Đăng ký thử dự thi tốt nghiệp THPT: Thao tác thử, điều chỉnh thật

GD&TĐ - Các trường THPT giao cho giáo viên chủ nhiệm phối hợp với tổ hỗ trợ, hướng dẫn học sinh trong quá trình đăng ký thử dự thi tốt nghiệp THPT...

Học sinh Trường THPT Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) thử nghiệm đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2024 trực tuyến. Ảnh: Lê Cường
Học sinh Trường THPT Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) thử nghiệm đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2024 trực tuyến. Ảnh: Lê Cường

Hỗ trợ đăng ký số điện thoại chính chủ

Trường THPT huyện Nậm Pồ (Điện Biên) đã tổ chức cho 165 học sinh lớp 12 đăng ký thử dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến trên hệ thống. Thầy Hiệu trưởng Trần Trường Thiện cho biết: “Về cơ bản, các em thực hiện đăng ký thử không gặp khó khăn gì. Tuy nhiên, trường có một số em chưa có điện thoại cá nhân nên việc đăng ký thử được triển khai bằng cách mượn điện thoại của giáo viên và hệ thống máy tính bảng được cấp. Chúng tôi cũng cung cấp wifi để học sinh dễ dàng truy cập”.

Cùng đó, nhà trường nhắc nhở học sinh phải bảo mật thông tin tài khoản, mật khẩu được cấp để đăng nhập vào Hệ thống quản lý thi từ khi đăng ký dự thi đến xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT. Theo thống kê số liệu ban đầu, hiện mới có khoảng 40 học sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học.

Tương tự, Trường THPT huyện Mường Tè (Lai Châu) đã tổ chức cho học sinh đăng ký thử để làm quen và kịp thời phát hiện các sai sót để điều chỉnh trước khi đăng ký chính thức.

“Thông tin của học sinh đã có trên cơ sở dữ liệu nên cơ bản đảm bảo. Các em chỉ đăng ký môn thi và kiểm tra thông tin cá nhân, đặc biệt là địa chỉ email và số điện thoại nhận tài khoản, mật khẩu. Một số học sinh trước đây dùng số điện thoại của bố, mẹ để đăng ký nhưng khi phát hiện ra nhà trường đã yêu cầu thay đổi số điện thoại chính chủ”, thầy Nguyễn Xuân Bính - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Từ ngày 24/4, Trường THPT Số 3 Mường Khương (Lào Cai) triển khai cho học sinh đăng ký thử dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến trên hệ thống quản lý thi. Qua đó, phát hiện một số sai sót cần chỉnh sửa. “Một số học sinh sai thông tin về bằng tốt nghiệp THCS, chúng tôi đã đề nghị phòng GD&ĐT điều chỉnh thông tin liên quan đến căn cước công dân để khớp với dữ liệu ngành. Một số em chưa có điện thoại được nhà trường bố trí cho đăng ký bằng máy tính”, thầy Lù Văn Thành - Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Mường Khương cho biết.

Cuối tháng 3/2024, Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã thống kê số học sinh có máy điện thoại để nắm được sim có đăng ký chính chủ hay không. Thầy Nguyễn Hữu Thịnh - Hiệu trưởng cho biết: “Vẫn có một số em chưa khớp thông tin cá nhân. Vì vậy, nhà trường đã liên hệ với Viettel hỗ trợ bổ sung thông tin để đáp ứng điều kiện khi kê khai trên cổng dịch vụ công. Ngoài ra, Mobifone cũng hỗ trợ cấp sim và làm thủ tục đăng ký cho một số học sinh chưa có số điện thoại cá nhân”.

Theo thống kê của Trường THPT số 2 Đức Phổ (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) có khoảng 30% học sinh không đăng ký số điện thoại chính chủ. Phần đông trong số này đang sử dụng số điện thoại của bố, mẹ để đăng ký. Thầy Hiệu trưởng Thạch Cảnh Bê cho biết, với những học sinh này, nếu không kịp liên hệ với các đại lý của nhà mạng để cập nhật kịp thời thì được hướng dẫn đăng ký thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT trên ứng dụng phần mềm của Bộ GD&ĐT.

Học sinh Trường THPT Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội tiến hành đăng ký thử dự thi tốt nghiệp THPT trên hệ thống. Ảnh: Lê Cường

Học sinh Trường THPT Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội tiến hành đăng ký thử dự thi tốt nghiệp THPT trên hệ thống. Ảnh: Lê Cường

Rà soát, đối chiếu thông tin từng học sinh

Trong 2 ngày 24 và 25/4, các trường THPT ở Hà Nội đã bàn giao tài khoản và mật khẩu đăng nhập cho học sinh lớp 12. Ngay sau khi nhận tài khoản, học sinh có thể đăng nhập hệ thống quản lý thi của Bộ GD&ĐT và làm theo hướng dẫn để tập dượt quy trình đăng ký tham dự kỳ thi.

Thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Sáng 25/4, tất cả học sinh lớp 12 của trường đã nhận tài khoản và mật khẩu để đăng nhập hệ thống quản lý thi. Các em đăng nhập vào hệ thống và thực hiện các bước theo hướng dẫn. Thông tin từ các giáo viên chủ nhiệm và học sinh đều cho biết hệ thống hoạt động ổn định, không có tình trạng nghẽn mạng, hầu hết thực hiện thử nghiệm đăng ký thành công.

Tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội), thầy Lê Trung Kiên - Hiệu trưởng thông tin, ngay khi có tài khoản và mật khẩu, học sinh lớp 12 đã đăng nhập và đăng ký thử. Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên Tin học sẵn sàng hỗ trợ nếu có vướng mắc. Các thầy cô cũng đồng thời lưu ý trò phải bảo quản tài khoản và mật khẩu để việc đăng ký diễn ra an toàn, tránh sai sót.

Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình, TPHCM) đã triển khai hướng dẫn cho học sinh khối 12 việc đăng ký thử kỳ thi tốt nghiệp từ ngày 23/4. Đồng thời thông báo đến các em nếu có thắc mắc cần liên hệ với nhân viên phụ trách công nghệ thông tin của trường để được hỗ trợ. Thầy Đặng Đình Quý - Phó Hiệu trưởng cho biết, do thời điểm này nhà trường tổ chức cho học sinh kiểm tra học kỳ nên chưa kiểm soát được số lượng đăng ký thử. Tuy nhiên năm vừa qua, việc học sinh đăng ký thử kỳ thi tốt nghiệp cũng dễ dàng.

“Học sinh được phụ huynh trang bị thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh phục vụ học tập nên việc tiếp cận và thao tác nhanh chóng. Tất nhiên có một số trường hợp nhập không đúng sẽ được nhân viên phụ trách hướng dẫn từ xa để thao tác đúng. Ngoài ra học sinh có thể đến trực tiếp phòng của nhân viên phụ trách công nghệ thông tin để được hỗ trợ, nếu đông quá sẽ hướng dẫn trực tiếp trên thư viện trường”, thầy Quý cho hay.

Tương tự, tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM), mọi công tác liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT được nhà trường đặc biệt chú trọng. Từ ngày 26/4, nhà trường tổ chức tập huấn cho toàn thể học sinh khối 12 và giáo viên trong trường về việc đăng ký thử thi tốt nghiệp THPT. Quá trình triển khai nếu có khó khăn, học sinh chỉ cần liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để thông tin với bộ phận phụ trách hỗ trợ kịp thời.

Nguyễn Thị Phương Linh - học sinh lớp 12B3, Trường THPT Hướng Phùng cho biết: “Trước khi đăng ký dự thi thử trên hệ thống trực tuyến, chúng em được cô giáo nhắc nhở rà soát lại thông tin cá nhân có liên quan, viết vào sổ để tránh bị nhầm lẫn. Thầy cô cũng hướng dẫn, sau khi hoàn thành phiếu đăng ký, phải xuất phiếu sang file PDF, lưu lại trên email cá nhân để đối chiếu thông tin khi cần thiết”.

Học sinh Trường THCS – THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đăng ký thử trên hệ thống. Ảnh: Hồ Phúc

Học sinh Trường THCS – THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đăng ký thử trên hệ thống. Ảnh: Hồ Phúc

Hỗ trợ tối đa học sinh

Trường THPT số 2 Đức Phổ đã chia lịch để tập huấn cho học sinh đăng ký thử tại phòng Tin học của trường ngày 24/4. Mỗi đợt tập huấn gồm có học sinh của 2 lớp để hướng dẫn các bước thao tác đăng ký dự thi trực tuyến, rà soát dữ liệu từng em.

Đặc biệt, thầy cô giáo trong tổ hỗ trợ lưu ý học sinh cần thay đổi mật khẩu và bảo mật tài khoản cá nhân suốt thời gian đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Nếu nhiều em không có điện thoại di động hoặc máy quá cũ, tốc độ xử lý dữ liệu chậm, nhà trường sẽ mở cửa phòng Tin học để học sinh sử dụng đăng ký dự thi tại trường…

Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 Đà Nẵng thành lập tổ hỗ trợ để hướng dẫn, phổ biến các thao tác và một số điều cần lưu ý khi đăng ký dự thi trực tuyến. Trong đó, học sinh được nhắc nhở phải ghi sẵn ra giấy các thông tin cá nhân để đảm bảo sự chính xác khi nhập dữ liệu.

Ông Đinh Lương Y - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Rút kinh nghiệm năm 2023, học sinh thường hay nhầm mã trường, khu vực nên năm nay, Trung tâm chú ý nhắc nhở khâu này. Dữ liệu nhập thử và nhập chính thức của từng lớp sẽ được in ra để giáo viên chủ nhiệm rà soát, đối chiếu thông tin. Sau đó tiến hành kiểm tra chéo để tránh sai sót”.

Với thí sinh tự do, Trường THPT Hướng Phùng có thông báo trên website về thời gian đến trường để được hỗ trợ trong việc làm hồ sơ, thủ tục đăng ký. Trung tâm cử cán bộ trực để hướng dẫn các thao tác cho thí sinh tự do, đối chiếu, rà soát thông tin giữa hồ sơ giấy và dữ liệu phần mềm để đảm bảo sự chính xác.

Lê Vũ - học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 Đà Nẵng cho biết: “Đa số học sinh lớp 12 có điện thoại di động thông minh, thế nhưng thầy cô hướng dẫn nên hạn chế sử dụng điện thoại để làm thủ tục đăng ký trực tuyến. Vì có thể bấm nhầm vị trí các ô do điện thoại cảm ứng, dễ bị trượt tay.

Em thấy khuyến cáo này của thầy cô cần thiết vì một số bạn dùng điện thoại cũ nên tốc độ tải dữ liệu chậm. Với những bạn không có máy vi tính cá nhân, có thể đăng ký ngay tại phòng Tin học của Trung tâm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.