Thúc đẩy dịch vụ công không tiền mặt trong ngành Giáo dục

GD&TĐ - Hôm nay (17/12), tại Hà Nội diễn ra tọa đàm với chủ đề “Đẩy mạnh chi tiêu không dùng tiền mặt trong ngành Giáo dục”.

Các đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm.
Các đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm.

Hiểu được sự cần thiết và những lợi ích của việc chi tiêu không dùng tiền mặt trong nền kinh tế cũng như trong quản lý Nhà nước, ngành Giáo dục đang có những bước thay đổi nhanh chóng khi triển khai đẩy mạnh thanh toán học phí không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, việc triển khai rộng khắp còn gặp phải rất nhiều khó khăn như thói quen sử dụng tiền mặt, sự không đồng bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin tại các trường học, giữa các địa bàn...

Bà Việt Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi có Đề án 241 về thanh toán không dùng tiền mặt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã có công văn 5421 chỉ đạo các sở giáo dục đào tạo quán triệt các đơn vị thực hiện. Kết quả, tới nay đã có 90% cơ sở giáo dục đào tạo thu học phí qua ngân hàng thương mại, 80% sinh viên nộp học phí qua ngân hàng, 87% cơ sở giáo dục đào tạo chuyển lương qua hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, do hệ thống nền tảng của hệ thống giáo dục đào tạo khiến phương thức thanh toán này vẫn bộc lộ một số bất cập, như: Hiện kho bạc chưa kết nối với các ngân hàng nên các cơ sở GD&ĐT phải làm hoá đơn, phiếu chi cả điện tử và bản cứng. Phí chuyển khoản cao, bắt buộc sinh viên phải dùng đúng ngân hàng kết nối với hệ thống nộp học phí gây khó khăn cho sinh viên.

Bên cạnh đó, do quy định hệ thống trường đại học công lập phải chuyển học phí qua mạng về Kho bạc Nhà nước sau 5 ngày làm việc khiến các ngân hàng chưa “mặn mà”. Các khoản thanh toán cho sinh viên qua ngân hàng chưa được như mong đợi. Khoản chi dịch vụ nhỏ lẻ, kho bạc yêu cầu chi trực tiếp cho cá nhân, tổ chức.

Ngoài ra, việc đường truyền công nghệ thông tin, xử lý dịch vụ công còn chậm, gây mất thời gian cho các cơ sở giáo dục. Hành lang pháp lý thanh toán không dùng tiền mặt còn nhiều bất cập. Đồng thời, nguyên nhân chính khiến thanh toán không dùng tiền mặt chưa phổ biến là do thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đặc thù của ngành Giáo dục là chi trả nhiều lần dẫn đến phí dịch vụ cao. Học viên, sinh viên chuyển khoản qua ATM không ghi nội dung chuyển khoản được gây khó khăn cho cán bộ kế toán của các cơ sở giáo dục đào tạo.

Bà Việt Hà nhấn mạnh: Đề án không dùng tiền mặt cũng có những khó khăn đối với ngành Giáo dục. Đặc biệt là những khu vực vùng sâu, vùng xa thì việc tiếp cận thanh toán không dùng tiền mặt còn gặp rất nhiều khó khăn. Để đạt được mục tiêu của đề án, chúng tôi hy vọng những ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại cũng cần phải đa dạng hóa các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Trước thực tế này, tham gia tọa đàm, các chuyên gia, đại biểu đã chia sẻ, trao đổi về những vấn đề thực tiễn, những kiến nghị, giải pháp thực tế để gỡ khó cho việc thúc đẩy dịch vụ công không dùng tiền mặt trong ngành Giáo dục.

Tọa đàm “Đẩy mạnh chi tiêu không dùng tiền mặt trong ngành Giáo dục” do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.