Một số giáo viên cho biết, phải vật lộn với gánh nặng tinh thần khi giúp trẻ vượt qua những khó khăn.
Gánh nặng từ khó khăn ngoài trường học
Nhiều giáo viên cho biết, việc hỗ trợ học sinh vượt qua các vấn đề ở nhà mang lại nhiều cảm xúc.
“Phần khó khăn nhất đối với tôi là tìm hiểu về những khó khăn mà học sinh phải đối mặt và biến đó thành vấn đề của chính mình”, Andrea - một giáo viên đến từ Illinois cho biết.
Cũng theo nữ giáo viên này, khi chứng kiến học sinh đau khổ, cô cũng sẽ đau. Các giáo viên quan tâm sâu sắc đến học sinh, bao gồm mọi nỗi lo của trẻ sau giờ học.
Trong khi đó, một giáo viên trung học ở California cho biết: “Rất nhiều học sinh đối mặt với những tình huống khó khăn ở cuộc sống bên ngoài trường học. Chúng tôi mong muốn các em đến trường và cư xử theo một cách nhất định, tập trung vào những điều rất trừu tượng. Tuy nhiên, nhiều em đang phải sống trong môi trường có quá nhiều căng thẳng và tổn thương. Đối với một số học sinh, trường học là nơi an toàn và yên bình nhất trong cuộc đời”.
Đối phó với những phụ huynh khó tính
Morgan - một giáo viên ở Nam Carolina chia sẻ, phần khó khăn nhất trong thời gian làm giáo viên của cô là đối mặt với những phụ huynh đổ lỗi về hành vi xấu của con họ.
“Khi tôi gọi cho phụ huynh để trao đổi về hành vi sai trái của con họ, tôi thường bị đổ lỗi về điều đó. Một người mẹ nói rằng, tôi là người phân biệt chủng tộc và không nên dạy học (tôi là người da đen và dạy một nhóm học sinh chủ yếu là người da trắng). Một người khác nói với tôi rằng, cảm xúc của tôi bị tổn thương và tôi phải vượt qua điều đó”, Morgan nói.
Mặc dù gặp nhiều áp lực từ không ít phụ huynh, nữ giáo viên này bày tỏ, cô không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ ban giám hiệu nhà trường.
“Tôi thực sự cần được giúp đỡ và định hướng nhiều hơn trong thời gian đó”, Morgan chia sẻ.
Liên tục giảng dạy để “phục vụ” các bài kiểm tra
Một số nhà giáo dục cho biết, việc liên tục tổ chức các bài khảo thí theo tiêu chuẩn đã ít nhiều ảnh hưởng tới việc giảng dạy.
Dianna - một giáo viên tiểu học đến từ Nebraska, cho biết: “Thú thực, phần khó chịu nhất của việc giảng dạy là tất cả các bài kiểm tra. Chúng sẽ không để trẻ em là chính mình và có vẻ như giáo viên luôn phải làm điều đó”.
Cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng công bố một báo cáo lên án các trường công lập của Mỹ bởi thất bại trong việc để học sinh cạnh tranh về toán và đọc với bạn bè quốc tế. Từ đó, đất nước này bắt đầu áp dụng các bài khảo thí theo tiêu chuẩn để đánh giá tình hình học tập của trẻ.
Theo một nghiên cứu năm 2015, học sinh Mỹ phải tham gia trung bình 112 bài kiểm tra tiêu chuẩn, từ mẫu giáo đến lớp 12. Một giáo viên THPT từ Texas chia sẻ: “Thật khủng khiếp khi phải đối mặt với áp lực dạy theo các bài kiểm tra tiêu chuẩn”.
Trong khi đó, một giáo viên tiểu học ở Texas bày tỏ, thật đáng sợ khi biết rằng, nếu không được giảng dạy tốt, trẻ sẽ phải chịu đựng hậu quả trong nhiều năm.
Đấu tranh với việc ngắt kết nối sau ngày làm việc
Một giáo viên trung học ở Illinois chia sẻ, việc thiết lập sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống đối với giáo viên có thể là một thách thức. Đặc biệt là với mức độ gắn bó của họ đối với sức khỏe của học sinh.
“Tôi có xu hướng mang cả ngày của mình về nhà và điều này bao gồm mọi cảm xúc mà cả tôi và học sinh đã trải qua. Điều đó có thể khiến bạn khó ngắt kết nối với công việc. Đó là một công việc căng thẳng, đòi hỏi sức chịu đựng về tinh thần và thể chất”, người này bày tỏ.
Học sinh “cứng đầu” khiến công việc khó khăn hơn
Một số giáo viên nói, việc đối mặt với nhiều khó khăn ở nhà khiến học sinh có xu hướng thể hiện không tốt khi tới lớp.
“Rất nhiều học sinh của tôi có gia đình dưới mức nghèo. Họ cần nhiều hơn là chỉ được dạy. Những người học này cần sự chú ý và đôi khi sự chú ý đó biến thành nỗi bực tức”, một giáo viên tiểu học từ Virginia muốn giấu tên nói.
Brett - giáo viên trung học đến từ California, cũng cho biết việc dạy “học sinh buông thả và thiếu tôn trọng” khiến công việc gặp nhiều thử thách.
Lương thấp
Fred - giáo viên trung học cho biết: “Tôi làm việc ở Virginia, và lần cuối cùng kiểm tra, chúng tôi được xếp hạng 38 trên toàn quốc về mức lương nhận được. Học khu đã tạm dừng tăng lương cho tôi trong 7 năm khi cuộc Đại suy thoái xảy ra. Đáng lẽ, tôi phải kiếm thêm ít nhất 12.000 - 15.000 USD ở hiện tại”.
Tuy nhiên, thay vào đó, tất cả những gì giáo viên tại trường học của anh Fred nhận được chỉ là mức tăng 1% hoặc 2 %. Trước tình hình kinh tế khó khăn, nam giáo viên này đã phải bán nhà gấp. Và, điều đó đã khiến các con anh rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Một số giáo viên cảm thấy phải làm việc quá sức
Một giáo viên trung học từ Maryland tiết lộ, cô cảm thấy mình đang làm công việc của “một nhóm 5 người không bao giờ ngủ”.
Nữ giáo viên này đảm nhận giảng dạy 14 học sinh có nhu cầu đặc biệt. Bên cạnh đó, cô phải tuân theo một chương trình giảng dạy nghiêm ngặt dành riêng cho từng học sinh, trong khi vẫn tùy chỉnh kế hoạch bài học cho 3 môn khác nhau. Công việc này của cô lên tới 42 tiết học cá nhân một tuần. Và, điều đó đối với nữ giáo viên này là “không thể”.
Thêm vào đó, ban giám hiệu trường học không cung cấp tài liệu mà học sinh của cô cần để hiểu bản chất bài.
“Không có hỗ trợ trong cách suy nghĩ sáng tạo về kế hoạch. Tôi nghĩ chúng ta cần phải lùi lại một bước và hỏi xem điều gì thực sự quan trọng đối với những đứa trẻ này”, nữ giáo viên này nhận định.