Trang bị kiến thức ứng phó sóng thần trong trường học

GD&TĐ - Gần 500 học sinh, giáo viên và nhân viên Trường THCS Thái Phiên (Quảng Nam) được tham dự buổi diễn tập ứng phó sóng thần nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình trước những mối hiểm họa từ tự nhiên

Trang bị kiến thức ứng phó sóng thần trong trường học

Ngày 2/11, Hưởng ứng Ngày Thế giới nâng cao nhận thức về sóng thần, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã tổ chức buổi diễn tập ứng phó sóng thần cho gần 500 học sinh, giáo viên và nhân viên trường THCS Thái Phiên, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Tham dự buổi diễn tập có đại diện của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, UNDP, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam, Bộ đội biên Phòng tỉnh, Hội chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ tỉnh, Đoàn thanh niên tỉnh, và lãnh đạo các huyện ven biển.

Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu tác động bởi thiên tai, trong đó các loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, lũ quét và sạt lở đất xảy ra thường Xuyên và gây Thiệt hại nghiêm trọng nhất. Trong vòng hai thập kỷ qua, trung bình mỗi năm, thiên tai tại Việt Nam đã làm chết và mất tích gần 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP.

Theo Viện Vật lý địa cầu nếu xảy ra động đất tại đới đứt gãy Manila, Philippines, sẽ có khả năng xảy ra sóng thần và khoảng 2 giờ sau thời điểm xảy ra động đất, các đợt sóng thần sẽ ảnh hưởng đến 13 tỉnh, thành phố ven biển miền Trung của Việt Nam, trong đó có Quảng Nam.

Để chủ động ứng phó nguy cơ xảy ra sóng thần, Việt Nam đã từng bước đầu tư xây dựng các trạm cảnh báo thiên tai đa mục tiêu (trong đó có cảnh báo sóng thần).

Đến nay, đã hoàn thành xây lắp các trạm này tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quy trình khai thác, vận hành thí điểm hệ thống trực canh, cảnh báo nêu trên, trong đó có Quy trình cảnh báo sóng thần.

Ông Nguyễn Trường Sơn- Phó Chánh Văn phòng thường trực, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết: Trẻ em, những người chủ tương lai của đất nước, đang là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước thiên tai.

Các em cần được trang bị kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình trước những mối hiểm họa từ tự nhiên. Ứng phó với rủi ro thiên tai trong đó có sóng thần nên được lồng ghép trong chương trình giảng dạy của các trường học ở tất cả các cấp tại các xã ven biển miền Trung",

Năm 2018, với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã triển khai thành công các lớp tập huấn và diễn tập nâng cao nhận thức rủi ro sóng thần, thiên tai cho hơn 5500 học sinh, giáo viên tại 5 trường thuộc 4 tỉnh ven biển Việt Nam.

Bà Sitara Syed- Phó trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: Diễn tập ở trường học đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc giảm tác động của sóng thần và các thiên tai khác.

Điều quan trọng là không được chủ quan với loại hình thiên tai này; và đặc biệt là cần có một kế hoạch ứng phó với sóng thần tại trường học, trong đó cần làm rõ ai làm gì và khi nào cần làm gì. Đồng thời, cần có các cuộc diễn tập thường xuyên để kiểm tra kế hoạch này và để nâng cao nhận thức và tăng cường kỹ năng cho học sinh và giáo viên".

Chiến dịch "Trường học của Sơn Tinh" là một hợp phần quan trọng trong "Dự án Tăng cường Phòng ngừa và Ứng phó với sóng thần cho Trường học" do Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho 18 nước Châu Á - Thái Bình Dương: Bangladesh, Campuchia, Fiji, Indonesia, Malaysia, Maldives, Myanmar, Pakistan, Papua New Guinea, Philipines, Samoa, Quần đảo Solomon, Sri Lanka, Thái Lan, Timor Leste, Tonga, Vanuatu và Việt Nam.

Dự án này giúp đạt được các mục tiêu của khung Sendai về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nhằm giảm số người chết, số người bị ảnh hưởng và thiệt hại về kinh tế do các nguy cơ từ tự nhiên và con người gây ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ