Tôn trọng nghề nghiệp của mình góp phần nâng cao vị thế nhà giáo

GD&TĐ - Hơn 20 năm cống hiến trong nghề, đã là NGƯT, đạt nhiều thành tích cao trong dạy học, nhưng mỗi ngày đến trường của cô Lê Thị Thu Hà đều là một ngày không ngừng cố gắng, làm mới chính mình.

Nhà giáo ưu tú Lê Thị Thu Hà (Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh, Nghệ An).
Nhà giáo ưu tú Lê Thị Thu Hà (Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh, Nghệ An).

Bởi cô quan niệm, muốn được học sinh yêu quý, đồng nghiệp tin tưởng thì trước tiên phải tôn trọng bản thân, tôn trọng nghề nghiệp của mình. Có như vậy, mới giữ cho giá trị nghề giáo đúng như những gì được xã hội công nhận, tôn vinh.

Dù ở đâu cũng luôn cố gắng như ngày đầu

Cô giáo Lê Thị Thu Hà đến với nghề giáo như một lựa chọn không thể nào khác. Sinh ra ở huyện miền núi Anh Sơn, mẹ làm nông, bố là bộ đội vắng nhà thường xuyên. Nữ sinh vùng trung du lớn lên chỉ có ước mơ nghề giáo, dù lúc đó chưa hình dung đầy đủ công việc của người thầy, người cô như thế nào.

Tốt nghiệp sư phạm, cô nhận công tác ở quê nhà, tại Trường THPT Anh Sơn 2, dạy môn Giáo dục công dân. Cô vẫn nhớ mãi mùa tựu trường năm ấy, cùng vào dịp mưa bão. Trận lũ cùng sạt lở tràn qua qua khiến dãy ký túc xá của cô và đồng nghiệp ngập trong bùn đất, trường lớp tan hoang. Nhưng ngay sau đó, học sinh, phụ huynh, bà con xung quanh có mặt cùng thầy cô dọn dẹp, vệ sinh, tu sửa để các thầy cô có nơi ăn ở ổn định, yên tâm dạy học.

Ngày ấy, gọi là trường THPT Anh Sơn 2 nhưng lại dạy liên cấp từ lớp 6 đến lớp 12. Nhờ vậy, giáo trẻ có nhiều trải nghiệm, gần gũi với nhiều lứa tuổi học trò khác nhau. Những tình cảm bồi đắp qua mỗi tiết dạy, giờ sinh hoạt, lao động khiến cô thấy gắn bó, yêu thương học trò, đồng nghiệp và ngôi trường khó khăn miền núi.

Sau đó, cô được chuyển tới Trường THPT Anh Sơn 1 công tác. Tại đây, có có nhiều năm chủ nhiệm những lớp được xếp vào diện “quậy phá” nhất trường.

“Làm giáo viên không thể tránh khỏi việc gặp học sinh cá biệt. Nhưng “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, và giáo viên phải có cách để quan tâm, chia sẻ, hiểu được các em. Trong hơn 20 năm dạy, không phải trường hợp cá biệt nào tôi cũng thành công như mong muốn. Nhưng tôi chọn đồng hành với các em, để học trò tin mình, đó cũng là niềm vui của nghề dạy học”, cô Thu Hà chia sẻ.

Cô Hà cũng cho rằng, nghề giáo không đơn điệu và đòi hỏi chuyên môn phải vững vàng và phải có sự đam mê, yêu thích và có cả kỹ năng đứng lớp. Vì thế, trong mỗi một buổi lên lớp, với từng đối tượng học sinh, giáo viên phải có giáo án riêng phải có một kỹ năng xử lý riêng để phù hợp.

Cho đến giờ, sau hơn 20 năm đứng lớp, chuyển đơn vị công tác từ miền núi về Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh), mỗi ngày đến lớp cô đều cố gắng làm mới bản thân, giờ dạy của mình.

Cô Lê Thị Thu Hà luôn cố gắng để tiết học của mình hứng thú, hấp dẫn với học sinh. Ảnh tư liệu
Cô Lê Thị Thu Hà luôn cố gắng để tiết học của mình hứng thú, hấp dẫn với học sinh. Ảnh tư liệu

Với đặc thù của bộ môn GDCD, cô cũng luôn kết hợp giữa giáo dục và thực tiễn. Điều thuận lợi là học sinh hiện nay năng động, sáng tạo, có rất nhiều nguồn thông tin. Vì thế, nếu giáo viên không bổ sung, cập nhật vốn kiến thức, thông tin của mình, thì sẽ không đáp ứng được nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhu cầu của học sinh.

Tôn trọng nghề nghiệp của mình

Cô Lê Thị Thu Hà tâm sự, nhiều học sinh và cả phụ huynh đến nay vẫn cho rằng Giáo dục công dân là môn phụ. Và cũng không ít người hỏi cô có cảm thấy thiệt thòi so với đồng nghiệp khi mình chỉ là giáo viên dạy Giáo dục công dân. Nhưng cô không bao giờ xem đó là môn phụ. Ngược lại, cô còn cảm ơn chính mình vì đã chọn bộ môn này đã cho bản thân thêm bản lĩnh, vững vàng vượt qua khó khăn và nhất là định kiến môn chính – môn phụ.

“Với riêng tôi, một giáo viên ngoài vững chuyên môn thì phải làm học sinh yêu thích môn học của mình. Cho đến giờ tôi vẫn cố gắng từng ngày để học sinh không nhàm chán và hào hứng đến với mình, giúp ích cho các em từ kiến thức mình cung cấp, định hướng, khơi gợi. Có như vậy, bản thân giáo viên cũng mới thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, cô Thu Hà nói.

Trong quá trình công tác của mình, cô Thu Hà 2 lần tham gia, đạt giải cuộc thi giáo viên dạy giỏi tỉnh 2. Sau đó, trở thành giáo viên cốt cán tham gia chấm thi giáo viên dạy giỏi. Qua các kỳ thi, cô cũng tự rút kinh nghiệm cho mình để có được một giờ dạy vừa “chuẩn” vừa vượt ra ngoài khuôn khổ để khuyến khích sự tìm tòi kiến thức của học sinh.

Cô cũng thường xuyên viết sáng kiến kinh nghiệm cũng là để rèn luyện bản thân, đúc rút những điều mình đã làm được. Quan trọng hơn, từ trải nghiệm thực tế cô đã có thêm phương pháp dạy học được học trò đón nhận.

Giáo dục đang thực hiện đổi mới, và giáo viên chịu nhiều áp lực hơn từ chính yêu cầu chuyên môn nghề nghiệp, từ chính học sinh, phụ huynh. Cô Thu Hà tâm sự, thực tế xảy ra sự việc hi hữu, hành vi sai phạm nào đó của 1 vài cá nhân không đại diện cho cả ngành giáo dục, làm ảnh hướng đến hình ảnh nhà giáo, khiến xã hội hiểu sai về giáo viên.

“Mỗi người khi đã chọn nghề giáo thì họ đã xác định được đây là một công việc đòi hỏi cả kiến thức, kỹ năng và tâm huyết. Con đường này không dễ dàng, cũng có người, trong 1 thời điểm nhất định cư xử không phù hợp. Nhưng theo tôi, cái sai thì phải phê phán nhưng không quy chụp, nhìn nhận nghề giáo một cách méo mó”, cô Thu Hà chia sẻ.

Về phía mình, sau hơn 20 năm dạy học, cống hiến trong nghề, cô Lê Thị Thu Hà bày tỏ, nghề giáo đã đem đến cho bản thân nhiều niềm vui, hạnh phúc. Mức thu nhập có thể không cao, nhưng đảm bảo cuộc sống. Điều quý giá nhất là nghề giáo cho mình rất nhiều những thế hệ học sinh, thế hệ trước, thế hệ sau, lớp lớp học sinh ra trường, trưởng thành. Bởi vậy mà giá trị nghề giáo theo đó cũng được tiếp nối, không bao giờ mất đi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ