Phát triển kinh tế nhờ nghề truyền thống
Trước đây, gia đình chị Y Hoa (thôn Kon Jong, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum) sống dựa vào rẫy mì và tiền đi làm thuê, cuốc mướn. Cuộc sống cơ cực, chị Hoa luôn nung nấu quyết tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Khi thấy địa phương phát triển điểm du lịch, chị quyết định mang những sản phẩm bản sắc của người Xơ Đăng đến với mọi người. Bởi với bà con Xơ Đăng nơi đây, hương rượu ghè gắn bó với đời sống văn hóa từ nhiều đời qua.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, chị Y Hoa hiểu rất rõ quy trình chế biến rượu ghè. Chị thường xuyên cùng bà con ủ rượu, chuẩn bị cho các dịp lễ hội truyền thống, cưới hỏi, mừng nhà rông.
Có kiến thức làm rượu ghè men lá mà ông bà truyền lại, năm 2020 chị bắt tay vào làm, kinh doanh thức uống truyền thống này. Những ngày đầu, chị Hoa chủ yếu bán rượu ghè được nấu từ gạo và mì. Tuy nhiên do sản phẩm này quá đại trà, hầu như ở trong thôn nhà nào cũng tự nấu được nên không được ưa chuộng.
Chị Y Hoa tìm hiểu, học hỏi các sản phẩm ở địa phương khác thì nhận thấy rượu ghè nấu từ nếp than vừa thơm ngon lại bổ dưỡng nên muốn thử nghiệm. Do có kiến thức làm men lá nên chị học hỏi thêm cách nấu rượu từ nếp than. Thế nhưng những ghè rượu đầu tiên bị chua, hỏng.
Sau nhiều lần thất bại, chị Hoa cũng cho ra mẻ rượu ưng ý để nhờ bà con, họ hàng thưởng thức. Nhận được lời khen từ mọi người chị mới mạnh dạn sản xuất và kinh doanh mặt hàng này với tên gọi “Rượu ghè nếp than - men lá”.
Chị Hoa chia sẻ, nếp than nấu rượu là những hạt đầy đặn, mình mẩy, màu sắc bắt mắt. Sau khi máy hoặc giã bóc sạch trấu, hạt nếp được nấu lên nhưng không được chín hoặc sống quá. Nếp khi nguội được trộn với men ủ tầm 2 đêm. Những hỗn hợp trên được đưa vào ghè rồi bịt kín miệng, để ở nơi khô ráo. Ít nhất 2 tuần sau rượu nếp men lá mới hoàn thành và có thể uống được.
Sau một năm khởi nghiệp, thông qua khách hàng, mạng xã hội rượu ghè của chị Hoa được nhiều người biết đến. Những đơn hàng ngày một nhiều hơn nên chị bàn bạc với chồng chuyển đổi một phần đất ruộng trồng lúa sang trồng nếp than để tự cung, tự cấp. Từ đó tạo nguồn nguyên liệu ổn định và có chất lượng tốt nhất.
Năm 2021, 5 sào đất ruộng trồng lúa của gia đình được chuyển sang trồng nếp than. Không còn lo lắng về nguyên liệu, chị Hoa tăng năng suất nấu rượu ghè. Với giá bán 300.000 đồng/1 ghè 6 lít, 600.000 đồng/1 ghè 10 lít, mỗi tháng vợ chồng chị bán được từ 10-13 ghè rượu. Những dịp lễ, Tết hai vợ chồng bán từ 30-40 ghè rượu, thu về từ 15-20 triệu đồng.
Mô hình sản xuất rượu ghè thiết thực, hiệu quả và nhận được sự quan tâm động viên, hỗ trợ của Hội LHPN xã, huyện, năm 2022, chị Y Hoa đưa ý tưởng khởi nghiệp “Sản xuất rượu nếp than - men lá” tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo do Hội LHPN tỉnh tổ chức và giành được giải Khuyến khích. Sau cuộc thi, sản phẩm của chị Y Hoa được kết nối đến nhiều khách hàng, cuộc sống gia đình cũng ngày một khấm khá.
Nhằm tạo công ăn, việc làm cho chị em phụ nữ trong thôn và sản phẩm không bị “cháy hàng”, chị Hoa rủ mọi người cùng làm. Đa số chị em phụ nữ đều biết làm men lá và nấu rượu, nên việc truyền lại công thức nấu rượu nếp than khá thuận lợi. Từ đó, chị em phụ nữ thôn Kon Jong liên kết sản xuất rượu ghè nếp than men lá.
Liên kết kết sản xuất
“Tổ liên kết sản xuất rượu nếp than” tại thôn Kon Jong giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế, có cuộc sống ổn định. |
Nhận thấy mô hình của chị Y Hoa hiệu quả, mang lại công việc và thu nhập cho người dân, Hội LHPN xã Ngọc Réo tham mưu lên cấp trên và thành lập mô hình “Tổ liên kết sản xuất rượu nếp than” tại thôn Kon Jong vào tháng 9/2023.
Là thành viên đầu tiên tham gia tổ liên kết, chị Y Danh cho hay, từ khi làm cùng chị Y Hoa, gia đình được hỗ trợ giống lúa nếp than và công thức nấu rượu. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chị Y Danh trồng thêm 5 sào lúa nếp cẩm.
Theo chị Y Danh, vào những tháng lễ, Tết chị thường nấu từ 10-15 ghè rượu 6 lít/ghè để đưa chị Y Hoa cung cấp cho khách hàng. Mỗi lần như thế, chị được trả tiền theo đúng số lượng ghè rượu đã cung cấp, từ khoảng 3 - 4,5 triệu đồng. Nhờ đó gia đình chị có thêm nguồn thu nhập, cuộc sống ngày càng ấm no.
Chị Y Danh cũng tuyên truyền, vận động các chị em trong thôn cùng tham gia vào tổ liên kết để phát triển. Đến nay, mô hình “Tổ liên kết sản xuất rượu nếp than” ở thôn Kon Jong thu hút được hàng chục thành viên tham gia.
Chị Y Xoái – Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Réo cho hay, tổ liên kết đang hoạt động ổn định và hiệu quả. Mô hình này không chỉ giúp chị em phụ nữ có thêm nguồn thu nhập mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của dân tộc.
Thời gian tới, Hội LHPN xã tiếp tục đồng hành với tổ liên kết nhằm kịp thời hỗ trợ khó khăn cho chị em. Đồng thời, đơn vị tiếp tục tạo điều kiện kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm, như: đưa sản phẩm trưng bày tại phiên chợ nông sản sạch do huyện tổ chức, đăng bài tuyên truyền trên zalo, facebook của Hội… Từ đó, đưa nghề truyền thống của dân tộc đến gần hơn với khách hàng.