Vai trò của Công đoàn trong trường học:

Trân trọng ý kiến đóng góp xây dựng quy chế của công đoàn viên

GD&TĐ - Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, công đoàn viên ở mỗi nhà trường cũng được góp tiếng nói trong xây dựng quy chế hoạt động đơn vị...

Công đoàn và Ban giám hiệu Trường THPT Kim Ngọc ký giao ước thi đua vào đầu năm học.
Công đoàn và Ban giám hiệu Trường THPT Kim Ngọc ký giao ước thi đua vào đầu năm học.

Đóng góp ý kiến công khai

Trao đổi về vấn đề này, cô Bùi Thị Phi – Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu, Nam Định) cho biết, đầu mỗi năm học, công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với chính quyền chỉ đạo, hướng dẫn các tổ công đoàn tham gia lấy ý kiến góp ý, xây dựng quy chế thực hiện dân chủ cơ sở của cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) trong toàn trường. Thông qua hội nghị CBNGNLĐ hằng năm, quy chế được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế nhà trường và nguyện vọng người lao động.

Hội nghị CBNGNLĐ được triển khai kỹ lưỡng từ cấp tổ đến trường. Phát huy quyền làm chủ, công đoàn viên sẽ thảo luận, góp ý về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động; đồng thời kiến nghị, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện quy chế, quy định trong công tác quản lý, điều hành tại đơn vị. Nhân dịp này, công đoàn sẽ phối hợp với thủ trưởng cơ quan đánh giá kết quả phong trào thi đua năm học trước và ký kết Giao ước thi đua năm học mới.

Cũng theo cô Phi, mỗi năm, công tác đối thoại định kỳ với hiệu trưởng được tổ chức nhằm phát huy tinh thần công khai, dân chủ trong nhà trường. Công đoàn đã phát huy tốt vai trò làm cầu nối để đưa ý kiến công đoàn viên đến hiệu trưởng và tìm ra giải pháp phù hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ chung nhà trường. Ngoài ra, trong các cuộc họp giao ban và họp Hội đồng sư phạm hằng tuần, CBNGNLĐ cũng tham gia ý kiến về hoạt động dạy học, công tác chuyên môn…

Ngoài trao đổi trực tiếp qua các cuộc họp, đối thoại định kỳ và hội nghị CBNGNLĐ nhà trường, công đoàn viên có thể đóng góp ý kiến qua email cho Ban chấp hành Công đoàn và lãnh đạo nhà trường; gửi tâm tư nguyện vọng vào Hòm thư góp ý. Công đoàn luôn xác định rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ từng tổ chức, cá nhân. Ban chấp hành Công đoàn phân công trách nhiệm rõ ràng, coi trọng dân chủ, tôn trọng tiếp thu ý kiến đoàn viên.

“Công đoàn cùng tham mưu với nhà trường việc xây dựng kế hoạch năm học, phân công chuyên môn. Phát động và tổ chức cho toàn thể cán bộ đoàn viên xây dựng kế hoạch năm học, lấy ý kiến, đàm thoại trực tiếp thông qua hội nghị công, viên chức đầu năm học, thống nhất về chỉ tiêu, phương hướng, biện pháp. Công đoàn cũng tham mưu với nhà trường khen thưởng, động viên kịp thời những điển hình tiên tiến, theo dõi giúp đỡ và chấn chỉnh kịp thời những sai phạm”, thầy Nguyễn Hải Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Xuân nói thêm.

Với gần 100 cán bộ, giáo viên, nhân viên, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) có nhiều đổi mới trong hoạt động của tổ chức công đoàn. Cô Nguyễn Thị Hằng Nga – Chủ tịch Công đoàn trường cho hay, được sự quan tâm và đồng hành từ ban giám hiệu nên việc chăm lo đời sống, chế độ cho công đoàn viên tại đơn vị luôn đảm bảo. Nhà trường đã hỗ trợ để xây dựng khu bếp ăn, phòng nghỉ với đầy đủ trang thiết bị để CBGVNLĐ có thể sử dụng và giao cho công đoàn trực tiếp quản lý.

Cô Nguyễn Thị Hằng Nga – Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Hoài Đức B, Hà Nội.

Cô Nguyễn Thị Hằng Nga – Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Hoài Đức B, Hà Nội.

Kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ, chính sách

Theo cô Hằng Nga, Công đoàn nhà trường công khai tất cả chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng quy chế thi đua và chi tiêu nội bộ để công đoàn viên cùng góp ý. Trường cũng xây dựng đội ngũ hỗ trợ các thầy cô đi thi giáo viên giỏi cấp cụm, thành phố. Trường chú trọng vào các chuyên đề phương pháp giảng dạy, nhất là Chương trình GDPT 2018. Công đoàn cũng đầu tư hơn vào hoạt động thể chất, tinh thần cho CBGVNLĐ. Trường thành lập nhiều câu lạc bộ: Khiêu vũ, cầu lông, bóng bàn để thầy cô có thể luyện tập ngoài giờ.

Tại Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc), cô Phan Thị Hằng Hải – Hiệu trưởng cho biết, vai trò của công đoàn trong phát huy tiếng nói dân chủ tại nhà trường được thực hiện sâu sát ở nhiều khía cạnh. Trong đó, công đoàn phối hợp với nhà trường lấy ý kiến xây dựng, triển khai nội dung quy chế, quy định, kế hoạch giáo dục đến toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động toàn trường về việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, tổ chức hoạt động giáo dục; xây dựng cơ sở vật chất.

Cô Đỗ Thị Minh Thúy - Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Kim Ngọc nhấn mạnh, công đoàn phối hợp với lãnh đạo nhà trường tổ chức hội nghị cán bộ, viên chức và người lao động để phát huy quyền làm chủ, thực hiện nghĩa vụ công dân, cử đại diện tham gia hội đồng xét và giải quyết quyền lợi, cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống cán bộ, viên chức và người lao động.

Công đoàn thực hiện kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật, bảo đảm thực hiện quyền lợi của cán bộ, viên chức và lao động thông qua Ban Thanh tra nhân dân. Tổ chức vận động cán bộ, giáo viên và người lao động tham gia phong trào thi đua yêu nước; thực hiện nghĩa vụ; quản lý nhà trường, cải tiến lề lối làm việc và thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Là cơ sở giáo dục đại học có quy mô hơn 900 cán bộ, viên chức, người lao động, Trường ĐH Ngoại thương luôn tạo mọi điều kiện để công đoàn viên được phát huy tiếng nói dân chủ từ cơ sở dưới nhiều hình thức. Thầy Phùng Mạnh Hùng – Chủ tịch Công đoàn chia sẻ, trường có kế hoạch hoạt động hằng năm bao gồm những đầu việc chính, trong đó có chăm lo đời sống cho công đoàn viên vào dịp 8/3, 20/10, 20/11, Tết Nguyên đán, đầu xuân, nghỉ hè cho CBGVNV, tọa đàm chuyên môn…

“Việc góp ý cho các quy chế, quy định của trường dành cho CBNGNLĐ luôn được thực hiện đồng thời qua kênh Đảng, Đoàn và chính quyền. Bất cứ văn bản nào trước khi ban hành rộng rãi đều xin ý kiến từ cấp nhỏ nhất và công đoàn góp ý. Sau đó sẽ có tổ thư ký tổng hợp các ý kiến, nhất là nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ, phúc lợi xã hội, chế độ làm việc của viên chức, người lao động. Tính dân chủ được đảm bảo xuyên suốt trong các hoạt động của nhà trường”, thầy Phùng Mạnh Hùng nhấn mạnh thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ