Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...

Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Học sinh có thể khởi nghiệp

Mới đây, Sở GD&ĐT Phú Thọ phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT”. Sự kiện thu hút hơn 13 nghìn học sinh lớp 12 và khoảng 2,5 nghìn giáo viên tham gia. Ông Phùng Quốc Lập – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ nhấn mạnh, thông qua chương trình nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT; đồng thời phát hiện, bồi dưỡng những em có đam mê lĩnh vực khoa học công nghệ, khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp.

Năm 2023, tỉnh Hưng Yên có 25 đơn vị và 32 đội tham gia Cuộc thi “Học sinh phổ thông với ý tưởng khởi nghiệp”, ông Đỗ Tiến Hùng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay. Các dự án khởi nghiệp của học sinh gồm nhiều lĩnh vực như: Khoa học, công nghệ, chế tạo sản phẩm, văn hóa, giáo dục, y tế, dịch vụ, du lịch, tài chính ngân hàng, kinh doanh. Do vậy, hành trình khởi nghiệp từ THPT năm 2024 là cách làm mới để sở GD&ĐT tiếp tục hun đúc, bồi dưỡng đam mê, ý tưởng khởi nghiệp cho học sinh.

“Thực tế, chúng em có nhiều ý tưởng khởi nghiệp nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào?”, Nguyễn Trần Phương Thảo - học sinh Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) bộc bạch và mong muốn có nhiều chương trình đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng ý tưởng khởi nghiệp với học sinh THPT. Từ đó, người học được bổ sung kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp.

Khi là học sinh THPT, ông Vương Hồng Hưng - kỹ sư công nghiệp thực phẩm, Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nutricare) khởi nghiệp bằng việc bán kem nhưng không thành công như mong đợi. “Thiếu kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và “đếm cua trong lỗ” là nguyên nhân dẫn đến thất bại”, ông Vương Hồng Hưng nhìn nhận.

Từ thực tiễn, ông Vương Hồng Hưng cho rằng, không có công thức nào hoàn hảo để học sinh khởi nghiệp thành công. Tuy nhiên, nếu có sự hỗ trợ thì khả năng thành công cao hơn. “Học sinh THPT hoàn toàn có thể khởi nghiệp. Trước hết, các em cần biết cách xây dựng ý tưởng, được ươm mầm, bồi dưỡng. Đừng ngại thất bại, bởi mỗi lần vấp ngã cho các em nhiều bài học giá trị”, ông Vương Hồng Hưng nhấn mạnh.

Học sinh Trường THPT Việt Trì (Phú Thọ) trong chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” do sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Ảnh: TG

Học sinh Trường THPT Việt Trì (Phú Thọ) trong chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” do sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Ảnh: TG

Ươm mầm và nuôi dưỡng ý tưởng

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cường - Giám đốc Công ty TNHH JCT Việt Nam cho rằng, muốn khởi nghiệp, việc đầu tiên các em phải có kiến thức căn bản và nắm được kiến thức chuyên môn của ngành/ lĩnh vực muốn khởi nghiệp, để khi đối diện với việc mới sẽ có cách để thực hiện thành công. Ngoài ra, cần chủ động tiếp cận với công việc từ sớm nhằm trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Thông qua đó tìm ra điểm mạnh, yếu và đam mê của mình.

Nhấn mạnh 5 giá trị cốt lõi trong khởi nghiệp, ông Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc NovaEdu (Host) chia sẻ: Tâm đắc; kiên trì; sáng tạo; triệt để (tạo nên sự khác biệt); thần tốc (nghĩ nhanh, làm nhanh, hành động). Ngoài ra, một trong những “đặc tính” quan trọng để khởi nghiệp là tự tin và quyết liệt; mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, chịu trách nhiệm.

Theo TS Nguyễn Công Tiệp – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khởi nghiệp từ những ý tưởng ban đầu tưởng như đơn giản nhưng sẽ có giá trị ươm mầm, nuôi dưỡng, phát triển trong tương lai. Khởi nghiệp phải trở thành khát vọng thường trực của học sinh, sinh viên. Khởi nghiệp hôm nay sẽ là nền tảng cho mai sau.

“Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi đã ươm mầm, nuôi dưỡng, phát triển nhiều ý tưởng khởi nghiệp của học sinh THPT. Khi các em trở thành sinh viên của Học viện, những ý tưởng ấy tiếp tục được phát triển ở cấp độ cao hơn, có thể trở thành hành trang sau khi tốt nghiệp đại học và bước vào cuộc sống”, TS Nguyễn Công Tiệp cho hay.

Theo TS Dương Thành Huân – Phó Trưởng ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” được Học viện tổ chức tại hơn 1 nghìn trường THPT, với hơn 200 nghìn học sinh tham gia. Đã có hơn 300 câu hỏi thảo luận gửi đến diễn đàn này. Cùng đó, Học viện tổ chức Cuộc thi kiến thức công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo nhằm ươm mầm ước mơ khởi nghiệp cho học sinh. Dù được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng cuộc thi đã thu hút gần 6 nghìn học sinh và hơn 500 trường THPT tham gia.

Tại Diễn đàn Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp được tổ chức tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ông Trần Văn Đạt - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, công tác tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp là nội dung, nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Những năm qua, Bộ GD&ĐT đã tham mưu và trực tiếp ban hành nhiều văn bản liên quan đến nội dung này.

Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện, chuẩn bị ban hành Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đây là thước đo quan trọng giúp cộng đồng đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học và tầm ảnh hưởng của cơ sở giáo dục đại học tới cộng đồng, xã hội.

Về cơ bản, các chính sách thúc đẩy công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học. Các chính sách này tương đối hoàn thiện và đủ mạnh để cơ sở giáo dục đại học có thể hình thành, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của riêng mình.

Phần còn lại, các cơ sở giáo dục đại học cần chủ động triển khai bằng giải pháp riêng, trong đó việc phối hợp, đồng hành cùng doanh nghiệp lớn và cựu sinh viên là thành tố quan trọng để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo.

Để trang bị kiến thức, kỹ năng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, tạo môi trường thuận lợi nhằm hỗ trợ các em hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Theo Đề án này, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ