Chảy máu chất xám: Vấn nạn chung của nhiều nước

GD&TĐ - Thuật ngữ “chảy máu chất xám” (brain drain) xuất hiện cách đây 70 năm, khi các nhà khoa học, kỹ sư, công nhân lành nghề ở Vương quốc Anh vượt đại dương để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Điều dưỡng viên nước ngoài làm việc tại Nhật Bản.
Điều dưỡng viên nước ngoài làm việc tại Nhật Bản.

Còn hiện tượng di cư của đội ngũ nhân lực có trình độ học vấn và chuyên môn từ nước này sang nước khác, từ khu vực kinh tế này sang khu vực kinh tế khác đã có lịch sử hơn 500 năm nay.

Châu Âu cũng chịu tổn thất

Trong 70 năm gần đây, sự di cư toàn cầu của các nhà khoa học và các chuyên gia có trình độ đã trở thành vấn đề nan giải của nhiều quốc gia. Chẳng hạn ở Mỹ, hiện có hơn nửa triệu nhà khoa học châu Âu đang làm việc, trong khi ở chính châu Âu, có khoảng 11 triệu người.

Các nước nhỏ ở xa các cường quốc công nghiệp phải hứng chịu nhiều tổn thất nhất bởi tình trạng chảy máu chất xám. Cụ thể là các thuộc địa cũ vốn là nơi nhiều bất ổn về chính trị, nghèo đói và chủ nghĩa dân tộc bùng phát. Sau khi dành dụm được một ít tiền trên quê hương yêu dấu, nhưng loạn lạc, các chuyên gia lành nghề đã đến các mẫu quốc cũ, làm dấy lên một làn sóng di cư kinh doanh mới. Chính vì vậy, các chính trị gia bắt đầu nói về một kiểu chủ nghĩa thực dân mới, rằng trước đây người ta chở nguyên liệu thô và tài nguyên thiên nhiên từ các thuộc địa, còn bây giờ họ “nhập khẩu” các chuyên gia sản xuất các sản phẩm chất lượng cao cho những nước thực dân cũ.

Theo số liệu của các nhà xã hội học tại Ngân hàng Thế giới, hơn 2/3 số người được đào tạo bài bản ở Cộng hòa Dominica, El Salvador, Mexico, Guatemala và Jamaica đã chuyển đến Mỹ. Tại 90 quốc gia trên thế giới được các nhà xã hội học khảo sát, trung bình có hơn 10% công dân tốt nghiệp đại học rời bỏ tổ quốc.

Vốn là một quốc gia thịnh vượng và được ca ngợi, Vương quốc Anh cũng đang trải qua tình trạng chảy máu chất xám tồi tệ nhất trong 70 năm qua. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development), có hơn 3 triệu người Anh sinh ra tại Vương quốc Anh đang sống bên ngoài lãnh thổ xứ sở sương mù. Gần một nửa trong số họ là giáo viên, kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân, chuyên gia trình độ cao trong các lĩnh vực sản xuất khác nhau. Hơn 10% SV tốt nghiệp các đại học của Anh ra nước ngoài (thông thường là Úc, New Zealand, Mỹ và Canada).

Mức sống ở Anh cao, không có gì để phàn nàn. Nhưng giá thuê nhà còn cao hơn, riêng thuế thì quả là cắt cổ. Cộng thêm khí hậu khắc nghiệt của Quần đảo Anh, không thể so sánh với Úc, New Zealand, Hy Lạp, Síp... Trong khi đó, các chuyên gia của Ấn Độ, Pakistan, Cuba, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga lại đến Anh...

Tuy nhiên, đây không phải là chảy máu chất xám, mà là luân chuyển chất xám. Hơn 1/3 các nhà khoa học được đào tạo ở các nước kém phát triển đã ra đi và định cư ở các nước giàu có.

Sinh viên Belarus, Ba Lan, Séc tại CHLB Đức.
Sinh viên Belarus, Ba Lan, Séc tại CHLB Đức.

Chảy máu chất xám ngược

Hiện nay, khi tình hình kinh tế của các nước trở nên tốt hơn, xu hướng di cư mới đã xuất hiện - cái gọi là chảy máu chất xám ngược. Đã qua rồi cái thời phương Tây được coi là nơi tập trung những gì tiến bộ nhất xét về mặt khoa học, thiết kế, trí tuệ, còn các quốc gia khác là công xưởng, nơi họ không muốn và không biết làm gì khác ngoài công việc nặng nhọc. Thế giới đã đổi khác. Các quốc gia một thời chịu thua thiệt đang đòi được tôn trọng.

Theo khảo sát của các nhà xã hội học tại Đại học Princeton (Mỹ), 1/3 số người nhập cư mới có trình độ cao không định ở lại nước Mỹ mãi mãi.

Mười năm gần đây, có 3,5 triệu SV Trung Quốc học ở nước ngoài đã về nước. “Những người trở về” đã được trợ giúp bởi chương trình “1.000 tài năng” do Bắc Kinh phát động năm 2008. Những SV và nghiên cứu sinh giỏi nhất được chính phủ tài trợ 320.000 USD để nghiên cứu trong các lĩnh vực kiến ​​thức của họ, cộng thêm 80.000 USD sinh hoạt phí. Đồng thời, tiền nhà, đi lại, dịch vụ công cộng, chữa bệnh được nhà nước thanh toán. “1.000 tài năng” không phải là chương trình duy nhất của Trung Quốc nhằm tạo điều kiện cho SV Trung Quốc trở về tổ quốc sau khi tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng ở châu Âu và Mỹ.

Hiện nay chỉ có kẻ lười biếng mới không biết Trung Quốc đã vượt các nước văn minh nhất thế giới về phát triển kinh tế. Có một sự sùng bái kiến ​​thức ở Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng hiện đại nhất cho các trung tâm nghiên cứu và công viên công nghệ được xây dựng. 43% bằng sáng chế trên thế giới được đăng ký tại Trung Quốc. Đây là một con số khổng lồ, cao gấp nhiều lần chỉ số của Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Đức, Anh...

Vẫn như xưa, người Trung Quốc bị buộc tội ăn cắp bản quyền của nước ngoài. Rằng, họ không có gì của riêng mình. Chỉ là bản sao. Còn bản sao luôn kém hơn bản gốc. Quan niệm này đã bị chính người Trung Quốc bác bỏ, họ đã học được cách tư duy độc lập, sáng tạo. Các công ty Internet lớn nhất ở Trung Quốc được thành lập bởi những người gốc Hoa được đào tạo tại Mỹ. Ấn Độ cũng mang ơn các cán bộ chuyên môn trở lại từ nước ngoài vào những năm 1990 về sự phát triển của công nghệ thông tin.

Cha đẻ của chương trình vũ trụ Trung Quốc Tiền Ngọc Sâm từng học ở Mỹ. Đầu tiên, ông tại Học viện Công nghệ Massachusetts và sau đó là Học viện Công nghệ California. Từng phục vụ trong Quân đội Mỹ. Là thành viên Hội đồng Khoa học của Không lực Mỹ. Chính Tiền Học Sâm là người đề xuất ý tưởng kỹ thuật về tàu con thoi “Space
Shuttle” có thể tái sử dụng.

Bị trục xuất khỏi nước Mỹ vì ủng hộ tư tưởng cộng sản, nhà khoa học tài năng trở về quê hương và xây dựng ngành công nghiệp tên lửa và vũ trụ ở Trung Quốc. “Những người trở về” cũng đã tạo ra hơn hai triệu việc làm ở Ấn Độ và cung cấp hơn 8% GDP của đất nước này.

Đi tìm vận may

Hơn một nửa số công ty công nghệ cao của Đài Loan được thành lập bởi những người Đài Loan trở về từ Mỹ sau khi học và làm việc ở đây.

Và ngay ở chính nước Mỹ, càng ngày người ta càng nói nhiều về “những bộ não Mỹ sẽ tìm vận may ở nước ngoài”. Đặc biệt là ở Trung Quốc. Hơn nữa, các trung tâm nghiên cứu của các tập đoàn khoa học Mỹ đang được thành lập ở các nước châu Âu và ngày càng nhiều ở châu Á.

Châu Âu đang xây dựng các rào cản ngăn chặn chảy máu chất xám. Ngược lại, một số nước (chủ yếu là châu Á) lại khuyến khích sự ra đi của bộ phận có học thức nhất trong xã hội. Tại sao? Giới tinh hoa chính trị (hoặc những người tự cho mình là như vậy) sợ sự cạnh tranh của các tài năng trí tuệ. Thứ hai, thị trường lao động được giải phóng. Và cuối cùng, người có ý định đến một đất nước văn minh hơn sẽ làm mọi cách để thành công trên tổ quốc mình. Anh ta sẽ học giỏi hơn người khác, làm việc tốt hơn người khác, bằng chính sự siêng năng và tấm gương của mình nâng cao trình độ học vấn trên đất nước mình. 

Theo báo Nga ug.ru

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.