Hội thảo chương trình đào tạo ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đến năm 2030: thách thức và giải pháp - đã diễn ra ngày 26/4. Hội thảo do Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) và ĐH Bách Khoa Hà Nội (HUST) phối hợp tổ chức. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn dự.
Các trường liên kết với nhau
Hiện, Chính phủ đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam; trong đó chú trọng xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho đến năm 2030.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng nhìn nhận, đây là tín hiệu cho thấy ưu điểm của tự chủ đại học. Các trường liên kết với nhau, cùng nhau làm, thực hiện và cùng nhau phát triển. Điều này thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ thống giáo dục đại học.
Nhấn mạnh 6 yếu tố quan trọng giúp thành công trong đào tạo nguồn nhân lực; Thứ trưởng trao đổi: Thứ nhất, làm sao có sinh viên giỏi. Thứ hai, làm sao có thầy giỏi. Thứ ba, làm sao có cơ sở vật chất trang thiết bị tốt. Thứ tư chương trình đào tạo phải tốt. Thứ năm, phải có hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế và Thứ sáu là phải gắn kết với nghiên cứu.
Thảo luận về chương trình đào tạo ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, Thứ trưởng đặt vấn đề, cần xây dựng chương trình đào tạo như thế nào, nhu cầu của ngành này ra sao. Ngoài ra, cần phân biệt ba nội dung: Thứ nhất là ngành công nghiệp bán dẫn. Thứ hai, là công nghệ bán dẫn; thứ ba là các ngành đào tạo.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo. |
Theo Thứ trưởng, nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn cần nhiều công nghệ và nhiều ngành đào tạo. Trong đó, có thể có một số ngành, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ. Cơ cấu này phụ thuộc nhiều vào công việc đầu tư ở Việt Nam.
“Công nghiệp sản xuất chưa đầu tư nhiều nhưng về đóng gói, kiểm thử hay thiết kế có thể nhiều. Do vậy, chúng ta cần có dự báo. Đây là bài toán giữa nhân lực với đầu tư, là bài toán giữa con gà và quả trứng” – Thứ trưởng nhìn nhận.
TS Trần Đức Lai – Chủ tịch Hội vô tuyến điện tử Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. |
Muốn đi xa, làm tốt thì cùng làm với nhau
Theo Thứ trưởng, các tập đoàn doanh nghiệp nước ngoài cần thấy Việt Nam có nhân lực thì họ mới đầu tư. Tuy nhiên, muốn thu hút sinh viên vào học, muốn phát triển đào tạo thì phải có thị trường.
“Chúng ta cần xuất phát từ nhu cầu. Trên cơ sở ngành đào tạo sẵn có, chúng ta phát triển lên cần một ngành đào tạo mới” – Thứ trưởng đặt vấn đề và cho rằng, việc ra đời ngành đào tạo mới không hề đơn giản.
Có hai cách ra đời một ngành đào tạo hoàn toàn mới: Một là, ngành lớn phát triển quá mạnh, phạm vi về kiến thức, nền tảng khoa học rộng và phân nhánh. Hai là lai ghép 2-3 ngành hiện tại. “Lai ghép một cách hữu cơ chứ không phải đơn thuần là tổng hợp của các ngành” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chuyên gia chia sẻ tại hội thảo. |
Thiết kế vi mạch hầu hết xuất phát từ ngành kỹ thuật điện, điện tử hay là kỹ thuật điện tử viễn thông. Chúng ta không chỉ bàn về chương trình đào tạo, mà chúng ta còn bàn về mô hình đào tạo. Bởi vì với mô hình đào tạo khác nhau thì sẽ có chương trình đào tạo khác nhau.
Xuất phát từ mô hình đào tạo, chúng ta có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường, vừa nhanh, vừa lâu dài. Nếu bây giờ mới bắt đầu tuyển sinh cử nhân đào tạo 4 năm và phải có ít nhất 1-2 năm đào tạo chuyên sâu, như vậy, phải đến năm 2030 mới có khóa đầu tiên. “Vậy thì chúng ta phải bàn cả mô hình đào tạo, từ đó mới phát triển chương trình đào tạo” – Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cho rằng, việc chúng ta thảo luận kỹ với nhau để tìm ra điểm chung trong việc phát triển chương trình đào tạo. Qua đó, các trường không chỉ hợp tác đào tạo trong nước mà cả hợp tác quốc tế. Sinh viên từ trường này, trường khác có thể học tập trao đổi. Chúng ta muốn đi xa, làm tốt thì cùng làm với nhau.
Hội thảo với sự tham gia của trên 100 đại biểu từ các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. |
Hội thảo chương trình đào tạo ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đã mở ra diễn đàn cho các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp cùng nhau trao đổi quan điểm và định hình giải pháp cho những thách thức như: Yêu cầu kiến thức và kỹ năng cần thiết từ doanh nghiệp đối với kỹ sư thiết kế vi mạch; Mô hình đào tạo và phương pháp tổ chức chương trình học phù hợp cho ngành; Các cấp độ đào tạo trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và sự liên thông giữa các ngành học liên quan; Yêu cầu về cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm cho đào tạo và nghiên cứu vi mạch.
Qua Hội thảo sẽ tổng hợp được các kiến nghị xác đáng để có thể báo cáo, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền và tạo một diễn đàn chung cho các cơ sở đào tạo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và các nguồn tài nguyên trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn. Qua đó, góp phần đưa ra các giải pháp để triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho đến năm 2030.