Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai), Quyết định này mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp điều kiện thực tiễn của đất nước và thể hiện quyết tâm trong việc xây dựng một Chính phủ hành động. Kiến tạo – đầu tiên là kiến tạo con người, đặc biệt là những người trẻ. Nâng mức cho vay là để SV nghèo có thêm cơ hội được đến trường, để viết tiếp ước mơ, xây dựng hoài bão và hiện thực hóa khát khao vươn lên. Mức cho vay như vậy là hoàn toàn phù hợp trong điều kiện hiện nay.
“Thống kê sơ bộ từ Phòng Công tác HSSV LHU, từ đầu năm học 2019-2020 có 270 sinh viên của trường đăng ký xin xác nhận vay vốn từ ngân hàng Chính sách xã hội” – TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ thêm.
Theo Quyết định này, mức cho vay đối với HSSV được điều chỉnh, nâng lên tối đa là 2.500.000 đồng/tháng/HSSV, áp dụng đối với các khoản giải ngân mới kể từ khi quyết định này có hiệu lực thi hành là ngày 1/12/2019. Theo đó, SV có thể yên tâm học tập và không còn phải lo lắng vấn đề học phí/sinh hoạt phí
Lâm Tiến Lộc – SV năm thứ 4 - Khoa CNTT, Trường ĐH Lạc Hồng bày tỏ: “Nhờ có chính sách vay vốn dành cho SV, em có thêm một khoản để trang trải sinh hoạt và đóng học phí. Ba mẹ ở nhà không còn phải lo lắng, yên tâm sản xuất”.
Bên cạnh nguồn vốn do nhà nước hỗ trợ cho sinh viên vay, ở LHU còn có các quỹ học bổng DN với lãi suất 0%, chẳng hạn: Học bổng Mabuchi, đã được triển khai từ năm 2014. Với quỹ học bổng này, SV của trường có thể vay đến 40 triệu đồng.
Ông Shinji Kamei - Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc tập đoàn Mabuchi thăm LHU và ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác, tập đoàn Mabuchi tiếp tục hỗ trợ cho SV của Trường được “vay vốn” từ Quỹ Mabuchi |
Ngoài ra, nhà trường còn có các chế độ học bổng miễn 100% học phí cho SV từng đạt giải Nhất, Nhì, Ba các cuộc thi KHKT, thi HSG cấp tỉnh; Học bổng hiếu học; Học bổng theo vùng; Học bổng nữ sinh; Học bổng Ban cán sự lớp;… Sinh viên thuộc các đối tượng nói trên sẽ được giảm học phí từ 10% - 100% tùy các gói học bổng khác nhau.