Tạo diễn đàn trao đổi cho các nhà nghiên cứu trẻ về khoa học công nghệ

GD&TĐ - Hội nghị khoa học các nhà nghiên cứu trẻ lần thứ 19, năm 2024 của Học viện Kỹ thuật quân sự được khai mạc sáng 25/4, tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc, GS.TS, Trung tướng Lê Minh Thái - Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự cho hay, Hội nghị được tổ chức thường niên kể từ năm 2005 đến nay. Đây là năm đầu tiên, Học viện tổ chức phiên toàn thể nhằm hướng tới việc tiệm cận với các hội nghị khoa học chuyên ngành quốc gia, quốc tế.

Hội nghị là diễn đàn khoa học để giảng viên, cán bộ nghiên cứu trẻ, các nghiên cứu sinh và học viên sau đại học báo cáo các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất của mình; đồng thời làm quen với việc báo cáo, thuyết trình một vấn đề khoa học trước hội đồng chuyên môn.

"Đây cũng là diễn đàn để trao đổi thông tin của các nhà nghiên cứu trẻ ở các lĩnh vực khoa học công nghệ; trong đó có lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ quân sự, chỉ huy tham mưu kỹ thuật" - Trung tướng Lê Minh Thái nhấn mạnh.

GS.TS, Trung tướng Lê Minh Thái - Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự phát biểu tại hội nghị.

GS.TS, Trung tướng Lê Minh Thái - Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự phát biểu tại hội nghị.

Thông qua hội nghị, các nhà nghiên cứu trẻ tiếp nhận ý kiến đóng góp, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học đi trước để hoàn thiện kết quả nghiên cứu cũng như xác định rõ hơn hướng nghiên cứu của mình trong tương lai.

Trung tướng Lê Minh Thái cho hay, sau hội nghị, các báo cáo có chất lượng tốt nhất sẽ được yêu cầu hoàn thiện, chỉnh sửa, bổ sung thành bài báo toàn văn để gửi đi phản biện, đăng trên Tạp chí Khoa học và kỹ thuật của Học viện Kỹ thuật quân sự hoặc đăng trong Kỷ yếu toàn văn của Hội nghị.

Các nhà khoa học tham dự hội thảo.

Các nhà khoa học tham dự hội thảo.

Qua quá trình nhiều năm tổ chức, Hội nghị ngày càng thu hút được đông đảo các nhà khoa học trẻ, các nghiên cứu sinh và học viên cao học đăng ký tham gia. Những năm gần đây có sự tham gia của các nhà khoa học trẻ ngoài Học viện đến từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trong và ngoài Quân đội.

Nhằm nâng cao chất lượng và để Hội nghị ngày càng tiệm cận với hội nghị khoa học quốc gia, quốc tế; từ năm 2018, Hội nghị yêu cầu tác giả đăng ký tham dự phải hoàn thiện bài báo toàn văn trước khi báo cáo tại phiên tiểu ban. Từ năm 2019, các bài báo toàn văn phải được thông qua nhận xét phản biện trước khi báo cáo tại phiên tiểu ban của Hội nghị.

PGS.TS Nguyễn Văn Chương báo cáo kết quả nghiên cứu về "vật liệu bán dẫn thế hệ mới: Thách thức và cơ hội".

PGS.TS Nguyễn Văn Chương báo cáo kết quả nghiên cứu về "vật liệu bán dẫn thế hệ mới: Thách thức và cơ hội".

Ngoài ra, cũng từ năm 2018, Ban tổ chức Hội nghị đã làm thủ tục để xin cấp chỉ số xuất bản ISBN (của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân) cho Tuyển tập Kỷ yếu toàn văn của Hội nghị.

Tại Hội nghị lần thứ 19, năm 2024, Ban tổ chức đã nhận 279 bài báo toàn văn đăng ký tham dự của các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên sau đại học tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu trong và ngoài Học viện, tăng 18 bài so với năm 2023. Qua quá trình rà soát, phản biện, Ban Tổ chức đã quyết định chấp nhận 203 bài báo toàn văn được báo cáo tại 16 phiên tiểu ban của Hội nghị.

Các nhà khoa học trao đổi tại hội nghị.

Các nhà khoa học trao đổi tại hội nghị.

Trong phiên toàn thể, các nhà khoa học trẻ trong và ngoài Học viện báo cáo các nghiên cứu chuyên sâu mang tính định hướng thuộc các lĩnh vực nghiên cứu như: vật liệu bán dẫn thế hệ mới; định hướng phát triển UAV quân sự tại Việt Nam; xu hướng, cơ hội và thách thức của lĩnh vực thiết kế vi mạch; công nghệ chế tạo năng lượng mới - năng lượng hydrogen; ứng dụng laser thông minh trong chăm sóc sức khỏe; công nghệ và ứng dụng của nhận dạng khuôn mặt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ