chính cho SV cũng như tạo ra sự an tâm với gia đình cũng như những nhà giáo dục. SV yên tâm học tập, nghiên cứu thì nhà trường cũng bớt lo hơn bởi đầu tư cho con người khởi nghiệp cần đầu tư có nền tảng và bài bản.
Tôi cũng kỳ vọng sẽ có những quan tâm chi tiết và cụ thể với sinh viên Sư phạm bởi đây là ngành đào tạo đặc thù, khởi nghiệp mang tính định hướng và cần đáp ứng các yêu cầu của ngành nghề.
Nếu với các chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển đội ngũ nhân lực cho ngành giáo dục, việc xây dựng cơ chế đặc thù về tài chính cho sinh viên sư phạm là yêu cầu cấp thiết, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo từ nhiều phía cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững” - PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.