Thuốc giả ‘lọt’ vào siêu thị Coopmart Thanh Hóa: Ai chịu trách nhiệm?

GD&TĐ - Công an TP Thanh Hóa vừa phát hiện bắt giữ nhiều sản phẩm là thuốc chống đột quỵ giả bày bán trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.

Thực phẩm chống đột quỵ giả được bày bán trong cửa hàng nằm bên trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.
Thực phẩm chống đột quỵ giả được bày bán trong cửa hàng nằm bên trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.

Hàng giả ngang nhiên bày bán ở siêu thị

Mới đây, Công an TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán sản phẩm chống đột quỵ giả. Các sản phẩm này được các đối tượng quảng cáo là “hàng xách tay” có thể phòng và hỗ trợ điều trị đột quỵ não. Sản phẩm được các đối tượng làm giả một cách rất tinh vi, với giá bán một hộp hàng triệu đồng.

Các đối tượng đã tìm nguồn mua nguyên vật liệu, thuê in vỏ bao bì và đóng gói sản phẩm chống đột quỵ của nhà sản xuất Hàn Quốc, Nhật Bản, sau đó rao bán ra thị trường qua các kênh phân phối.

Đáng nói, những sản phẩm này được cảnh sát phát hiện, bắt giữ khi đang bày bán công khai tại một quầy hàng nằm trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa (có địa chỉ tại phường Điện Biên, TP Thanh Hóa).

Theo Công an TP Thanh Hóa, đã tiến hành khám xét đồng loạt tại 10 địa điểm là nơi ở, nơi làm việc, sản xuất, cất giấu hàng hóa của các đối tượng trên địa bàn TP Hà Nội.

Qua khám xét, lực lượng công an đã phát hiện, thu giữ nhiều sản phẩm và nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng giả gồm: Hơn 4.000 hộp An cung viên Hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm thành phẩm (loại hộp 10 viên), giá trị hàng hóa tương đương 10 tỷ đồng; 100 hộp An cung ngưu hoàng hoàn (loại 60 viên/hộp) của Công ty Samsung Pharm sản xuất.

Các nguyên vật liệu phục vụ việc sản xuất, đóng gói sản phẩm giả gồm: 7 bì đựng vỏ lọ bằng nhựa, nắp lọ bằng nhựa được sử dụng để đựng viên an cung hoàn; hơn 1.000 tem chống giả nhãn hiệu Kwangdong, tem hướng dẫn sử dụng nhãn hiệu Kwangdong; trên 1.000kg viên nén hình tròn màu vàng đã được bọc giấy màu vàng.

Ngoài ra, còn có nhiều công cụ, máy móc để đóng gói sản phẩm như: Máy ép, súng bắn keo, ghim, băng dính… và nhiều sản phẩm hàng hóa nhãn hiệu nước ngoài chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nghi vấn hàng giả.

Qua đấu tranh, các đối tượng cho biết, Nguyễn Thị Thịnh (SN 1978, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả, trực tiếp tìm nguồn mua các nguyên vật liệu, thuê in vỏ bao bì và thuê người đóng gói sản phẩm, sau đó rao bán ra thị trường qua các kênh phân phối.

Ngoài Thịnh còn có 7 đối tượng khác làm các nhiệm vụ như: In tem mác, bao bì, vỏ hộp giả, đóng hộp, liên hệ mua hàng, quản lý hàng hóa, nhận, giao đơn hàng…

Các đối tượng khai nhận, từ đầu năm 2023 đến khi bị bắt đã sản xuất và bán ra thị trường hơn 20 nghìn hộp viên Hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm giả với giá trị tương đương khoảng 50 tỷ đồng.

Theo Thượng tá Đỗ Ngọc Dương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa, hiện đơn vị đang khẩn trương thu giữ sản phẩm này ở ngoài thị trường, đồng thời tiếp tục làm rõ các đối tượng đồng phạm khác có liên quan.

Công an Thanh Hóa phát hiện, bắt giữ thực phẩm chức năng chống đột quỵ giả bán tại Coopmart Thanh Hóa.

Công an Thanh Hóa phát hiện, bắt giữ thực phẩm chức năng chống đột quỵ giả bán tại Coopmart Thanh Hóa.

Công an Thanh Hóa thu giữ khối lượng lớn thực phẩm chức năng trị giá hàng chục tỷ đồng.

Công an Thanh Hóa thu giữ khối lượng lớn thực phẩm chức năng trị giá hàng chục tỷ đồng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Đáng nói, thời điểm cảnh sát phát hiện và bắt giữ, nhiều sản phẩm thuốc chống đột quỵ giả đang được bày bán trên gian hàng nằm trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa, nhưng không được phía siêu thị phát hiện?

Để làm rõ quy trình kiểm soát hàng đưa vào bày bán trong siêu thị và trách nhiệm của đơn vị quản lý như thế nào khi để xảy ra việc hàng giả được bày bán công khai, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc siêu thị Coopmart Thanh Hóa, tuy nhiên vị này không làm việc với lý do bận?!

Kế toán trưởng của đơn vị này thì cho rằng, hàng không thuộc siêu thị, vị trí cửa hàng đó được Coopmart cho thuê mặt bằng. “Họ nói hàng đó (sản phẩm thuốc đột quỵ giả - PV) là hàng xách tay được gửi ở đó để mang đi giao chứ không bày bán. Bên em không thể quản lý hết được những mặt hàng họ kinh doanh bên ngoài”, kế toán trưởng của siêu thị Coopmart nói.

Trả lời Báo GD&TĐ, ông Lê Thế Anh, Cục phó Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa cho biết: “Hàng hóa được bán trong siêu thị hay ở bên ngoài thì đều là trong phạm vi của Quản lý thị trường quản lý, giám sát. Việc kiểm tra, kiểm soát giữa các hệ thống siêu thị cũng như các cửa hàng bên ngoài không khác nhau.

Sẽ có 2 hình thức kiểm tra là kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất. Tuy nhiên, kiểm tra theo kế hoạch thì một năm chỉ được kiểm tra 1 lần, còn kiểm tra đột xuất thì phải có dấu hiệu vi phạm. Trong khi đó, trên địa bàn có hàng nghìn cơ sở kinh doanh, kiểm tra đột xuất thì không thực hiện được hết”.

Theo báo cáo từ Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa, trước đó, một hộ kinh doanh trên tầng 2 của siêu thị Coopmart Thanh Hóa từng bị xử phạt hơn 27 triệu đồng liên quan đến vi phạm trong kinh doanh mặt hàng quần áo.

Cơ quan CSĐT Công an TP Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 8 đối tượng về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” gồm: Nguyễn Thị Thịnh (SN 1978, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội); Nguyễn Lan Hương (SN 1984, quận Hà Đông, Hà Nội); Trần Anh Cường (SN 1994, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội); Ngô Thị Tú (SN 1982, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội); Nông Quang Hải (SN 1991, trú tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội); Nhữ Thị Minh (SN 1991, trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm); Phạm Văn Chiến (SN 1985, trú tại phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội); Trịnh Thị Hiệp (SN 1985, trú tại phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ