Lan tỏa cảm xúc tích cực

GD&TĐ - “Nếu được hỏi chỉ chọn cho con mình thành công hoặc hạnh phúc, là một người mẹ, tôi sẽ chọn cho con tôi hạnh phúc. Vì thế, tôi ủng hộ mục tiêu mang đến cho học sinh cảm giác hạnh phúc”, đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa – Hà Nội).

Cô Nguyễn Thị Hiền cùng học sinh Trường THPT Hoàng Cầu. Ảnh nhân vật cung cấp
Cô Nguyễn Thị Hiền cùng học sinh Trường THPT Hoàng Cầu. Ảnh nhân vật cung cấp

Hiểu nhau để gần nhau hơn…

Cô Hiền tâm sự: Trong bốn năm trở lại đây, cô liên tục được nhận lớp 12 để làm chủ nhiệm. Những lớp cô được nhận là lớp chọn của nhà trường, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là cô không gặp phải khó khăn…

Học sinh của lớp tự nhiên, phần lớn thông minh, nhanh nhẹn nhưng cũng không kém phần cá tính, cứng đầu. Cô cũng nhận khá nhiều lời cảnh báo của đồng nghiệp khi chuẩn bị đón lớp: “Chị ơi, năm ngoái chủ nhiệm lớp này em thấy rất căng thẳng, mệt mỏi. Năm nay, em nhẹ hẳn người vì không chủ nhiệm lớp ấy nữa”, “Em ơi, lớp ấy có bạn học sinh đặc biệt đấy...”.

Tiết học đầu tiên, cô Hiền không ôn tập kiến thức mà dành trọn thời gian để làm quen với các em. Cô phát cho mỗi em 1 tờ phiếu với nội dung: Con hiểu gì về bạn bên cạnh? Và con biết gì về cô? Trong đó có những thông tin gợi ý (các bạn sẽ lên bốc thăm, vào tên của bạn nào thì cung cấp thông tin về bạn đó, việc bốc thăm vào tên của bạn nào phải được bí mật)…Vậy là ngay sau tiết học đó, cô Hiền có lượng thông tin khá lớn về HS của lớp mình chủ nhiệm.

Cô đặc biệt quan tâm đến những học sinh cứng đầu, những học sinh có tính cách đặc biệt. Cô tìm hiểu về các em nhiều hơn những bạn khác, qua bạn bè cùng lớp, qua giáo viên đã dạy các em và qua chính những lần cô trò ngồi nói chuyện trực tiếp ....

Điều cô nhận ra rằng, tất cả đều có lý do, có em thì xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, từ việc thay đổi môi trường, điều kiện sống, có em xuất phát từ những mối quan hệ bạn bè… và quan trọng đằng sau sự cứng đầu khó bảo kia, đằng sau ánh mắt bất cần kia là những trái tim ấm để cảm nhận tình yêu thương từ những người xung quanh..

Giúp học trò thay đổi

Theo cô Hiền, mâu thuẫn lớn trong hành trình đi tìm “Tiết học hạnh phúc”, “Lớp học hạnh phúc” có lẽ là: Nếu nhân nhượng sẽ bị lấn tới, nếu dễ dãi, học sinh vui thích và quý thầy cô đấy nhưng sẽ không “nể sợ” và buông luôn trách nhiệm học tập.

Hơn 10 năm làm giáo viên chủ nhiệm, bản thân cô không ít lần gặp những “ca” khó của học sinh. Phạt học sinh thì dễ, nhưng làm thế nào để giúp học sinh đó thay đổi mới khó.

Cô Hiền kể lại câu chuyện xảy ra cũng chưa lâu, liên quan đến học sinh N.V.L. của lớp 12A1 do cô làm chủ nhiệm. “Trong một giờ kiểm tra, do không thuộc bài, L. cầm bài kiểm tra vò lại và vứt xuống ngay trước mặt tôi và miệng lẩm bẩm gì đó. Vẻ mặt của em tỏ rõ sự tức giận, khó chịu.

Trước hành động đó, tôi rất sốc. Ánh mắt tôi dừng lại nơi em, thái độ không đồng ý. Trong lòng vô cùng tức giận nhưng tôi cố gắng kiềm chế vì lúc đó em L. cũng đang rất tức giận, thiếu sự kiềm chế bản thân. Tôi không trách mắng và tiếp tục kiểm tra đến hết tiết học”.

Buổi chiều hôm đó, cô Hiền chia sẻ lên trang Facebook của lớp bài viết “Những mẩu chuyện nhỏ về sự kiềm chế khiến bạn phải giật mình”. Cô yêu cầu tất cả các thành viên của lớp 12A1 nên đọc. Cả tập thể lớp 12A1 cũng như em N.V.L. đều biết vì sao. Tối hôm đó, em L. đã nhắn tin xin lỗi cô giáo… Hiện tại, N.V.L. trở thành sinh viên ưu tú của Học viện Ngân hàng, và em không ngừng khoe với cô những kết quả mà em đã đạt được.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền
 Cô giáo Nguyễn Thị Hiền

Sai sót của học trò giống như “làm bài trắc nghiệm”

Cô Hiền tâm sự: “Nếu được hỏi chỉ chọn cho con mình thành công hoặc hạnh phúc, là một người mẹ, tôi sẽ chọn cho con tôi hạnh phúc. Vì thế, tôi ủng hộ mục tiêu mang đến cho học sinh cảm giác hạnh phúc. Nhưng thực tế, đó là điều rất khó khăn nếu như bản thân mỗi thầy, cô giáo khi đến trường cũng đều mang theo bao nỗi niềm, sự mệt mỏi, lo âu chán nản...”.

Theo cô Hiền, chúng ta cần có cái nhìn bao quát lớp, tìm hiểu hoàn cảnh học trò, có hành vi nhân ái, thương yêu, sẻ chia và phải cho học sinh cảm nhận được sự yêu thương của thầy cô. Với cô, sai sót của học trò giống như “làm bài trắc nghiệm”, tô bằng bút chì, sai thì sửa.

“Bản thân người thầy phải tự rèn mình, rèn tâm tính mình để làm sao có thể lan tỏa đến học sinh một trạng thái bình an. Lan tỏa nụ cười, đó là điều cần thiết nhất. GV chủ nhiệm vui vẻ, hòa đồng, tạo tâm lý thoải mái, tin cậy, dân chủ; thái độ vui vẻ của GV sẽ lan tỏa đến học sinh tâm lý “lớp mình sẽ có môi trường hạnh phúc””, cô Hiền chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ