Những “bi kịch không được hiểu”
Cô Nguyễn Hồng Hạnh cho rằng: Người thầy mang trong mình sứ mệnh cao đẹp là người truyền thụ kiến thức, đưa các em đến với những chân trời tri thức mới. Hơn thế, nhiệm vụ của người thầy còn là xây dựng nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cho người học… Đó là một trách nhiệm vinh quang song cũng không kém thách thức. Vậy làm sao để bài dạy thu hút? Làm sao để học sinh hạnh phúc khi đến trường, đến lớp? Chắc chắn luôn là những câu hỏi đặt ra cho chúng ta.
Đứng trước mục tiêu thay đổi của giáo dục, với định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học, dựa trên kinh nghiệm thực tế của bản thân, cô Hạnh nhận thấy mình cần phải thay đổi phương pháp dạy học, mục tiêu giáo dục. Cô Hạnh kể: Trước đây, tôi áp ra mức kỷ luật thép bằng nội quy, quy định. Giảng dạy bằng việc nhồi nhét kiến thức mang tính học thuật, lý thuyết trên sách vở.
Ví dụ: Không học bài sẽ chép phạt bài đó 5 lần, nói chuyện, đi học muộn, vi phạm đồng phục sẽ bị phạt theo quy trình tăng cấp. Và ở mức cao hơn, cô sẽ gọi điện, gặp phụ huynh, gây thêm sức ép giáo dục từ phía gia đình. Khi các em vi phạm, cô chỉ biết áp dụng việc phạt, phạt và phạt…
Song, với việc phạt học sinh, điều đó không mang lại kết quả như mong muốn. Cô Hạnh nhận ra, phạt học sinh chỉ là sự thay đổi mang tính chất đối phó, thậm chí là thái độ xa lánh, bất mãn với cô. Những “bi kịch không được hiểu” xuất hiện… Và cô quyết định đi tìm giải pháp cho “bi kịch” của mình.
Cô giáo Nguyễn Hồng Hạnh. Ảnh: Trịnh Huyền |
Dạy bằng tình yêu
Sau những trăn trở, đi tìm đáp án, cô Hạnh nhận ra rằng, ai cũng có một trái tim để yêu thương, quan tâm, chia sẻ, đồng cảm và mong muốn được yêu thương, quan tâm, tôn trọng… Và cô quyết định thay đổi phương pháp dạy học mang tên: Dạy bằng tình yêu thương.
Cô Hạnh cho rằng, trái tim của người thầy trước hết phải biết thấu cảm mọi cảm xúc của người học, biết chia sẻ tình yêu bằng sự quan tâm, gần gũi với học sinh… Trái tim ấy phải hạnh phúc khi bước chân đến lớp. Với cô, lớp học với các em là một gia đình. Gia đình vui vẻ là gia đình hạnh phúc. Vì vậy, những câu nói hóm hỉnh, những tình huống hài hước sẽ đem lại hiệu quả cao.
Khi chạm đến trái tim người học, khi “bi kịch không được hiểu” của cô được giải quyết, không khí lớp học trở nên nhẹ nhàng. Mọi vấn đề quy định được đem ra bàn luận, điều chỉnh và thống nhất. HS tự chủ trong nhiệm vụ học tập và rèn luyện của mình. Và nếu có vi phạm, HS phải tự giác chấp nhận kỷ luật đã đưa ra.
Tuy nhiên, mỗi cá nhân là một cá tính. Vì vậy, cô cũng linh hoạt trong xử lý để HS vừa không coi thường kỷ luật, vừa thấy cách xử lý của cô thấu tình đạt lý. Thậm chí, nhiều khi lấy tập thể để “trị” cá nhân.
Cô kể lại, có một lần, theo quý định của cô, HS không chép bài cuối giờ sẽ ở lại, cô đóng dấu để chép bù. Nhưng một HS trong lớp cố tình ngồi lại nhưng không chép. Cô đã quyết định yêu cầu cả tổ ngồi lại đợi bạn, vì bạn là một phần của tổ, khi nào bạn chép xong bài mới được về. Và sau một lúc suy nghĩ, HS đó đã xin cô cho các bạn về và tự giác ở lại.
Học bằng trái tim - con đường ngắn nhất dẫn đến thành công
Việc giáo dục học sinh trẻ là hành trình rất vất vả, nhưng cũng đem lại nhiều niềm vui và hạnh phúc lớn lao. Tuy nhiên, để tìm được niềm hạnh phúc đó với những người thầy, chưa bao giờ là dễ dàng nếu không dành nhiều tâm huyết, tình thương, yêu cho trẻ.
Theo cô Hạnh, khi học sinh có tiến bộ, cô cũng không tiếc những lời động viên, khen ngợi để HS thêm động lực. Đặc biệt đối với HS có cá tính mạnh, cô thấy việc được tạo cơ hội, giao công việc phù hợp và được khẳng định, đánh giá có một ý nghĩa lớn. Các em có thể đạt được những thành tích mà bố mẹ và thầy cô không ngờ tới nếu giáo viên thay thế dọa nạt và kỷ luật bằng kiến thức tin tưởng và lòng yêu thương.
Đặc biệt, khi dạy bằng tình yêu, HS cũng học bằng trái tim. HS của cô tập trung hơn trong tiết học, tương tác tốt với bài giảng, giờ dạy trở nên hứng thú, vui vẻ. Các em bắt đầu có nhu cầu được chia sẻ những bí mật với cô, và cô đã cảm nhận được niềm vui đúng nghĩa của một người mẹ thứ hai của các con sau những giờ trên lớp.
Kết quả học tập cũng dần được nâng cao. Học bằng trái tim giúp các em mong muốn, tự tin khi đến lớp, có ý thức nỗ lực để hoàn thiện bản thân, có nhu cầu xây dựng, gìn giữ hình ảnh lớp học của mình.
Theo cô Hạnh, học bằng trái tim là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công. Đó cũng là hành trình các con tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc. Niềm hạnh phúc của cá nhân sẽ lan tỏa tạo nên những lớp học hạnh phúc.