Sáng tạo cùng trẻ
Cô Trang trao đổi: Đặc điểm của trẻ ở lứa tuổi mầm non là học qua chơi, nên cô luôn chú ý đến việc xây dựng môi trường lớp học thật hấp dẫn với trẻ.
Cô và các đồng nghiệp thiết kế nhiều góc chơi phù hợp với nhu cầu của trẻ với màu sắc hài hòa, bắt mắt. Vị trí giá đồ chơi vừa tầm với của trẻ.
“Tôi tự thiết kế nhiều bộ đồ dùng, đồ chơi để phát triển tư duy logic, khả năng quan sát, nhận xét, đặc biệt phát triển các cơ nhỏ, rèn cho trẻ sự khéo léo, tỉ mỉ khi thực hiện thao tác chơi” - cô Trang chia sẻ.
Theo cô Trang, ở lứa tuổi mầm non, trẻ thường rất tò mò, ham hiểu biết nên cô luôn lưu tâm xây dựng nhiều hoạt động hướng tới nhu cầu của trẻ, lấy trẻ làm trung tâm. Trong các hoạt động phải tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, tương tác, giao lưu với bạn, với cô.
Đặc biệt là các hoạt động phải linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, để đa số trẻ có thể tham gia và thực hiện; Qua đó giúp trẻ tự tin, hào hứng trong mọi hoạt động với cô và các bạn.
Trong 16 năm giảng dạy, cô Trang có 5 năm chủ nhiệm lớp trẻ 3 - 4 tuổi. Cô cho biết, ở lứa tuổi này, trẻ còn đang học nói rõ từ, nói đủ câu nên để có thể kể chuyện hay diễn kịch là rất khó.
Khi cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học, cô nhận thấy, trẻ rất hứng thú, có biểu cảm rõ rệt cùng với các tình tiết, thái độ của nhân vật qua cách thể hiện, giọng kể của cô.
“Tôi đã thử mời trẻ lên kể cùng cô những câu chuyện quen thuộc, có nội dung đơn giản, lời thoại ngắn và dễ nói như: “Nhổ củ cải”, “Quả trứng đâu rồi?”… Mới đầu, trẻ còn rụt rè, cần sự giúp đỡ, động viên khi kể chuyện. Khi đã quen, các em rất thích thú và hào hứng” – cô Trang cho hay.
Cô Trang cho biết, xuất phát từ tâm lý trên, cô có ý tưởng xây dựng một tiết nhạc kịch cho trẻ 3 - 4 tuổi. Với lứa tuổi này, nhạc kịch có thể coi là rất khó. Nhưng cô đã tìm hiểu, chắt lọc những cái mới lại dễ gần, dễ hiểu với trẻ.
Cô sử dụng giai điệu của các bài hát quen thuộc, sáng tác những lời hát có ngôn từ đơn giản, lặp đi lặp lại. Nội dung của các vở nhạc kịch được chuyển thể từ những câu chuyện đã được nghe nhiều lần, các nhân vật trong vở nhạc kịch thường là các con vật gần gũi, dễ thương. Trẻ được hoá thân vào các nhân vật yêu thích, ca hát, nhảy múa, dạo chơi vào thế giới cổ tích, thần tiên.
Qua đó trẻ có cơ hội phát triển ngôn ngữ, trí tưởng tượng phong phú. Kết quả là, trẻ rất hào hứng, thích thú, say mê, bởi đó không những là hình thức mới mà còn phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
Tiết nhạc kịch dành cho trẻ 3 - 4 tuổi đã giúp cô Trang giành được giải cao nhất trong Hội thi giáo viên giỏi thành phố năm học 2018 - 2019. Đây cũng chính là điều cô tâm đắc nhất trong quá trình dạy học của mình.
Yêu trẻ bằng cả tấm lòng
Cô Trang cùng các con trong tiết nhạc kịch. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Chia sẻ về lớp học hạnh phúc đối với HS mầm non, cô Trang trao đổi: Trước tiên, giáo viên phải là những người có tâm, luôn coi trẻ như những đứa con của mình.
GV là người mẹ khi chăm sóc các con, là người bạn khi học, khi chơi cùng các con. Nếu làm được những điều đó thì chắc chắn, các con sẽ rất vui vẻ khi được đến lớp.
Nhớ lại kỷ niệm không quên, cô Trang chia sẻ: Năm thứ 2 khi mới bước vào nghề, lớp cô dạy có một bé trai rất xinh xắn và đáng yêu. Con thiệt thòi hơn so với các bạn vì bố mẹ li thân. Mẹ đi công tác nước ngoài nhiều nên con ở với bố. Con không vui vẻ hồn nhiên như những đứa trẻ 3 tuổi khác, lúc nào cũng ít nói, nhút nhát hơn các bạn.
“Không hiểu sao lại có tình cảm đặc biệt dành cho cậu bé này. Tôi nghĩ ngô nghê rằng “Nếu trời có sập thì vẫn phải che chở cho cậu bé đó đầu tiên”. Và tôi đã dành cho con một tình cảm, một sự quan tâm như một người mẹ. Cậu bé đã hòa đồng và vui vẻ hơn với các bạn.
Không hiểu sao, mẹ cậu bé dù ở phương xa lại biết những việc tôi làm cho con. Sau khi về nước, mẹ của cậu bé đã đến trường cảm ơn tôi. Chị ấy lại là một bác sĩ khoa Nhi vô cùng tài giỏi.
Sau này, chị ấy cũng chính là bác sĩ khám, chữa bệnh miễn phí và tận tình cho những đứa con của tôi. Mối quan hệ giáo viên - học sinh và phụ huynh của chúng tôi cứ thế tốt đẹp 16 năm nay” – cô Trang chia vui.
Tuy nhiên theo cô Trang, GV mầm non cũng có nhiều áp lực… Nhưng chỉ cần vững về chuyên môn, giàu tâm huyết thì những áp lực đó không phải là vấn đề lớn. Điều khiến cô và các đồng nghiệp luôn trăn trở và nặng lòng là áp lực từ phía phụ huynh.
“Nhiều phụ huynh không hiểu nên thường có những lời nói khiến chúng tôi bị tổn thương. Không hiểu hết công việc của giáo viên nên có những phụ huynh xem chúng tôi như những bảo mẫu hoặc là những người “bưng bô” cho trẻ.
Những lúc như vậy, tôi làm đủ mọi cách để xóa đi những hiểu lầm và nghi ngờ của phụ huynh. Bởi nếu sai mình sẵn sàng lắng nghe để sửa đổi. Nhưng nếu mình không sai thì cũng cần được phụ huynh nhìn nhận sự việc cho đúng bản chất” – cô Trang trải lòng và cho biết: Tâm nguyện lớn nhất của cô là được các con HS yêu mến, phụ huynh tin tưởng và đồng nghiệp sẻ chia trên mọi nẻo đường.