Cô Đình Thị Thủy, Trường THCS&THPT Phenikaa (Hà Nội) nhận định: Đáp án được Bộ GD&ĐT xây dựng một cách công phu, bám sát định hướng đổi mới của chương trình Ngữ văn 2018; đặc biệt là trong việc đánh giá năng lực đọc hiểu, tư duy phân tích và năng lực viết nghị luận của học sinh.
Cấu trúc đề và đáp án đảm bảo tính thống nhất giữa các phần (Đọc hiểu – Viết); hướng đánh giá mở, chấp nhận nhiều cách triển khai nếu hợp lý; cấu trúc đáp án khoa học, mạch lạc, giám khảo dễ áp dụng trong thực tiễn chấm bài.
“Đáp án của Bộ mang tính định hướng, nhấn mạnh việc giám khảo “giám khảo cần tập trung xem xét phương hướng và cách thức giải quyết vấn đề của thí sinh; chú ý đánh giá nội dung bài làm theo hướng mở, khuyến khích sáng tạo, tránh áp đặt, chú trọng tính thuyết phục của bài làm”. Cùng với yêu cầu chung là yêu cầu cụ thể giám khảo có cơ sở rõ ràng nhưng vẫn đảm bảo linh hoạt trong chấm bài thi của học sinh”, cô Đình Thị Thủy nhận định.
Tính phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Phân tích tính phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của đáp án, cô Đình Thị Thủy cho biết:
Đáp án thể hiện rõ tinh thần: lấy học sinh làm trung tâm, khuyến khích ý tưởng riêng, cách diễn đạt cá nhân, không gò bó máy móc.
Đáp án chú trọng đến khả năng nhận diện và giải quyết vấn đề sáng rõ, trọng tâm. Đặc biệt, trong phần đọc hiểu, đáp án ghi rõ: “Bài làm chỉ cần trả lời ngắn gọn, đúng yêu cầu trọng tâm của các câu hỏi đọc hiểu; chấp nhận cách trình bày gạch đầu dòng các ý cần nêu không cần dài dòng”.
Đây là điểm cộng cho đa số học sinh, các em không có sở trường về ngôn ngữ cũng có thể đạt điểm tối đa ở phần đọc hiểu. Phần Viết (đoạn nghị luận văn học và bài nghị luận xã hội) yêu cầu học sinh đáp trọng tâm vấn đề, cấu trúc của đoạn, bài nghị luận mà học sinh đã được học, rèn kĩ năng trong năm học.

Độ mở của đáp án
Điểm nổi bật nhất của đáp án của Bộ GD&ĐT năm nay, theo cô Đình Thị Thủy, là tính mở, linh hoạt, và khuyến khích sáng tạo được chú trọng nhiều hơn, đặc biệt với câu viết đoạn, bài văn.
Bộ GD&ĐT yêu cầu giám khảo đánh giá đúng, khuyến khích ý tưởng sáng tạo, cần chấm đúng đáp án nhưng vẫn phải chú trọng đến tính thuyết phục của bài làm chứ không được phép máy móc, cứng nhắc, đáp án chấp nhận học sinh chọn cách lập luận phù hợp với tư duy ngôn ngữ, năng lực, cá tính học thuật của mỗi học sinh.
Chia sẻ một vài ý kiến mong muốn được cải thiện, cô Đình Thị Thủy cho rằng, phần “sáng tạo” trong cả hai câu viết chỉ chiếm 0,25–0,5 điểm. Cần khuyến khích tính sáng tạo, tư duy học thuật, năng lực cá nhân của học sinh bằng cách mở rộng biên độ điểm cho phần này.
Cùng với đó, cụ thể hóa khung hướng dẫn tiêu chí tối thiểu hoặc lỗi trừ điểm để học sinh và giáo viên dễ hình dung hơn.
“Nhìn chung, đáp án của Bộ cho đề thi Ngữ văn năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới đảm bảo tính khoa học, sáng rõ, linh hoạt, giám khảo dễ áp dụng. Mong rằng, trong những năm tiếp theo, đáp án sẽ phát huy ưu điểm và tiếp tục cải tiến trong phân bố điểm cho phần sáng tạo, tư duy phản biện để khuyến khích sự phát triển năng lực học sinh nhiều hơn nữa”, cô Đình Thị Thủy chia sẻ.