Trao truyền yêu thương giúp nâng cao vị thế nhà giáo

GD&TĐ - Tình yêu nghề mang lại cho mỗi thầy cô giáo niềm tin yêu, hạnh phúc trong công việc và cuộc sống; từ đó, truyền sự lạc quan cho các thế hệ học trò. Bên cạnh yêu nghề, thầy cô cũng tích cực trau dồi chuyên môn.

Học sinh Trường THCS Xuân Quan, Hưng Yên, hào hứng tham gia hoạt động ngoại khoá.
Học sinh Trường THCS Xuân Quan, Hưng Yên, hào hứng tham gia hoạt động ngoại khoá.

Tạo dựng môi trường hạnh phúc

Cô Nguyễn Thị Tố Uyên, Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cho biết sự tôn vinh, kính trọng đối với nhà giáo không chỉ nằm ở kiến thức hay tài nghệ sư phạm, quan trọng hơn là sự mô phạm về phẩm chất đạo đức, nhân cách nhà giáo và lòng yêu nghề, yêu trò.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều giáo viên còn thiếu kĩ năng sống, chuyên môn chưa vững nên khó thực hiện nhiệm vụ. Họ cũng khó cảm nhận được hạnh phúc và truyền tải niềm hạnh phúc, sự yêu thương cho học sinh. Vì thế, Trường THCS Xuân Quan luôn quan tâm, giúp đỡ thầy cô giáo vững chuyên môn, nâng cao giá trị về phẩm chất đạo đức, lối sống. Giáo viên truyền được tình yêu đến học sinh là đã nuôi dưỡng tình yêu và trách nhiệm với nghề.

“Đời sống của thầy cô giáo hiện nay có thể còn khó khăn, thử thách, nhưng tôi tin rằng, mỗi thầy cô sẽ luôn phấn đấu, cố gắng hết mình để xứng đáng với sứ mệnh trồng người cao cả. Tôi cũng tin rằng thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”, cô giáo Uyên bày tỏ.

Những điều này cũng được nhà trường lồng ghép trong việc xây dựng mô hình trường học hạnh phúc. Nhà trường luôn quan tâm sát sao đến đời sống của cán bộ giáo viên, nhân viên để thầy cô cảm thấy an toàn, thoải mái trong môi trường việc làm. Đơn cử, trường tổ chức sinh nhật cho thầy cô giáo theo tháng, tổ chức giao lưu thể thao trong nhà trường, cụm trường…

Theo cô Uyên, bên cạnh sự quan tâm của nhà trường, mỗi nhà giáo phải tự trau dồi và thay đổi. Để xứng đáng với sứ mệnh vẻ vang và cao cả trong sự nghiệp trồng người, mỗi nhà giáo phải luôn nhận thức đúng đắn, sâu sắc vị thế của nghề sư phạm, trọng trách cao cả của bản thân đối với xã hội.

Khi đã nhận thức rõ vai trò của nghề giáo, mỗi thầy cô cần tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, ứng xử để trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Yêu nghề mến trẻ

Dạy môn Ngữ văn, cô Bùi Thị Thuý Quỳnh, làm việc tại Trường THCS Hưng Đạo, tỉnh Hưng Yên, cho rằng nghề giáo là công việc tuyệt vời. Người thầy phải yêu công việc mình đang làm, lấy trò làm trung tâm để xây dựng ý thức trách nhiệm trong công việc.

Cô giáo Bùi Thị Thuý Quỳnh.
Cô giáo Bùi Thị Thuý Quỳnh.

Trước những vấn đề như trò bị điểm kém hay gặp khúc mắc trong cuộc sống, giáo viên phải có cái nhìn lạc quan, vượt lên để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp trồng người. Nếu thầy cô bi quan, liên tục chê bai, phê bình học trò sẽ chỉ khiến các em xa lánh thầy cô, sợ phải đến trường.

Do đó, giáo viên phải nuôi dưỡng niềm hạnh phúc, lạc quan cho bản thân và tiếp tục truyền cái nhìn tích cực cho học trò. Cô Quỳnh lấy ví dụ khi học sinh thờ ơ với việc học, cô giáo động viên, khích lệ em cố gắng học tập. Nếu phải phê bình, cô chọn cách nói chuyện khéo léo, nhẹ nhàng, vừa nghiêm túc nhắc nhở vừa thể hiện được sự quan tâm, gần gũi với trò.

"Mỗi đứa trẻ đều như tờ giấy trắng, chịu ảnh hưởng từ gia đình, thầy cô và xã hội. Do đó, mỗi giáo viên phải yêu nghề, yêu trẻ, coi học sinh như con và tìm phương pháp giảng dạy khéo léo để giúp các em vững kiến thức và nuôi dưỡng tâm hồn", cô Quỳnh chia sẻ.

Là giáo viên nơi vùng biên giới Quảng Bình, thầy Nguyễn Trung Hiếu, dạy môn Lịch sử tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bố Trạch, huyện Bố Trạch, cho rằng bên cạnh tình yêu nghề, mỗi thầy cô nên nuôi dưỡng tinh thần nhiệt huyết, tấm lòng sẻ chia khó khăn với học sinh, gia đình học sinh, đặc biệt với trẻ em vùng cao.

Thầy Nguyễn Trung Hiếu (phải) và học sinh Trường PTDT nội trú Bố Trạch.
Thầy Nguyễn Trung Hiếu (phải) và học sinh Trường PTDT nội trú Bố Trạch.

Khi trẻ bỏ học theo cha mẹ làm nương rẫy, thầy Hiếu cùng đồng nghiệp đến từng bản tìm học sinh. Thầy vào từng nhà vận động, giải thích cho phụ huynh hiểu tầm quan trọng của việc học rồi xin phép đưa các em về trường.

Trong giảng dạy, thầy tìm cách giúp học sinh ghi nhớ và hiểu các sự kiện, mốc thời gian. Bên cạnh sách giáo khoa, thầy sưu tầm sách truyện, câu chuyện lịch sử, phim tài liệu làm phong phú bài giảng để học sinh hào hứng và thêm yêu môn Lịch sử.

"Với giáo viên vùng cao, ai cũng mong học sinh có tương lai tươi sáng hơn. Trong điều kiện của mình, chúng tôi luôn cố gắng tìm tòi phương pháp sáng tạo để học sinh yêu thích việc học và môn học của mình", thầy giáo Nguyễn Trung Hiếu cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.