Tôn trọng sự khác biệt
Bình thường một lớp có vài học sinh quậy phá, giáo viên đã vất vả. Còn ở Trường Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội), có tới 60% học sinh yếu kém văn hóa, 20% học sinh bị các trường khác xếp loại yếu kém về đạo đức, các thầy cô đã làm những gì để có thể dạy các em thành người tốt?
Trả lời câu hỏi này, nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm kể câu chuyện: Có một học sinh, bố mất sớm, mẹ bán hàng nước nuôi em ăn học. Bà chắt chiu mua cả xe máy cho con, nhưng cậu ta lại cắm xe để lấy tiền ăn chơi. Cô chủ nhiệm nhắc nhở, em cãi lại. Cô gọi mẹ em đến và đưa cậu học sinh tới phòng hiệu trưởng để trả về gia đình.
Thầy Lâm gặp học sinh này và bảo: “Mẹ sống được là vì con, nếu con ngoan, con học đến nơi đến chốn, mẹ con sẽ không khổ như bây giờ. Con có 2 lựa chọn, một là cứ ăn chơi, quậy phá, không suy nghĩ học hành gì. Lúc đó, Trường Đinh Tiên Hoàng không thể chấp nhận, con sẽ bị đuổi học và mẹ sẽ rất buồn. Ngược lại, nếu con học hành tử tế thì mẹ con sẽ khác. Bây giờ vấn đề dạy con mới khó, chứ đuổi con thì quá dễ. Thầy cho con một ngày về suy nghĩ”.
Hôm sau, cậu HS nọ cam kết với cô chủ nhiệm là sẽ thay đổi. Năm học đó, với quyết tâm tự thay đổi, em đã tốt nghiệp và đỗ 2 trường đại học.
Cuối câu chuyện, thầy Lâm đúc rút: Việc giáo dục con người rất tỉ mỉ. Giáo viên phải tác động được chính bản thân học trò. Phải tìm nhiều cách, cách nào phù hợp với học sinh. Cách của thầy Lâm là luôn tôn trọng học sinh, kể cả sự riêng biệt của các em. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chưa một lần thầy Lâm than phiền và kiên quyết không cho ai gọi những học trò của mình là “cá biệt”, bởi thầy luôn tâm niệm: “Không có học sinh cá biệt, chỉ do học trò cá tính”.
Học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng trong một buổi tư vấn tâm lý. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Yêu thương học sinh như con
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng quyết định xây dựng Lớp học hạnh phúc từ năm học 2018 - 2019. Nhà trường không đưa ra tiêu chuẩn hoặc chỉ tiêu của lớp học hạnh phúc một cách cứng nhắc mà chỉ đưa ra một số yêu cầu.
Đó là: Có kế hoạch việc làm cụ thể để xây dựng một lớp học đoàn kết, thân thiện, quan tâm giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Các thầy cô cần giúp đỡ cho mỗi học sinh tự nhận ra giá trị sống hạnh phúc của bản thân mỗi người là gì, làm thế nào để thực hiện nó, có kế hoạch gì để giải quyết những khó khăn trở ngại ở mỗi người.
Việc quan trọng tiếp theo là Ban giám hiệu và các thầy cô thường xuyên biểu dương, khích lệ những việc làm tốt của mỗi thành viên, mỗi nhóm, tổ trong lớp; nhất là những việc làm để cha mẹ hạnh phúc và thầy cô hạnh phúc.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm tâm sự: “Để học sinh thực hiện được điều này, chúng tôi yêu cầu thầy trò trao đổi, xác định giá trị hạnh phúc trong cuộc sống của mỗi người là gì; để có được những giá trị hạnh phúc đó, mỗi người phải tuân thủ những quy luật, nguyên tắc nào…
Khảo sát cuối năm học, có 64,2% học sinh cho rằng mình đã cảm thấy hạnh phúc trong lớp học. Xây dựng lớp học hạnh phúc, chúng tôi đã giúp các lớp học có kỷ luật, tự giác, đoàn kết thực hiện những hoạt động tập thể tốt hơn. Quan trọng là điều chỉnh hành vi cho học sinh có cá tính hiệu quả hơn”.
Anh Nguyễn Văn Tùng, một phụ huynh học sinh, cho biết, sau 3 năm học ở trường, con anh đã thay đổi rõ rệt, học lực tốt hơn, đã thi đỗ vào trường đại học và quan trọng là cháu cảm thấy rất hạnh phúc khi được đến trường.