Quan chức Mỹ cảm nhận buồn với gói viện trợ 60 tỷ USD

GD&TĐ - Các quan chức của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng không chắc chắn về hiệu quả của gói viện trợ Ukraine có thể giúp giành lại lãnh thổ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ không quá lạc quan về chiến thắng cho Ukraine sau gói viện trợ 60 tỷ USD.
Chính quyền Tổng thống Mỹ không quá lạc quan về chiến thắng cho Ukraine sau gói viện trợ 60 tỷ USD.

Ba quan chức dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chia sẻ với Politico trong điều kiện giấu tên rằng, họ nghi ngờ về hiệu quả của gói viện trợ Ukraine trị giá 60 tỷ USD vừa được Quốc hội Mỹ thông qua.

Các quan chức cho rằng, từng ấy tiền sẽ không thể giúp Ukraine giành lại lãnh thổ từ tay Nga mà có thể chỉ giúp họ không bị nhận thêm thất bại nữa.

Rõ ràng, Nga duy trì lợi thế về nhân lực và vũ khí. Như vậy, Kiev sẽ phải mất rất nhiều thời gian để đảo ngược những tổn thất về lãnh thổ trong nhiều tháng, nhiều năm.

Một người nói: “Mục tiêu trước mắt là ngăn chặn tổn thất của Ukraine và giúp Ukraine lấy lại động lực, lật ngược tình thế trên chiến trường. Sau đó, mục tiêu là giúp Ukraine bắt đầu lấy lại lãnh thổ của mình."

Người này cho rằng, gói viện trợ là điều mà phía Mỹ đã dành cho Kiev mà không hề có sự đảm bảo nào về khả năng Ukraine sẽ giành được chiến thắng.

Một trợ lý cấp cao của đảng Dân chủ tại Thượng viện cũng nói với Politico rằng, câu hỏi bây giờ là liệu viện trợ nhiều hơn của Mỹ có thể dẫn đến chiến thắng cho Ukraine hay chỉ đủ để tạm thời chống đỡ lực lượng Nga.

Nguồn tin cho biết: “Có rất nhiều tranh luận về việc chiến thắng dành cho Ukraine vào thời điểm này sẽ là như thế nào”.

Rõ ràng, có sự khác biệt về định nghĩa “chiến thắng” theo quan điểm của Mỹ và giới lãnh đạo Kiev. Nhưng theo các quan chức của ông Biden, gói viện trợ này nếu có thể giúp Ukraine lấy lại “phần lớn hoặc toàn bộ lãnh thổ của mình” và “không thua” đã có thể coi là chiến thắng.

Điều đó có nghĩa là “Ukraine có thể giữ vững phòng tuyến của mình và tiến thêm một số khu vực trên tiền tuyến, nhưng không thể lấy lại những gì Nga đã giữ”.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby trong tuần này ám chỉ rằng Ukraine vẫn chưa có kế hoạch hoàn chỉnh để thắng, mặc dù Mỹ sẽ đàm phán để giúp hiện thực hóa kế hoạch này.

Ông nói với các phóng viên trên chiếc Air Force One: “Chúng tôi sẽ có thể tiếp tục đối thoại với người Ukraine về chiến lược dài hạn của họ nhằm đẩy lùi Nga và sau đó điều chỉnh các gói viện trợ trong tương lai để đáp ứng những nhu cầu đó”.

Gói viện trợ trước mắt nhất hướng tới Ukraine sẽ có tổng trị giá 1 tỷ USD và bao gồm các loại vũ khí Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội tầm xa mà Kiev đã mong muốn từ lâu. Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa cho rằng tương lai của Ukraine phụ thuộc nhiều vào những gì Biden mang lại hơn là số tiền.

Politico nhấn mạnh, lập trường của Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky rằng Kiev nên chiến đấu cho đến khi lấy lại toàn bộ lãnh thổ của mình, bao gồm cả Crimea. Nhưng điều này sẽ “đẩy Mỹ vào một cuộc xung đột kéo dài hơn nhiều mà không có gì đảm bảo rằng Zelensky sẽ đạt được mục tiêu của mình”.

Tổng thống Zelensky cuối tuần trước chia sẻ với chương trình “Gặp gỡ báo chí” của NBC News rằng, khoản viện trợ mới của Mỹ “sẽ thực sự tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang Ukraine và Ukraine sẽ có cơ hội chiến thắng”.

Trong khi đó, bình luận về gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD của Mỹ hôm thứ Tư, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng "tất cả những lô vũ khí mới này... sẽ không làm thay đổi động lực ở tiền tuyến".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ