Thay đổi để tạo môi trường hạnh phúc

GD&TĐ - Để tạo ra môi trường trường học hạnh phúc, trước tiên giáo viên phải là những người hạnh phúc, sau đó tạo ra hạnh phúc cho học trò, để tạo ra vòng tròn lan tỏa theo “vết dầu loang”. Ngành Giáo dục có nhiều thầy cô, lớp học hạnh phúc, xã hội sẽ hạnh phúc. 

Cô Lê Thị Thanh Nga và học sinh Trường THPT Bến Tre (Vĩnh Phúc)
Cô Lê Thị Thanh Nga và học sinh Trường THPT Bến Tre (Vĩnh Phúc)

Hạnh phúc từ những điều bình dị

Là nhân vật trải nghiệm của chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, cô Lê Thị Thanh Nga, giáo viên Trường THPT Bến Tre (Vĩnh Phúc) kể lại câu chuyện của mình: Trước đây, do áp lực về khối lượng chương trình giảng dạy, áp lực thành tích từ nhà trường, phụ huynh, khiến cô cảm thấy rất khó để đổi mới.

Trong lớp, cô Nga rất quan tâm đến từng học sinh, đặc biệt là những em có học lực yếu. Cô có thói quen đi từng bàn để kiểm tra và chỉ ra những lỗi sai của các em từ cách làm bài, chữ viết, giữ gìn sách vở.

Tuy nhiên, nhiều lần, cô nhận thấy nhiều em đã tỏ ra lo lắng, sợ sệt. Đặt câu hỏi về việc này, cô Nga cảm thấy có thể do mình thiếu sự hài hước, ít khi cười, thường xuyên căng thẳng, chưa giúp các em thư giãn và cảm thấy thoải mái.

Sau nhiều tháng kiên trì, cô Nga dần thay đổi được không khí lớp học, từ mối quan hệ “đối kháng” trở nên cởi mở, học sinh trong lớp sôi nổi hơn, cô khen ngợi, khích lệ các em nhiều hơn và sự tương tác giữa cô và học sinh cũng tốt hơn.

Để có được điều đó, cô Nga đã học cách chấp nhận những lỗi sai của học trò và tận tình hướng dẫn các em sửa sai thay vì cáu giận như trước. Cô cũng học cách lắng nghe để hiểu và giúp học trò học tập hiệu quả.

Quan trọng hơn, cô đang học cách sống hạnh phúc trong từng khoảnh khắc, học cách cảm nhận hạnh phúc từ những điều bình dị nhất như biểu cảm phấn khích và ánh mắt học trò sáng lên mỗi khi hiểu bài, hay một câu nói hồn nhiên, một cử chỉ yêu thương từ các em.

Sau nhiều trải nghiệm, cô Nga đã nhận ra, hạnh phúc đến từ những điều nhỏ bé và bình dị. Cô xác định, ngoài việc tạo dựng mối quan hệ yêu thương, hiểu biết giữa cô và trò, giáo viên phải thường xuyên tìm tòi, tự bồi dưỡng chuyên môn để ngày càng có nhiều tiết học tốt, thu hút được học trò.

Khi được hỏi về khái niệm trường học hạnh phúc, cô Nga cho biết, đó là một ngôi trường mơ ước mà ở đó cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh được yêu thương, hiểu, tôn trọng, có giá trị, an toàn. Trường học hạnh phúc sẽ giáo dục học sinh phát huy tối đa phẩm chất và khả năng của mình, trở thành công dân toàn cầu, học để biết, học để làm.

Trường THPT Bến Tre đang nỗ lực xây dựng môi trường thực sự hạnh phúc
 Trường THPT Bến Tre đang nỗ lực xây dựng môi trường thực sự hạnh phúc

Giáo viên phải là những người hạnh phúc

Thầy Nguyễn Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bến Tre cho biết: Sau khi xem chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, trong đó có sự tham gia của cô Lê Thị Thanh Nga, tất cả các giáo viên trong trường đã thay đổi nhận thức về tạo niềm hạnh phúc trong lớp học.

Nhà trường đã áp dụng hình thức “Đưa cảm xúc xã hội vào trong nhà trường”. Các thầy cô trong trường đều đã hình thành được nền nếp và làm tốt việc chia sẻ cảm xúc của mình cho học sinh một cách thành thật nhất, dám chấp nhận thay đổi mình để mong các em chia sẻ ngược lại.

Mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên trở nên gắn kết, thấu hiểu. Để áp dụng thành công mô hình, người quản lý, giáo viên đến trường phải có tâm thế hạnh phúc, từ đó sẽ tạo ra những cảm xúc tích cực cho học sinh.

Môi trường trường học hạnh phúc giúp giáo viên thực hiện công việc một cách nhẹ nhàng, không phải gồng mình trước những áp lực. Để tạo ra môi trường trường học hạnh phúc, trước tiên giáo viên phải là những người hạnh phúc, để tạo ra vòng tròn lan tỏa theo “vết dầu loang”. Mỗi thầy cô giáo phải hiểu được cảm xúc của mình, phải mạnh dạn thay đổi bản thân mới có thể giúp thay đổi học sinh.

Hiện nay, trước tình trạng bạo lực học đường có những diễn biến phức tạp, việc xây dựng trường học hạnh phúc là điều cần thiết. Nhưng để tạo ra một môi trường mà học sinh luôn cảm thấy đó như một gia đình, điều này phụ thuộc rất nhiều vào thái độ tích cực của mỗi giáo viên.

Khi các thầy cô thay đổi thì học sinh hạnh phúc. Khi học sinh hạnh phúc, có lớp học hạnh phúc và điều đó cứ thế được nhân rộng. Ngành Giáo dục có nhiều thầy cô, lớp học hạnh phúc, xã hội sẽ hạnh phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ