'Kéo co' giữa bảo tồn và khai thác: Số phận nào cho trò chơi dân gian?

GD&TĐ - Chiều hè năm xưa, lũ trẻ say sưa ô ăn quan, rồng rắn quanh sân, diều bay theo gió…

Sự 'lên ngôi' của các thiết bị điện tử khiến nhiều người không còn hứng thú với các trò chơi dân gian. Ảnh: ITN.
Sự 'lên ngôi' của các thiết bị điện tử khiến nhiều người không còn hứng thú với các trò chơi dân gian. Ảnh: ITN.

Thế nhưng, hình ảnh ấy dần phai nhạt giữa cuộc sống hiện đại, khi trẻ em gắn bó với màn hình nhiều hơn sợi dây nhảy, còn khoảng sân chung bị thay thế bởi nhà cao tầng và lịch học dày đặc…

“Ngủ quên” giữa phố thị

“Trò chơi dân gian” được dùng để phân biệt với những thú vui nơi chốn cung đình hoa lệ, giống như gọi “nhà tranh” để tách bạch khỏi nhà ngói, nhà tôn. Trò chơi cung đình chỉ ra đời cùng sự hình thành các vương triều, còn trò chơi của dân thường đã có tự thuở con người quần tụ, sinh hoạt cộng đồng.

Thuở ban đầu, chúng hẳn rất giản đơn, rồi theo đà phát triển của đời sống, bộ sưu tập trò chơi ngày một phong phú. Đếm tên gọi, luật lệ, cách chơi của tất cả trò dân gian còn tồn tại đến ngày nay là điều gần như bất khả thi.

Không gian diễn ra các trò này trải khắp mọi miền: Từ đồng bằng đến đô thị, từ sườn núi cao xuống miền duyên hải, từ Bắc vào Nam. Có trò tổ chức ngoài trời như đánh đu, ném còn, quay vụ, thả diều; có trò trên sông nước như đua thuyền; có trò trong nhà như đánh tam cúc, cờ tướng; lại có trò ngay khoảng sân trước hiên như nhảy dây, rồng rắn, bịt mắt bắt dê… Những trò cổ xưa nhất phải kể đến đánh đáo, đánh chắt, đánh khăng của trẻ, hay đấu vật của người lớn.

Đối tượng tham gia cũng muôn vẻ. Nhiều trò dành riêng cho con nít (ô ăn quan, đánh đáo, bịt mắt bắt dê, chi chi chành chành, dung dăng dung dẻ)…; một số trò thuộc về thế giới người lớn như cờ tướng. Thậm chí có trò đòi hỏi trình độ chữ nghĩa, như họa vần câu đối của các bậc nho học.

Từ trẻ nhỏ tới người già, kẻ học cao hay người chưa biết chữ, dân phố phường lẫn cư dân bản làng đều tìm được trò thích hợp. Bên cạnh những trò chung khắp cả nước, mỗi tộc người thiểu số còn sở hữu “đặc sản” riêng: Người Thái tung còn, Cơ Tu ném vòng, H’Mông phóng lao, Tày chơi tó cối, Mường thi đè kha…

Điều hấp dẫn của trò chơi dân gian là sự đơn giản, đôi khi chỉ cần góc sân, sợi dây, vài viên sỏi hay mấy đoạn que là đủ mở cuộc vui. Có trò diễn ra hằng ngày, có trò chỉ xuất hiện vào dịp Tết, hội hè như đánh đu, đấu vật, chọi trâu, thi nấu cơm, bắt cá, bắt vịt… Dẫu biến đổi bao nhiêu, điểm chung vẫn là tinh thần gắn kết cộng đồng, niềm vui mộc mạc và đặc biệt là không tốn kém.

Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, trò chơi dân gian ngày càng vắng bóng trong sinh hoạt cộng đồng, gia đình và cả trường học. Nguyên nhân có thể kể đến là sự đô thị hóa nhanh chóng đã khiến không gian vui chơi truyền thống ngày một thu hẹp. Áp lực học hành đè nặng, sự phổ biến của các thiết bị điện tử khiến trẻ em không còn thời gian cho những buổi chiều rong chơi cùng bạn bè.

Thế hệ ông bà, cha mẹ có thể là lớp người cuối cùng còn lưu giữ luật chơi nguyên bản của các trò truyền thống. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, nguy cơ đứt gãy truyền thống là điều khó tránh khỏi.

Nên “bảo tồn” hay “khai thác"

Trò chơi dân gian không chỉ là hoạt động vui chơi mà còn là một kho tàng chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử và triết lý sống. Mỗi trò chơi là một lớp học không tường, nơi trẻ rèn luyện sự khéo léo, tinh thần đồng đội, tư duy chiến lược, khả năng kiên nhẫn và chia sẻ.

Bảo tồn trò chơi dân gian là điều cần thiết để giữ lại cái “hồn” của văn hóa Việt. Hiện nay, các viện nghiên cứu, trường đại học, bảo tàng văn hóa đang triển khai hoạt động sưu tầm, ghi chép luật chơi, lời đồng dao để tư liệu hóa di sản. Luật Di sản Văn hóa sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 7/2025) cũng nhấn mạnh vai trò cộng đồng trong việc gìn giữ di sản phi vật thể, trong đó có trò chơi dân gian.

Điều này có nghĩa là cộng đồng sẽ được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia tích cực vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các trò chơi truyền thống, góp phần duy trì bản sắc văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc “lưu trữ” thì di sản sẽ dần trở nên xa rời đời sống, “bảo tàng hóa” thành những vật thể tĩnh. Chưa kể, công tác bảo tồn hiện cũng gặp thách thức về nhân lực, kinh phí và sự thiếu gắn kết giữa các thế hệ.

Một luồng ý kiến khác cho rằng, cách bảo tồn hiệu quả nhất chính là để di sản “sống” trong đời sống hôm nay. Tức là đưa trò chơi dân gian quay lại đời sống một cách linh hoạt, hấp dẫn và phù hợp với bối cảnh hiện đại.

Tại Hội An, du khách có thể trải nghiệm các trò chơi truyền thống như bài chòi, ô ăn quan, kéo co trong các tour văn hóa. Ở Tây Nguyên, trò ném còn hay đẩy gậy được tổ chức như một phần của sản phẩm du lịch. Không ít homestay, khu nghỉ dưỡng đã tích hợp trò chơi dân gian như một điểm nhấn trải nghiệm.

Trong giáo dục, một số trường tiểu học và THCS ở Cần Thơ, Hà Nam, Thừa Thiên Huế đã tích hợp trò chơi dân gian vào hoạt động ngoại khóa nhằm rèn luyện kỹ năng cho học sinh.

Song song đó, nhiều startup đã sáng tạo lại trò chơi truyền thống dưới dạng board game hoặc ứng dụng trực tuyến như ô ăn quan, cờ gánh... Các trò chơi được thiết kế đẹp mắt, chất liệu an toàn, màu sắc sinh động và luật chơi dễ hiểu, giúp trò chơi dân gian trở nên gần gũi hơn với giới trẻ ngày nay.

Em Duy Tuấn, học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Văn Huyên (Tuyên Quang), hào hứng chia sẻ: “Ban đầu, em cũng nghĩ mấy trò dân gian chắc chỉ dành cho trẻ con, chán lắm, nhưng khi tham gia rồi thì bất ngờ thật sự. Nó vui và hào hứng hơn em tưởng.

Mấy đứa trong lớp em bình thường ít nói chuyện với nhau, mà hôm đó lại cùng kéo co, cùng cười lăn ra sân. Em thấy chơi mấy trò này không chỉ để giải trí, mà còn giúp tụi em gắn kết với nhau hơn. Có những khoảnh khắc rất đơn giản thôi, nhưng lại khiến mình nhớ mãi, nhất là khi em đang là học sinh cuối cấp, không còn nhiều thời gian để chơi cùng bạn bè”.

keo-co-giua-bao-ton-va-khai-thac-so-phan-nao-cho-tro-choi-dan-gian-1.jpg
Các em nhỏ Trường mầm non Lê Lợi (Bắc Ninh) chơi trò kéo cưa lừa xẻ.

Khi khai thác đi quá giới hạn

Dù việc khai thác trò chơi dân gian mang lại cơ hội để di sản sống dậy trong đời sống hiện đại, nhưng nếu không được kiểm soát kỹ lưỡng, quá trình này rất dễ dẫn đến những biến tướng phản văn hóa. Thực tế cho thấy, không ít khu du lịch hiện nay tổ chức trò chơi dân gian theo kiểu “cho có”, mang tính minh họa nhiều hơn trải nghiệm.

Những chiếc đòn gánh được bày biện sơ sài, những trò như nhảy bao bố, ô ăn quan chỉ tồn tại như điểm “check-in” phục vụ khách chụp ảnh, thiếu hẳn sự hiểu biết về lịch sử, giá trị văn hóa và tinh thần nguyên bản của trò chơi.

Không gian tái hiện bị kịch hóa, thậm chí pha trộn tùy tiện giữa các vùng miền, làm sai lệch bản chất. Mục tiêu chính vẫn là “làm màu” để tăng giá vé, khiến trò chơi dân gian bị thương mại hóa thô thiển, mất đi vẻ hồn nhiên, cộng đồng vốn có.

Sự biến dạng này còn thể hiện rõ rệt trên môi trường số. Nhiều trò chơi dân gian khi được chuyển thể thành game điện thoại đã bị thay đổi luật chơi một cách tuỳ tiện, thêm thắt các yếu tố “leo cấp”, “mua vật phẩm”, “nạp tiền tăng sức mạnh”, vốn không hề tồn tại trong bản gốc.

Những trò chơi gắn mác dân gian nhưng lại mang cấu trúc gây nghiện và lối chơi đơn độc, tách biệt khỏi tinh thần tập thể, tinh thần chia sẻ, công bằng, những giá trị cốt lõi từng được gìn giữ qua bao thế hệ. Không ít ứng dụng còn bỏ qua yếu tố giáo dục hoặc truyền thống, biến trò chơi thành một sản phẩm giải trí rập khuôn, chạy theo thị hiếu thị trường.

Hệ quả là người trẻ, đối tượng mà các dự án số hóa hướng tới, hoặc hiểu sai về di sản, hoặc tiếp cận một cách hời hợt, bề nổi, thậm chí là thờ ơ. Khi những giá trị cũ bị làm méo mó ngay từ trong hình thức mới, di sản không những không được bảo tồn mà còn dần bị đánh mất một cách âm thầm.

keo-co-giua-bao-ton-va-khai-thac-so-phan-nao-cho-tro-choi-dan-gian-2.jpg
Các thiếu nữ Gia Rai và Raglai thể hiện tài năng đội chum giữ thăng bằng trước sự cổ vũ của người dân và du khách. Ảnh: Dân trí

Để di sản tiếp tục “sống” đẹp

Di sản chỉ thật sự sống khi được gìn giữ đúng cách và biết thích nghi với thời đại. Bảo tồn và khai thác không đối lập, mà cần song hành trong một chiến lược phát triển bền vững, tôn trọng giá trị gốc và khuyến khích sáng tạo.

Việc nghiên cứu, sưu tầm và lưu trữ trò chơi dân gian phải được tiến hành khoa học, ghi chép đầy đủ luật chơi, lời đồng dao, đạo cụ… như một phần tài sản văn hóa quốc gia, làm nền tảng cho các sáng tạo không lệch khỏi bản chất gốc.

Cộng đồng - chủ thể tạo ra và lưu giữ trò chơi cần được trao quyền và hưởng lợi công bằng trong việc phát huy giá trị di sản. Song song, chính sách cần hỗ trợ các doanh nghiệp, startup khai thác trò chơi dân gian trên nền tảng truyền thống, với sự thẩm định chuyên môn chặt chẽ để tránh biến tướng.

Cuối cùng, giáo dục chính là cầu nối hiệu quả nhất. Khi trò chơi dân gian hiện diện trong trường học, trẻ em sẽ vui chơi và tiếp cận văn hóa truyền thống một cách tự nhiên, góp phần lan tỏa “bảo tồn sống” bằng những tiếng cười đời thường chứ không chỉ qua trưng bày bảo tàng.

Trò chơi dân gian, xét đến cùng, giống như một dòng sông văn hóa. Không nên ngăn nó chảy bằng sự đóng khung cực đoan, cũng không thể để nó cuốn trôi mất phương hướng trong cơn lốc thương mại hóa. Việc cần làm là giữ cho dòng sông ấy thông suốt, vừa giữ được sự mạch lành từ nguồn cội, vừa đắp bồi phù sa cho những cánh đồng văn hóa đang chờ được gieo hạt.

Và có lẽ, tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ giữa sân chơi dân gian hôm nay chính là minh chứng giản dị mà mạnh mẽ nhất cho một di sản đang được sống lại, không theo kiểu hoài cổ, mà bằng nhịp đập thật của cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam (Ninh Bình) trong giờ thực hành dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Ảnh: Khôi Nguyên

Trường nghề loay hoay tuyển sinh

GD&TĐ - Hiện đã có điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường cao đẳng nghề phải áp dụng nhiều giải pháp để tuyển sinh trong bối cảnh nhiều học sinh coi đây chỉ là “phương án 2”.