Công đoàn trong trường học: Hướng về cơ sở để hiểu, tổ chức hoạt động phù hợp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mỗi cán bộ công đoàn phải nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để có thể nắm bắt, lắng nghe và hành động sát với tâm tư đoàn viên.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức khánh thành công trình nhà công vụ giáo viên Trường Tiểu học & THCS bán trú Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum. Ảnh: CĐGDVN cung cấp
Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức khánh thành công trình nhà công vụ giáo viên Trường Tiểu học & THCS bán trú Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum. Ảnh: CĐGDVN cung cấp

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam (CĐGDVN) trong bối cảnh toàn ngành thực hiện đổi mới giáo dục.

Phát huy vai trò trong đổi mới giáo dục

- Trong sự nghiệp đổi mới giáo dục với những nhiệm vụ, yêu cầu mới, CĐGDVN thể hiện vai trò thế nào để trở thành chỗ dựa tin cậy của đoàn viên công đoàn, thưa ông?

- CĐGDVN quản lý trực tiếp 5 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 54 công đoàn cơ sở với trên 41 nghìn nhà giáo, người lao động (NGNLĐ), trên 39 nghìn đoàn viên chiếm tỷ lệ 95,2%. Đồng thời phối hợp quản lý Công đoàn Giáo dục 63 tỉnh, thành cả nước.

Công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, chăm lo thiết thực cho NGNLĐ, tham gia quản lý, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định đạt những kết quả tích cực. CĐGDVN phối hợp chỉ đạo, tổ chức góp ý các dự thảo, sửa đổi luật, văn bản quy phạm pháp luật: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.

CĐGDVN đã chủ động tham gia cùng Bộ GD&ĐT tuyên truyền, triển khai chủ trương tự chủ đại học và chương trình, sách giáo khoa mới; đề xuất và phối hợp tổ chức chương trình Bộ trưởng gặp gỡ cán bộ quản lý, nhà giáo và nhân viên ngành Giáo dục và tổng hợp được 6.520 ý kiến của NGNLĐ gửi Bộ trưởng.

Bên cạnh đó, công đoàn các cấp thể hiện rõ nét vai trò trong việc tham gia quản lý, tiếp tục khẳng định vai trò của công đoàn trong đại diện, bảo vệ NGNLĐ, đồng hành cùng chuyên môn xây dựng và phát triển đơn vị, trường học. Khối đại học là vai trò của công đoàn trong Hội đồng trường, Hội đồng đại học. Khối tỉnh, thành phố giữ vai trò phối hợp tham mưu chính sách hỗ trợ cho NGNLĐ.

Công tác dân chủ cơ sở được phối hợp thực hiện hiệu quả, chú trọng các nội dung: Tổ chức tốt hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đối thoại nơi làm việc; ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động.

Công tác tư vấn pháp luật và tham mưu cơ chế chính sách được đẩy mạnh với trên 300 nghìn lượt người được tư vấn và trên 92 nghìn cuộc kiểm tra về thực hiện chế độ chính sách; nhiều kiến nghị được tiếp thu, sửa đổi, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NGNLĐ.

- Cùng với đổi mới giáo dục, chính sách cho nhà giáo, người lao động cũng có nhiều thay đổi. Song song với đó là bất cập về lương, phụ cấp, định mức giờ dạy… để lại không ít băn khoăn, trăn trở. Công đoàn tìm lời giải giúp NGNLĐ thế nào?

- Đi tìm câu trả lời mới cho câu hỏi không mới là phương châm mà CĐGDVN đặt ra trong quá trình triển khai. Những câu hỏi về quyền lợi của người lao động ngành Giáo dục được công đoàn các trường học xác định là khâu trọng yếu để tìm kiếm câu trả lời mới. Đó là quyền được hưởng những chính sách, chế độ ưu đãi phù hợp với yêu cầu mới đặt ra trong lao động của họ.

Từ đó công đoàn can thiệp để xây dựng, bổ sung những chính sách, quy định về định mức lao động, giờ dạy đối với giáo viên trường phổ thông, giảng viên các trường đại học. Điều này được các bộ, ngành, cơ quan chức năng tiếp thu và chỉnh sửa, hoàn thiện, thay thế liên tục trong thời gian vừa qua.

Đối với nhà trường, công đoàn cơ sở đã tập hợp ý kiến người lao động, rà soát, bổ sung quy định mới trong quy chế chi tiêu nội bộ, hoạt động nhà trường, khen thưởng… theo hướng có lợi cho người lao động; kịp thời động viên người lao động tạo niềm tin và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Ảnh: TG

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Ảnh: TG

Tích cực sẻ chia, đồng hành

- Thời gian qua, hoạt động từ thiện, hỗ trợ đoàn viên, NGNLĐ có hoàn cảnh khó khăn của CĐGDVN đã để lại nhiều dấu ấn, ông có thể chia sẻ những con số cụ thể?

- Nhiều năm qua, CĐGDVN triển khai hiệu quả cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”. Nhiệm kỳ 2018 - 2023, toàn ngành huy động trên 700 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng và bổ sung trang thiết bị trên 700 nhà công vụ giáo viên; hỗ trợ sửa chữa và xây mới trên 4 nghìn nhà ở cho NGNLĐ, nhà “Mái ấm Công đoàn”; gần 2 nghìn công trình nước sạch và phụ trợ; hỗ trợ trên 800 nghìn lượt NGNLĐ khó khăn.

Trong đó, CĐGDVN huy động trên 35 tỷ đồng, xây mới 50 nhà công vụ giáo viên và công trình nước sạch, bếp ăn bán trú; hỗ trợ 1,4 tỷ đồng cho trên 6 nghìn lượt NGNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; ký hợp tác với 11 đơn vị, doanh nghiệp để NGNLĐ được mua hàng giá ưu đãi 20 - 30%.

Công đoàn các đơn vị phối hợp xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; nâng cao phúc lợi; nhiều trường đại học có tháng lương thứ 13; hỗ trợ nhà ở cho NGNLĐ.

Các chương trình “Tết sum vầy”, tặng quà cho NGNLĐ và học sinh hoàn cảnh khó khăn cùng các hoạt động vui Xuân đón Tết đậm đà bản sắc dân tộc tạo không khí ấm áp và tạo dấu ấn tốt đẹp trong ngành và xã hội.

Các hoạt động chăm sóc sức khỏe và nâng cao đời sống tinh thần được triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong 5 năm, toàn ngành tổ chức trên 10 nghìn hội thảo, hội diễn văn nghệ với gần 3 triệu lượt người tham gia. CĐGDVN tổ chức 2 chương trình “Chăm sóc sức khỏe và phát thuốc miễn phí” cho gần 1 nghìn NGNLĐ vùng biên giới, hải đảo...

Công tác tham gia phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai với cách làm sáng tạo linh hoạt thể hiện rõ nét vai trò của công đoàn chia sẻ với NGNLĐ trong giai đoạn khó khăn, đồng hành cùng toàn ngành và cả nước kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa các hoạt động giáo dục trở lại bình thường và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

- Các phong trào thi đua, cuộc vận động được công đoàn các cấp tổ chức hiệu quả, thiết thực, tạo động lực cho nhà giáo đổi mới. Ông ấn tượng với nội dung nào?

- Thời gian qua, công đoàn tổ chức nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động. Trong đó, trọng tâm là phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” và “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” gắn với “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Trong 5 năm, có trên 300 nghìn nhóm “nhà giáo cùng nhau phát triển” hoạt động hiệu quả. Có hơn 500 nghìn sáng kiến, gần 100 nghìn đề tài và bài báo khoa học trong nước và quốc tế. Nhiều đề tài, sáng kiến có giá trị ứng dụng cao. Nhiều nhà giáo được tặng bằng Lao động sáng tạo.

Phong trào “Trường giúp trường”; “Phòng giúp phòng”, “Nhà giáo giúp đỡ nhà giáo” tiếp tục được triển khai rộng khắp. Các phong trào thi đua, cuộc vận động có sức lan tỏa, thúc đẩy NGNLĐ hăng hái thi đua. Xuất hiện nhiều hơn các tấm gương nhà giáo tận tâm, bám trường bám lớp, hết lòng vì học sinh thân yêu.

Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước được chú trọng với những giải pháp khoa học, bài bản. CĐGDVN đã ban hành Nghị quyết chuyên đề nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên, cụ thể hóa tiêu chí chấm điểm có chú trọng minh chứng. Qua đó, chất lượng hoạt động công đoàn được nâng lên.

Công tác nữ tiếp tục đổi mới, đáp ứng nhiệm vụ chăm lo, phát triển đội ngũ nữ. Với tỷ lệ nữ gần 80%, đội ngũ nữ đã góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới giáo dục - đào tạo. Các chế độ chính sách cho lao động nữ, công tác gia đình và trẻ em luôn được tập trung chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam thăm hỏi thầy Nguyễn Đại Đình Nam - giáo viên trong vụ tai nạn tại Hà Giang. Ảnh: CĐGDVN cung cấp

Công đoàn Giáo dục Việt Nam thăm hỏi thầy Nguyễn Đại Đình Nam - giáo viên trong vụ tai nạn tại Hà Giang. Ảnh: CĐGDVN cung cấp

Vượt khó, nâng cao hiệu quả hoạt động

- Thời gian qua có không ít vụ việc khiếu kiện của nhà giáo có nguyên nhân từ thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, điều lệ công đoàn chưa tốt. Đây có phải “khoảng trống” của tổ chức công đoàn trước yêu cầu của bối cảnh mới?

- Ở một số đơn vị, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa sâu sắc.

Hoạt động công đoàn ở một số trường ngoài công lập không hiệu quả; có đơn vị chưa ký kết thỏa ước lao động tập thể. Một số liên đoàn lao động địa phương chưa ký quy chế phối hợp với CĐGDVN để chỉ đạo hoạt động công đoàn ngành nghề. Công tác chăm lo, bảo vệ NGNLĐ ở một số trường học mầm non và phổ thông còn khó khăn.

CĐGDVN cho rằng có một số nguyên nhân khách quan dẫn đến tồn tại như: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài và phức tạp nên đời sống một bộ phận NGNLĐ khó khăn, thu nhập thấp, mất việc làm. Ở một số đơn vị, việc tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động chưa được quan tâm đúng mức. Chế độ đối với cán bộ công đoàn còn hạn chế, chưa khuyến khích được cán bộ làm công tác công đoàn.

Cùng đó là những nguyên nhân chủ quan do hoạt động công đoàn tại một số đơn vị chưa sáng tạo. Chế độ thông tin, báo cáo thực hiện thiếu nghiêm túc; việc nắm bắt vấn đề, dự báo tình hình, tham mưu chỉ đạo đôi khi chậm.

Công đoàn một số trường đại học còn lúng túng khi chuyển sang cơ chế tự chủ. Nhận thức và năng lực của một bộ phận cán bộ công đoàn hạn chế, chậm đổi mới, chưa tranh thủ được sự ủng hộ của chuyên môn và các nguồn lực hỗ trợ.

- Trong nhiệm kỳ mới, CĐGDVN đề ra những nhiệm vụ, giải pháp gì để khắc phục khó khăn, nâng cao hoạt động của tổ chức?

- Khó khăn lớn nhất của tổ chức công đoàn thời gian tới là việc xác định nhu cầu của người lao động là những nhà khoa học, đội ngũ trí thức có trình độ, bản lĩnh, năng lực thực hành và hiểu biết pháp luật rất cao. Từ đó năng lực của các cán bộ công đoàn tại cơ sở đến Trung ương cũng phải học tập, nghiên cứu để đáp ứng.

Đây cũng là 1 trong 3 khâu đột phá mà Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ XIII và Đại hội CĐGDVN nhiệm kỳ XVI đã đặt ra và chúng tôi xác định là điểm khó khăn phải vượt qua trong nhiệm kỳ 2023 - 2028.

CĐGDVN đề ra một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần NGNLĐ.

Tham gia quản lý, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Đề xuất và giám sát thực hiện chế độ chính sách, góp ý, xây dựng, sửa đổi các luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người lao động. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục và tư vấn pháp luật, thỏa ước lao động tập thể; phối hợp thực hiện tốt dân chủ cơ sở.

Chú trọng chăm sóc sức khỏe, đẩy mạnh hoạt động phúc lợi và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho NGNLĐ. Huy động các nguồn lực chăm lo tốt hơn và quan tâm tới NGNLĐ có hoàn cảnh khó khăn; tôn vinh, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục; vận động NGNLĐ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước, nghị quyết, chủ trương của ngành và công đoàn.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức đa dạng hóa công tác tuyên truyền; tập trung tuyên truyền nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho NGNLĐ. Đẩy mạnh phong trào xây dựng văn hóa trường học; tích cực học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội công đoàn các cấp.

Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ công đoàn, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ năng lực xứng tầm nhiệm vụ; tham mưu chế độ chính sách cho cán bộ công đoàn; chú trọng phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động theo hướng thiết thực, phù hợp, trọng tâm là phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”; “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng; triển khai “Giải thưởng 22/7 - CĐGDVN” tôn vinh cán bộ công đoàn tiêu biểu; phát động thi đua chào mừng Ngày thành lập CĐGDVN, thành lập Công đoàn Việt Nam và Ngày Nhà giáo Việt Nam…

- Trân trọng cảm ơn ông!

Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ tham gia xây dựng đội ngũ NGNLĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường giải pháp nâng cao năng lực nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Tham mưu, tạo điều kiện cho NGNLĐ học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; Đổi mới công tác chỉ đạo điều hành đảm bảo hướng mạnh về cơ sở với phương châm công đoàn cấp trên hỗ trợ cấp dưới, lấy đoàn viên làm trung tâm để lựa chọn hoạt động đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và sự hài lòng của đông đảo đoàn viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Từ phải qua: Đạo diễn Việt Linh, tác giả Hải Anh và họa sĩ Pauline Guitton giao lưu tại buổi ra mắt sách ở Việt Nam do Nxb Kim Đồng tổ chức. Ảnh: Bình Thanh.

Thuở ấy, mẹ đã 'Sống'!

GD&TĐ - Thuở ấy – những năm tháng đất nước kháng chiến chống Mỹ - mẹ đã sống như thế và hôm nay được thế hệ gen Y lớn lên ở Pháp ghi lại bằng lăng kính mới lạ.