Vì môi trường xanh - sạch - đẹp
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ, hiện nay nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong bảo vệ môi trường đã được các vị chức sắc tôn giáo khởi xướng và triển khai. Nổi bật như các phong trào: Giáo xứ, cơ sở thờ tự “Xanh, sạch, đẹp”.
Cộng đồng, tổ đoàn kết, tổ tự quản tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các gia đình. Mặt khác, hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự, tham gia vệ sinh môi trường vào thứ 6 hàng tuần. Giáo dân tham gia thu gom, phân loại rác thải, bao bì, vỏ chai nhựa…
“Qua khảo sát của tổ chức độc lập, tỷ lệ người dân quan tâm đến quản trị, bảo vệ môi trường tăng từ 69% năm 2017 lên đến 74% năm 2018. Tỷ lệ người dân quan ngại về vấn đề môi trường đã giảm từ 12% năm 2017 xuống khoảng 7% năm 2018.
Sự lo lắng của người dân về môi trường từ thứ 2 năm 2016, xuống thứ 5 năm 2018. Đây là các chỉ số đánh giá một cách khách quan những kết quả, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp to lớn của các tổ chức tôn giáo, trong những năm qua”, ông Trần Hồng Hà cho biết.
Thời gian qua, Phật giáo Việt Nam luôn coi trọng việc nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, kêu gọi hạn chế dùng năng lượng phát thải ô nhiễm hoặc làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Tiêu biểu như tại thành phố Cần Thơ trong 4 năm qua, 12 tôn giáo trên địa bàn với gần 500.000 tín đồ đã tích cực tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhóm giải pháp
Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động, tích cực bảo vệ môi trường là nhóm giải pháp mà các tổ chức tôn giáo nước ta đã và đang hướng tới.
Thứ nhất, các tôn giáo tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong cộng đồng, tín đồ, tổ chức tôn giáo.
Trang bị kiến thức, tri thức, kinh nghiệm và nhân rộng, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến cộng đồng giáo dân, tổ chức tôn giáo phù hợp với điều kiện cụ thể. Trong đó, chú trọng phát hiện và nhân rộng các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn phục vụ tái chế, tái sử dụng. Hạn chế và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.
Thứ hai, lồng ghép xây dựng ý thức, nếp sống, văn hoá bảo vệ môi trường vào giáo dục đạo đức tôn giáo trong cộng đồng dân cư vì cuộc sống hạnh phúc của cộng đồng và lợi ích của xã hội.
Vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức tôn giáo trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật.
Thứ ba, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, ngăn ngừa việc lợi dụng vấn đề môi trường để chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, gây rối an ninh trật tự.
Tuy nhiên, rất cần giải pháp đồng bộ từ chính sách, đến hành động của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội.