Cô dạy tôi “nghề giáo là lấy nhân cách để giáo dục nhân cách”

GD&TĐ - Đó là chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Nhin, hiện đang là GV ngữ văn Trường THPT số 1 Lào Cai (TP Lào Cai – Lào Cai).

Nhà giáo Trần Thị Thắm (áo dài xanh) bên học trò xưa.
Nhà giáo Trần Thị Thắm (áo dài xanh) bên học trò xưa.

Cô coi cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy/cô và mái trường mến yêu” là cơ hội quý để được trải lòng về cô giáo chủ nhiệm lớp 12 tại trường THPT Thị xã Lào Cai – nhà giáo Trần Thị Thắm (Sau này nhà giáo Trần Thị Thắm còn trải qua cương vị nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT).

Qua tác phẩm“Nhớ về cô” cho người đọc nhiều cảm xúc về một cô giáo vùng caođã dành cho HS nhiều tình cảm yêu thương, giúp đỡ chân thành. Cô cũng đã tìmđượcphương pháp giáo dục phù hợp để khơi dậy và “thắp sáng” tài năng tron học sinh (HS),

Cô giáo Nguyễn Thị Nhin từng có “khát vọng ngây thơ”: Học Y để chữa bệnh cho người nghèo hoặc là học kinh tế hay tài chính để kiếm được nhiều tiền mà bất chấp việc mình học Hóa rất tệ.

Tuy nhiên cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Thắm đã phát hiện ra khả năng tiềm ẩn khác của HS ở môn Văn và động viên tham gia đội tuyển văn. Với phương pháp ôn tập hiệu quả, không cần đến lớp luyện thi, chỉ đọc sách và giao bài tập… đã giúp HS Nguyễn Thị Nhin đạt giải ba kỳ thi HS giỏi Quốc gia, được tuyển thẳng vào Đại học sư phạm (đúng niềm mong đợi của cả gia đình).

“Cô đã giúp tôi nhận ra sở trường của mình, muốn thành công thì cần phải có khả năng. Tôi đã cảm nhận được sự tin yêu của cô dành cho tôi, ngấm dần, ngấm dần qua từng bài giảng, câu chuyện, cô cho tôi mà chưa bao giờ nghĩ đến việc đáp đền…” – Cô Nhin chia sẻ.

Qua tác phẩm của cô giáo Nguyễn Thị Nhin, cô chủ nhiệm năm lớp 12 cũng là người có triết lý sống và giáo dục sâu sắc: “Em nghĩ kĩ đi, nghề giáo khó giàu về tiền bạc, nhưng em vẫn có thể phòng và chữa bệnh được mà. Không cần phải trở thành một Lỗ Tấn chữa bệnh cho quốc dân, nhưng người giáo viên có thể tỉa cành, bắt sâu, chăm bón cho đời những rừng cây…”; “đời người dài ngắn không quá quan trọng mà quan trọng là sống có ý nghĩa như nào thôi”…

Cô Nguyễn Thị Nhin (tác giả tác phẩm Nhớ về cô) cùng học trò Trường THPT số 1 Lào Cai (TP Lào Cai – Lào Cai)

Cô Nguyễn Thị Nhin (tác giả tác phẩm Nhớ về cô) cùng học trò Trường THPT số 1 Lào Cai (TP Lào Cai – Lào Cai)

Đặc biệt, không chỉ là cô giáo dạy HS những bài học trên lớp cô còn trở thành điểm tựa cho HS về chuyên môn và cuộc sống hàng ngày khi HS đã trưởng thành.

“Suốt những năm tháng học Đại học tôi vẫn thường xuyên liên lạc với cô, cô luôn sẵn sàng chia sẻ những bài tập, bài luận khó cho tôi. Mỗi lúc có tâm sự gì, người đầu tiên tôi muốn chia sẻ là cô, một cô giáo giỏi, tâm huyết, giọng văn của cô ấn tượng, nghe đến đâu thấm đến đó. Khi đi thực tập, rồi ra trường đi làm những bài giảng đầu tiên cô hướng dẫn cho tôi, cô cho tôi trình bày, xong cô chỉnh sửa, trước khi chỉnh sửa bao giờ cô cũng tìm được điều gì đó khen ngợi...”. – Cô Nhin bùi ngùi nhớ lại.

Đối với cô giáo Nguyễn Thị Nhin, cô giáo chủ nhiệm lớp 12 không chỉ là người truyền dạy kiến thức, mà lối sống, tác phong cao đẹp đã để lại sự ảnh hưởng sâu sắc cho cô khi trở thành một nhà giáo.

“Sau này, mỗi khi dạy học hoặc ứng xử với trò bao giờ tôi cũng đặt cương vị mình vào trò để lí giải vì sao, đặt cưong vị mình vào phụ huynh… Luôn nhớ lời cô: nghề của mình vứt nỗi buồn qua cửa sổ, nghề giáo viên là lấy nhân cách để giáo dục nhân cách” và “Cô luôn là tấm gương để các thế hệ chúng tôi noi theo, tinh thần lạc quan, phấn đấu không ngừng nghỉ, cống hiến hết mình cho giáo dục... Đến bất cứ nơi nào mọi người đều kể về nhà giáo Trần Thị Thắm với tình cảm nồng ấm, chân thành nhất…” – Cô Nhin tự hào bày tỏ về nhà giáo Trần Thị Thắm.

Nhà giáo Trần Thị Thắm không còn nữa. Nhưng trong lòng cô giáo Nguyễn Thị Nhin và các thế hệ học trò đã từng được cô dạy bảo, dìu dắt mãi là sự trân trọng, biết ơn và nỗi nhớ khôn nguôi.

“Được gặp cô trong đời với tôi cũng như các bạn khác đó là niềm hạnh phúc của thanh xuân. Tôi chưa bao giờ ân hận về sự chuyển hướng nghề nghiệp. Tôi yêu nghề của mình, yêu những lứa học trò. Tri ân cô, chúng tôi nguyện làm tốt nghề của mình, sống với nghề bằng trái tim nhiệt huyết và yêu thương...” Cô Nguyễn Thị Nhin xúc động nói về cô giáo chủ nhiệm lớp 12 của mình – Nhà giáo Trần Thị Thắm.        

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ