Thời gian của giáo viên hợp đồng không đủ để đóng công đoàn phí theo quy định nên kinh phí hoạt động eo hẹp, ảnh hưởng tới hiệu quả, chất lượng…
Co kéo để hoạt động
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) có 40 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Trong số này, chỉ 19 người trong biên chế, còn lại là lao động hợp đồng.
Thầy Nguyễn Ngọc Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn cho biết: “Theo Điều lệ Công đoàn, những lao động hợp đồng có thời gian làm việc tại đơn vị từ 6 tháng trở lên mới tham gia tổ chức công đoàn. Vì vậy, thời gian đóng công đoàn phí của người lao động còn lại rất ít.
Chưa kể lao động được ký hợp đồng theo từng năm học nên một số người có tâm lý không muốn tham gia tổ chức công đoàn, nhất là giáo viên chưa lập gia đình. Số người tham gia công đoàn ít, thời gian đóng phí của hợp đồng lao động lại ngắn. Vì vậy, nguồn quỹ công đoàn của nhà trường rất eo hẹp”.
Dù số người tham gia đóng công đoàn phí ít, nhưng quan điểm của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Leng là quyền lợi của người lao động như nhau. Vì vậy, những dịp lễ, Tết, Ngày Nhà giáo Việt Nam, Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6…, công đoàn trường không phân biệt lao động biên chế hay hợp đồng.
“Đây là sự động viên tinh thần với người lao động. Dù giáo viên hợp đồng hay biên chế thì khối lượng công việc như nhau, không giảm bớt đầu việc nào. Trong khi đó, lương giáo viên hợp đồng thấp hơn nhiều so với biên chế nên chúng tôi không có sự phân biệt trong các hoạt động phúc lợi”, thầy Ngọc Nghĩa khẳng định.
Vì quỹ công đoàn eo hẹp, cô Lưu Thị Nghĩa - Chủ tịch Công đoàn Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) cho biết, gần như nguồn quỹ chỉ đủ chi thăm hỏi ốm đau, tổ chức hoạt động Tết Thiếu nhi, Trung thu cho con em người lao động. Các hoạt động khác như đại hội công nhân viên chức, gặp mặt tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam, quà Tết Nguyên đán… đều có sự chia sẻ kinh phí tổ chức từ nhà trường.
Thầy Bùi Quang Ngọc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Leng nhẩm tính, mỗi năm, nhà trường được cấp khoảng 165 triệu đồng từ ngân sách cho khoản chi khác, gồm cả tiền điện, công tác phí, tu bổ cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện dạy học, hoạt động ngoài giờ, chuyên môn.
Chừng ấy cho mọi hoạt động của một trường học địa bàn vùng khó, lại không thể huy động được nguồn lực hỗ trợ từ phụ huynh thì còn thiếu chứ không thể dư ra đồng nào để gọi là tiết kiệm chi. Vì vậy, để hỗ trợ chi phí cho hoạt động của tổ chức công đoàn, nhà trường và công đoàn phải tính toán sát sao trên tinh thần tiết kiệm tối đa.
Đồng phục của cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) từ nguồn hỗ trợ của CLB Ong vàng. Ảnh: NTCC |
“Bài toán” chăm lo đời sống người lao động
Có thời gian, để tăng thêm nguồn quỹ hoạt động, Công đoàn Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập tổ chức tăng gia nuôi lợn, gà, trồng rau rồi cung ứng lại cho bếp ăn bán trú nhà trường. “Nguồn thu từ hoạt động này, chúng tôi để dành tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đi tham quan, giao lưu dịp hè mà không phải đóng góp thêm kinh phí. Thế nhưng sau hai đợt dịch lợn tai xanh thì hết “vốn” mua con giống nên đành dừng lại”, cô Lưu Thị Nghĩa cho hay.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập có 11 điểm trường. Trong đó, chỉ có điểm trường chính ở trung tâm xã và điểm Tắk Rối có điện lưới quốc gia.
Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Lê Huy Phương: “Để cải thiện điều kiện sinh hoạt của thầy, cô giáo tại điểm trường lẻ, nhà trường đã huy động xã hội hóa từ các câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện để trang bị đèn năng lượng mặt trời”. Hiện có 2 điểm trường là Lăng Lương, Tắk Pổ có giàn điện năng lượng mặt trời công suất lớn. Các điểm trường còn lại, đều được trang bị đèn tích điện để giáo viên có thể soạn bài vào buổi tối.
Từ nguồn quỹ của công đoàn và góp thêm của nhà trường, mỗi năm vào dịp Tết Nguyên đán, giáo viên Trường Mầm non Lý Sơn (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) nhận được suất quà trị giá khoảng 200 nghìn đồng/người. Nhỉnh hơn một chút, suất quà Tết của giáo viên của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam) trị giá khoảng 300 nghìn đồng.
Trong số này, nhà trường đã cân đối ngân sách từ khoản chi thường xuyên để hỗ trợ 200 nghìn đồng/người, 100 nghìn từ nguồn quỹ công đoàn. Quà Tết mà giáo viên nhận được thường là nhu yếu phẩm thiết thực như dầu ăn, mì chính, hạt dưa, mứt, bánh kẹo.
Thầy Bùi Quang Ngọc chia sẻ: “Từ mối quan hệ cá nhân, nhiều giáo viên đã kêu gọi nhà hảo tâm, tổ chức để có thêm nguồn quỹ hỗ trợ cho học sinh hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn với mong muốn các em không phải bỏ học để phụ giúp kinh tế cho gia đình. Vì vậy, mọi nguồn lực nhận được, chúng tôi đều tập trung ưu tiên cho học trò”. Tuy nhiên, bên cạnh hỗ trợ cho học sinh, nhiều cá nhân, tổ chức đã hỗ trợ để cùng công đoàn nhà trường chăm lo đời sống tinh thần giáo viên vùng khó.
Từ vài năm nay, cùng với huy động nguồn lực hỗ trợ nhà trường chăm sóc học sinh, CLB Ong vàng (Hội An, Quảng Nam) đã đồng hành với Công đoàn Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Leng trong nhiều hoạt động.
Vào dịp 20/11, Tết, CLB gửi một ít kinh phí, tặng đồng phục cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, gửi thêm quà Tết cho thầy cô. “Với trường học ở địa bàn vùng khó, những chia sẻ này đã góp phần “tiếp lửa” cho thầy, cô giáo bám trường, lớp. Họ hiểu rằng, những khó khăn và sự hy sinh thầm lặng của mình dành cho học sinh được cộng đồng ghi nhận”, thầy Ngọc bày tỏ.
Thầy Bùi Quang Ngọc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Leng nhận xét: Từ khi không còn sinh hoạt cùng tổ chức Công đoàn ngành Giáo dục mà chuyển về trực thuộc Liên đoàn Lao động huyện, chất lượng sinh hoạt công đoàn của các trường học không được như trước. Những kiến nghị của công đoàn trường học gần như chỉ được ghi nhận và không có sự điều chỉnh, thay đổi sau đó. Công tác thi đua, khen thưởng rất thiệt thòi, không đảm bảo theo tỷ lệ 15% số công đoàn viên như trước.
“Ngay như năm 2020, khi Trà Leng và Trà Vân xảy ra trận sạt núi kinh hoàng với nhiều đau thương, mất mát thì chúng tôi vẫn đóng góp quỹ thiên tai bão lũ; nhiều thầy cô bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhưng không nhận được sự hỗ trợ từ quỹ này, chỉ có sự hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội” - thầy Ngọc nói.