Nâng 'chất' giáo dục bằng trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động giảng dạy, kiểm tra đánh giá, quản trị trường học… giúp đổi mới công tác quản trị.

Học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Hồng Bàng, Hải Phòng) trải nghiệm công nghệ thực tế ảo.
Học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Hồng Bàng, Hải Phòng) trải nghiệm công nghệ thực tế ảo.

Ấn tượng giờ học thông minh

Trong tiết học tìm hiểu kiến thức về Địa lý, cô Nguyễn Thị Thu Hồng - giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Hồng Bàng, Hải Phòng) sử dụng các thiết bị, phương tiện học tập hiện đại như máy tính bảng kết nối Internet, kính 3D; khai thác tư liệu từ kho học liệu số, ứng dụng bản đồ số để hướng dẫn học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập.

Việc ứng dụng AI trong lớp học giúp cô Hồng theo dõi tiến độ học tập học sinh, cung cấp các gợi ý học tập phù hợp và quản lý lớp học hiệu quả hơn. Các hoạt động thực hành sôi nổi, như việc áp dụng công cụ AI vào bài giảng và phân tích dữ liệu học tập, giúp cô trải nghiệm trực tiếp lợi ích của công nghệ này.

Trong khi đó, trong giờ dạy môn Khoa học Tự nhiên, mạch kiến thức Chất và sự biến đổi của chất, cô Hoàng Thị Vượng - giáo viên Trường THCS Đại Kim (Định Công, Hà Nội) đã áp dụng công nghệ ChatGPT để hỗ trợ học sinh lớp 7 tìm thông tin, giải thích kiến thức một cách chi tiết và mô phỏng được cấu trúc, quá trình hình thành liên kết hóa học một cách trực quan, sinh động.

Bên cạnh đó, cô sử dụng phần mềm Kahoot kiểm tra khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh thông qua phần thi trắc nghiệm nhanh, hướng dẫn học sinh sử dụng AI tạo bài hát, thơ, vè, bản đồ tư duy liên quan tới nội dung bài học, giúp các em có thêm cách ghi nhớ kiến thức một cách sáng tạo, hiệu quả.

Tại Trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội), lớp học không còn là không gian truyền thống với bảng đen và phấn trắng. Thay vào đó, AI được tích hợp vào từng tiết học, nội dung bài giảng. Các công cụ như trợ lý ảo, chatbot học tập, phần mềm nhận diện giọng nói... giúp giáo viên thiết kế nội dung học tập linh hoạt, tùy chỉnh theo năng lực và tiến độ từng học sinh.

Cô Vũ Minh Trang - giáo viên Trường THCS Nguyễn Du cho biết, sử dụng AI giúp tiết kiệm thời gian trong việc chuẩn bị bài giảng. Nhờ đó, cô có thể dành nhiều thời gian hơn để trao đổi, hỗ trợ học sinh một cách sát sao. Học sinh yếu được hướng dẫn chi tiết, các em khá giỏi có thể tiếp cận các nội dung nâng cao phù hợp với năng lực.

Không chỉ hỗ trợ trong nội dung, AI còn thay đổi vai trò của giáo viên, từ người truyền thụ kiến thức sang người đồng hành, định hướng. Theo cô Trang, hệ thống bài giảng tích hợp AI giúp học sinh dễ dàng ôn tập, tự học và theo dõi tiến bộ của mình. Giáo viên có công cụ để giám sát, điều chỉnh phương pháp dạy phù hợp với từng em.

Không dừng lại ở lớp học, Trường THCS Nguyễn Du còn mạnh dạn đưa AI vào các khâu quản lý giáo dục. Từ xây dựng thời khóa biểu thông minh, phân tích điểm số, đánh giá quá trình học tập từng học sinh cho đến theo dõi sĩ số, hành vi học đường, tất cả được số hóa và tự động hóa dưới sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo.

Bà Nguyễn Thu Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết, ứng dụng AI giúp quản lý nhà trường trở nên bài bản, minh bạch và hiệu quả hơn. Dữ liệu học tập được xử lý nhanh chóng, giúp giáo viên nắm bắt tình hình học sinh và đưa ra điều chỉnh kịp thời. Phụ huynh cũng dễ dàng theo dõi sự tiến bộ của con.

nang-chat-giao-duc-bang-tri-tue-nhan-tao-2.jpg
Giờ học của cô trò Trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Để giáo viên không sợ AI

Giáo dục thông minh là mô hình sử dụng công nghệ thông tin để thay đổi giáo dục với việc mở rộng thời gian, không gian, tài liệu học tập và phương pháp học tập. Vượt qua giới hạn bài giảng trên lớp thông thường, xây dựng mô hình trường học thông minh là đòi hỏi của ngành GD&ĐT Hà Nội và bước đầu có những kết quả từ một số nhà trường.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy đã mang lại nhiều lợi ích. Trong trường học thông minh, các lớp học thông minh được kết nối với thư viện số thông minh cho phép học sinh xem lại bài giảng trên lớp ngay khi kết thúc bằng các thiết bị như máy tính bảng, điện thoại di động PC.

Đặc biệt, công nghệ trí tuệ nhân tạo AI hỗ trợ khuyến nghị cá nhân hóa cho từng học sinh dựa trên nhận diện khuôn mặt giúp các em có thể dễ dàng sử dụng thư viện mà không cần thẻ. Giáo dục thông minh và trường học thông minh góp phần tạo nên thế hệ trẻ đáp ứng được các kỹ năng của thế kỷ 21 và nhu cầu nhân lực công nghệ cao cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Nhiều năm qua, ngành GD-ĐT TPHCM đã xác định AI là xu hướng công nghệ quan trọng và thí điểm nhiều chương trình tích hợp AI vào quản lý giáo dục và giảng dạy. Trong đó có 2 giải pháp thí điểm: Mô hình hỗ trợ học sinh tự điều chỉnh lộ trình học tập của mình; mô hình dự đoán, đề xuất nội dung, kiến thức học sinh cần được bổ sung.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, thành phố có nhiều thuận lợi khi đưa AI vào giáo dục với sự hỗ trợ đồng hành của nhiều doanh nghiệp. AI giúp giáo viên cá thể hóa quá trình dạy học, phân tích xu hướng dạy học, đưa ra giải pháp học tập tối ưu cho học sinh. Khi ứng dụng AI, học sinh được thỏa mình sáng tạo, chủ động học tập.

Đặc biệt, AI đưa các giải pháp giáo dục hiện đại đến với vùng khó, nhất là vùng ngoại thành, rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa trung tâm và ngoại thành… Bên cạnh đó, AI mở ra nền tảng đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học khi có sự hỗ trợ của công nghệ giúp việc giảng dạy tiếng Anh, dạy khoa học bằng tiếng Anh trở nên thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Sơn Hải - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, để ứng dụng tốt AI trong giáo dục trước hết cần nâng cao nhận thức cho quản lý, giáo viên, người học để hiểu đúng về AI. Khi đã hiểu đúng vai trò của AI trong giáo dục, người thầy sẽ không còn “sợ” AI mà thay vào đó hiểu rằng AI không thay thế được giáo viên mà chỉ là công cụ hỗ trợ, quyết định sử dụng AI do thầy và trò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa Hè đáng nhớ

Mùa Hè đáng nhớ

GD&TĐ - Quyên thầm nghĩ với nhịp sống hối hả của thời đại hình như trẻ em thành phố dần quên mất nghỉ hè là gì.

Quy trình tuyển sinh 'cồng kềnh' cản trở du học sinh tới Nhật Bản.

Nhật Bản 'lỡ nhịp' số hóa tuyển sinh

GD&TĐ - Trong bối cảnh già hóa dân số và nhóm sinh viên trong nước ngày càng thu hẹp, Chính phủ Nhật Bản đang đẩy mạnh chiến lược thu hút sinh viên quốc tế.