Nâng cao vị thế nhà giáo từ việc giáo dục đạo đức học sinh dân tộc thiểu số

GD&TĐ - “Giáo dục đạo đức, lối sống tốt cho học sinh mới có thể làm nên những người tử tế. Muốn vậy, nhà giáo phải là tấm gương. Đó là cách để nâng cao vị thế của nhà giáo”.

Hội thi "Giữ gìn nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc lần thứ II" do đoàn trường PTDTNT tỉnh Điện Biên tổ chức.
Hội thi "Giữ gìn nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc lần thứ II" do đoàn trường PTDTNT tỉnh Điện Biên tổ chức.

Quan điểm trên được trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên nghiêm túc thực hiện trong suốt nhiều năm qua.

Tôn trọng sự khác biệt

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biện (TP. Điện Biên Phủ, Điện Biên) có 77 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Mỗi năm trường tuyển sinh và đào tạo hệ THPT với chỉ tiêu 500 học sinh. Đó là con em dân tộc thiểu số (DTTS) ở khắp các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Cùng với việc truyền dạy kiến thức, nhà trường luôn xác định giáo dục đạo đức, lối sống học sinh là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bởi thế, nhà trường luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc công tác này.

“Ở môi trường giáo dục của chúng tôi có nét đặc thù riêng, học sinh hoàn toàn xa nhà và ở lại tại trường để ăn, học. Còn giáo viên thì tiếp xúc với học sinh bằng phần lớn thời gian trong ngày. Bởi thế, sẽ có sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa thầy cô và học trò. Nếu như thầy cô mà không giữ được chuẩn mực thì học trò sẽ dễ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Vì lẽ đó, chúng tôi luôn quan tâm, quán triệt thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức đối với mỗi giáo viên. Nhìn chung, đội ngũ nhà giáo luôn gương mẫu trong lời nói và hành động để làm gương cho trò”, cô Nguyễn Thị Huệ - Phó hiệu trưởng nhà trường bày tỏ.

“Học sinh của chúng tôi đang ở giai đoạn chuẩn bị trưởng thành nên tâm sinh lí sẽ có nhiều thay đổi. Chính vì vậy, thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, nhà trường cũng tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về giới tính, lối sống và kĩ năng bảo vệ quyền lợi cá nhân,… Qua đó, giúp cho học sinh phát triển và ngày càng hoàn thiện bản thân để sẵn sàng cho giai đoạn tự lập phía sau”, cô Nguyễn Thị Huệ.

Theo cô Huệ, học sinh từ vùng sâu, vùng xa về đây học còn nhiều bỡ ngỡ trước môi trường mới. Hơn thế, trước tác động tiêu cực của sự phát triển kinh tế - xã hội, các em dễ không làm chủ được bản thân. Do đó, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh lại cần thiết hơn bao giờ hết.

Từ lẽ đó, công tác này được tập thể nhà trường thực hiện đa dạng với nhiều hình thức phong phú. Điển hình như việc tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lí sức khỏe, thi tìm hiểu lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, Đoàn, Hội. Nhà trường còn tổ chức các buổi tình nguyện với chủ đề: “Chủ nhật xanh”. Tham gia hoạt động này, học sinh toàn trường thực hiện lao động dọn dẹp vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan khu công cộng trên địa bàn thành phố.

CLB nhạc cụ dân tộc của Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên giao lưu với nghệ nhân đàn tính

CLB nhạc cụ dân tộc của Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên giao lưu với nghệ nhân đàn tính

Học sinh trường PTDTNT tỉnh Điện Biên là con em từ xa về học tập. Gửi gắm con em ở lại trường đồng nghĩa với việc phụ huynh tin tưởng, giao phó hết cho nhà trường. Ý thức được trách nhiệm của bản thân, mỗi nhà giáo trong ngôi trường này đều dành nhiều tình cảm cho học sinh. Họ coi học trò như con em trong nhà. Bởi thế, giữa cô - trò ngoài những giờ học vui vẻ, thoải mái vẫn phải nghiêm khắc trong công tác quản lý, thực hiện nội quy.

“Học sinh được ra khỏi khuôn viên nhà trường chỉ trong trường hợp có việc thực sự cần thiết và được nhà trường cấp giấy đồng ý. Các em là con em của gần 20 dân tộc khác nhau nên quá trình sinh hoạt sẽ nảy sinh các vấn đề không đồng nhất. Vì thế, chúng tôi giáo dục các em rằng: Nếu như sự khác biệt của bạn mà không trái với chuẩn mực đạo đức, trái với đạo lý thì chúng ta phải tôn trọng. Từ lẽ đó, học sinh ở đây đều tôn trọng phong tục, tập quán của các bạn khác”, cô Huệ nói.

Vừa “chân ướt chân ráo” từ huyện Mường Nhé xa xôi về đây học tập được hơn một năm, Lỳ Thủy Ngân (dân tộc Si La, lớp 11B5) gần như đã “lột xác” khi em không còn nhút nhát như trước. Ngân coi thầy, cô và trường học như ngôi nhà thứ hai để em học hỏi kiến thức và tìm hiểu văn hóa các dân tộc khác.

“Lúc mới vào trường em còn lạ lẫm, không có người quen, lại không tìm được bạn nào là người Si La giống mình nên càng cảm thấy lạc lõng. Nhưng sau khi tham gia lớp tư vấn tâm lý của các thầy cô thì em cảm thấy tự tin hơn. Ở đây, ngoài việc được quảng bá văn hóa của dân tộc mình đến thầy cô, em còn có cơ hội để tìm hiểu nhiều nét văn hóa từ các bạn dân tộc khác nữa”, Lỳ Thủy Ngân tự thổ lộ.

Hoạt động ôn lại truyền thống lịch sử do trường tổ chức

Hoạt động ôn lại truyền thống lịch sử do trường tổ chức

Nêu gương và làm gương

“Về phía Đoàn trường, chúng tôi duy trì chương trình phát thanh vào giờ ra chơi giữa tiết 2 mỗi ngày theo chủ đề của từng tháng. Trong mỗi buổi phát thanh đều nêu lên tấm gương tiêu biểu về thầy cô, tuyên dương các hành động tốt của học sinh… Qua đó, giúp học sinh trong trường học tập và noi theo. Hành động này dù rất nhỏ song phải khẳng định đã có sức lan tỏa rất lớn”, cô Vũ Phương Thanh - Phó bí thư Đoàn trường cho biết.

Ngoài ra, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên đã thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB), tạo môi trường gắn kết học sinh với nhau. Từ đó, các em tự điều chỉnh hành vi, ý thức và rèn luyện bản thân.

Một trong những CLB đặc biệt nhất của trường là “Dân ca - Dân vũ - Nhạc cụ dân tộc - Trang phục dân tộc”. CLB này do giáo viên tổ Toán - Lý phụ trách. Đây là nơi tổ chức các hoạt động cho nhóm yêu thích và mong muốn được bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc, nét đẹp trong trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Học trò thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ nhà giáo. Họ là những tấm gương phản chiếu để học sinh noi theo.

“Đã ở môi trường giáo dục thì rõ ràng nhà giáo phải là tấm gương để các em học tập. Ngược lại, khi tiếp xúc, nhìn vào học sinh thì đó là môi trường tốt để đội ngũ nhà giáo của chúng tôi nhìn vào để kiểm soát cảm xúc, điều chỉnh hành vi làm sao cho chuẩn mực. Đó là quan hệ hai chiều giữa thầy và trò. Ngoài dạy chữ, việc giáo dục, định hướng cho các em có lối sống lành mạnh, đạo đức trong sáng đồng nghĩa với việc chúng ta đang nâng cao vị thế của nhà giáo”, cô Huệ bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ