Morocco: Chống chảy máu chất xám

GD&TĐ - Là một phần trong nỗ lực đối phó với nạn di cư bất hợp pháp và chảy máu chất xám, khoảng 100 sinh viên (SV) Morocco dự kiến được mời vào các trường ĐH tại Tây Ban Nha để theo học khóa thạc sĩ một năm. Đặc biệt, sau khi hoàn thành khóa học, những SV này sẽ được tham gia dự án kinh doanh khi trở về quê nhà.

Morocco là quốc gia có tỷ lệ người nhập cư bất hợp pháp đến Tây Ban Nha cao nhất
Morocco là quốc gia có tỷ lệ người nhập cư bất hợp pháp đến Tây Ban Nha cao nhất

Tỷ lệ thất nghiệp cao

Dự án “di cư hợp pháp” mang tên “Thế hệ trẻ là tác nhân thay đổi” được khởi động tại thủ đô Rabat (Morocco) ngày 19/9 vừa qua và được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn trước khi khởi hành - các nhà tổ chức xác định lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng và lựa chọn các ứng cử viên; Giai đoạn thứ hai cho phép người tham gia nghiên cứu một năm ở Tây Ban Nha; Cuối cùng là giai đoạn tái hòa nhập của các SV tập trung vào việc thực hiện dự án cuối cùng tại Morocco.

Chia sẻ với truyền thông, các chuyên gia cho biết: “Thế hệ trẻ là tác nhân thay đổi” được phối hợp thực hiện bởi Dịch vụ Quốc tế hóa Giáo dục (GD) Tây Ban Nha, do đó, Ủy ban châu Âu sẽ chi trả 95% cho dự án trị giá 2,5 triệu euro (2,7 triệu USD) này.

“Dự án mới này sẽ không bao gồm chương trình học bổng truyền thống. Đây là một sáng kiến rất đặc biệt, bởi nó phản ánh mối quan hệ song phương gắn bó giữa Tây Ban Nha và Morocco không chỉ trong ngành GD mà còn cả vấn đề di cư”, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Morocco, bà Claudia Wiedey phát biểu.

Không ít báo cáo trong nước cũng như quốc tế nhận định, Morocco là quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng di cư và chảy máu chất xám nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân chủ chốt của vấn đề này là bởi hàng loạt SV nước này đều thất nghiệp sau khi tốt nghiệp ĐH. Kết quả từ báo cáo mang tên “Tình hình thị trường lao động trong quý đầu tiên của năm 2019” được công bố bởi Ủy ban Kế hoạch cao hơn của Morocco cho thấy, tỷ lệ SV thất nghiệp sau khi học ĐH tại nước này trong năm 2019 là 17,1%.

Chỉ trong nửa đầu năm nay, số lượng người dân Morocco nhập cư bất hợp pháp đến Tây Ban Nha bằng đường biển hoặc đường bộ đứng đầu danh sách thống kê. Theo dữ liệu từ cổng thông tin hoạt động của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn, có 29,7% người Morocco di cư bất hợp pháp sang Tây Ban Nha. Theo sau đó lần lượt là công dân đến từ các quốc gia Mali (13,6%), Guinea (13,1%) và Bờ Biển Ngà (10,7%).

Báo cáo của Ủy ban Kế hoạch cấp cao năm 2019 có tên “Cập nhật Morocco: Số lượng việc làm và triển vọng mới nhất” do Jean R AbiNader thực hiện cũng nêu ra một số lý do gây nên tình trạng chảy máu chất xám nghiêm trọng tại Morocco cũng như ở các quốc gia Maghreb khác. Theo đó, việc thiếu cơ hội việc làm tương xứng với trình độ học vấn của SV cũng như mong muốn nhà trường có những nỗ lực hiệu quả hơn trong việc hướng dẫn SVĐH lựa chọn lĩnh vực phù hợp, giúp họ đủ điều kiện để có được công việc tốt trong ngành sản xuất và dịch vụ là hai yếu tố chính.

Chia sẻ với University World News, ông AbiNader, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Mỹ - Morocco xác nhận, hầu hết SV sau khi tốt nghiệp ĐH tại Morocco đều ra nước ngoài để tìm một công việc tốt tương xứng với trình độ của họ.

Nói về dự án mới, ông AbiNader cho biết sẽ có 2 biện pháp xây dựng. “Chương trình sẽ chú trọng vào các học bổng thực tế, các lựa chọn kinh doanh có thể mang lại việc làm cho SV hoặc các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Morocco. Bên cạnh đó, dự án cũng cho phép người tham gia học cách xây dựng một doanh nghiệp hoặc công ty có thể làm tăng giá trị cho nền kinh tế. Hiệu ứng mà dự án mới mang lại là khá cao, không chỉ trong vấn đề tạo công ăn việc làm, mà còn là tạo ra hình mẫu để người khác noi theo”, ông AbiNader khẳng định.

Di cư bất hợp pháp sẽ không được giải quyết triệt để

Ông AbiNader cũng chia sẻ, mặc dù từng nghĩ rằng: “Thế hệ trẻ là tác nhân thay đổi” sẽ không mang lại tác động lớn tới vấn đề di cư bất hợp pháp ở SVĐH sau tốt nghiệp do nhu cầu của mọi người nhiều hơn con số 100 học bổng, nhưng thực tế, đó là một “mô hình xuất sắc vì nó có thể mở rộng và phát triển nhanh chóng”. Ông AbiNader cũng bày tỏ hy vọng chương trình này sẽ khuyến khích các quốc gia khác có những hành động tương tự.

Khi được hỏi về những biện pháp khác nhằm chống lại nạn di cư bất hợp pháp, ông AbiNader cho biết: “Vấn đề là tạo ra những công việc có giá trị cho SV. Bên cạnh nỗ lực này, chúng ta có thể đưa ra các chương trình cho phép SV Morocco được thực tập ở châu Âu. Tuy nhiên, những SV này cần bảo đảm rằng, họ sẽ quay về quê hương và được tuyển dụng vào những vị trí tương xứng với thời gian và kiến thức mà họ có được ở nước ngoài”.

Tuy nhiên, vị cố vấn cấp cao này cũng cảnh báo rằng, theo học tại nước ngoài cũng sẽ không bảo đảm cho các SV một công việc tốt, mà chỉ đơn giản là một sự thay đổi về địa điểm. “SV mới tốt nghiệp đã quá mệt mỏi với những lời cam kết từ chính phủ. Do đó, chúng ta cần thực hiện nhiều hơn trong việc triển khai tốt hơn các chương trình hiện có, minh bạch hơn trong việc phân bổ vốn và có nhiều hành động hỗ trợ doanh nhân”, ông AbiNader nói thêm.

Cũng theo ông AbiNader, các trường ĐH Morocco cần phải làm nhiều hơn nhằm giúp SV tốt nghiệp có kỹ năng cần thiết trong nghề nghiệp. “Morocco đang phải đối mặt với một nhiệm vụ bất khả thi khi không thể tạo ra số lượng việc làm cần thiết mỗi năm. Bởi vậy, nỗ lực khiến các SV mới tốt nghiệp trở thành đối tác của mình là một giải pháp thông minh”, ông AbiNader nói thêm.

Tuy nhiên, vị cố vấn cấp cao này cũng nhận định, vấn nạn di cư bất hợp pháp sẽ vẫn tiếp tục do một số SV có nhu cầu cao về công việc tốt cũng như cảm thấy không phù hợp với các ngành học tại ĐH của Morocco.

Theo UniversityWorld News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.