Ngoài ra, từ nguồn hỗ trợ của các mô hình, công đoàn trường đã bắc nhịp cầu để học sinh vững tin mở cửa tri thức.
Nâng bước trò nghèo
Dù mới đi vào hoạt động 2 năm nhưng mô hình Câu lạc bộ Người cha, người mẹ thứ 2 của Công đoàn Trường THPT Cẩm Bình nhận được sự hưởng ứng chung tay của cán bộ, giáo viên toàn trường. Năm học này, gần 50 thầy cô xung phong đăng ký làm bố, mẹ đỡ đầu cho 70 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Theo đó, mỗi giáo viên sẽ đỡ đầu 1 - 2 học sinh trong suốt 3 năm học.
Thầy giáo Nguyễn Văn Quang – Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên) cho biết, xuất phát từ thực tiễn nhiều học sinh của trường có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, gia đình diện hộ nghèo, cận nghèo… nên Ban giám hiệu, Công đoàn đề ra mô hình này.
Để quan tâm, động viên, giúp đỡ các em, nhà trường có nhiều hình thức đỡ đầu học sinh như hỗ trợ vật chất, giày dép, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, tặng quà nhân dịp Tết cổ truyền... Ngoài việc mỗi thầy cô nhận đỡ đầu còn hỗ trợ tài liệu, ôn tập trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi, tốt nghiệp THPT; quan tâm giáo dục kỹ năng sống; tư vấn hướng nghiệp; chăm sóc giúp đỡ khi học sinh ốm đau hoặc gia đình gặp hoạn nạn; hỗ trợ kinh phí ban đầu khi các em đỗ đại học có nguy cơ dừng học vì khó khăn.
Là “cha” đỡ đầu của 2 học sinh hoàn cảnh khó khăn, thầy Trần Xuân Thắng - Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Cẩm Bình chia sẻ, trong số những học sinh hoàn cảnh éo le, nhiều em có tố chất rất tốt. Tuy nhiên, do gia đình khó khăn khiến các em tự ti, không có điều kiện phát huy năng lực. Ngoài mỗi giờ dạy, giáo viên thường trò chuyện để các em giãi bày tâm sự, từ đó có sự thấu hiểu, tin tưởng. Nhiều khi chỉ một món quà nhỏ lúc đạt thành tích tốt cũng động viên các em rất nhiều.
Em Trần Công Đông - lớp 12A2, Trường THPT Cẩm Bình sớm mồ côi nhưng từ khi lên lớp 10 đã có thêm người mẹ thứ 2 ở trường. “Em từng có ý định nghỉ học nhưng mẹ luôn quan tâm, động viên rất nhiều. Trong suốt 3 năm học những tình cảm ấm áp đó đã trở thành động lực để em học tập tốt hơn”, Đông tâm sự.
Với đặc thù có nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn (nhà nghèo, mồ côi, cha mẹ ly hôn hoặc đi làm ăn xa, các em sống với ông bà...), Công đoàn Trường THPT Thành Sen (TP Hà Tĩnh) đặc biệt chú trọng mô hình Tổ tư vấn tâm lý trong giáo dục, tâm lý học sinh.
Thầy Đoàn Minh Điền - Hiệu trưởng cho biết: “Từ đầu năm học, ban giám hiệu phối hợp cùng tổ tư vấn, giáo viên chủ nhiệm nắm bắt hoàn cảnh từng học sinh. Đối với em hoàn cảnh đặc biệt, chúng tôi sẽ có kế hoạch hỗ trợ vật chất, sát sao về tinh thần để quản lý, động viên các em trong cuộc sống và học tập”.
Trường THPT Cẩm Bình tổ chức khen thưởng giáo viên đạt thành tích cao trong công tác giảng dạy. |
Những người mẹ đặc biệt
Năm học 2023 - 2024, Câu lạc bộ Người mẹ thứ 2 Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (huyện Cẩm Xuyên) nhận đỡ đầu gần 15 học sinh, trong đó 4 trường hợp đặc biệt là học sinh mồ côi và hộ nghèo.
Em Nguyễn Anh Đức – học sinh lớp 12A2 là trường hợp khá đặc biệt. Đức mồ côi bố từ nhỏ, mẹ bị liệt từ khi Đức lọt lòng. Từ nhỏ, 2 mẹ con phải sống nương nhờ vào ông bà ngoại già yếu. Hằng ngày, ngoài đi học, Đức phải đi làm thêm để kiếm tiền nuôi mẹ và phụ giúp ông bà. Hoàn cảnh khó khăn buộc Đức luôn tự nhắc mình cố gắng học tốt để thay đổi số phận. Thế nhưng, thực tế éo le, dù sức học tốt, nhưng Đức nhiều lần định bỏ học để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Hiểu được lo lắng của Đức, những người mẹ trong câu lạc bộ đã kịp thời động viên, chia sẻ với khó khăn của cậu học trò bằng việc làm thiết thực như: Giúp em ổn định tâm lý, hỗ trợ các khoản đóng nộp, mua quần áo mới, sách vở, đồng phục… Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm còn thường xuyên quan tâm, theo sát nắm bắt tâm lý của Đức, giúp em phấn chấn hơn trong học tập.
“Cuộc sống của giáo viên còn nhiều khó khăn nhưng mỗi tháng chúng tôi đều trích một phần kinh phí nhỏ để chia sẻ với các em. Ban giám hiệu còn giúp câu lạc bộ kết nối với đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm trong hoạt động quan tâm, đỡ đầu học sinh”, cô Đặng Thị Thu Thủy – Ủy viên BCH Công đoàn kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Người mẹ thứ 2” cho biết.
Gần 10 năm qua, giáo viên trong Câu lạc bộ Người mẹ thứ 2 của Công đoàn Trường THPT Nguyễn Đình Liễn không nhớ hết giúp bao nhiêu học trò nghèo được đi học và thực hiện ước mơ. Mỗi sự trưởng thành của các em đã trở thành động lực để “các mẹ” tiếp tục hành trình đầy nhân văn của mình.
Dù đã trở thành sinh viên Khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), nhưng Nguyễn Thị Lương - cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Liễn vẫn cảm thấy may mắn khi giai đoạn khó khăn nhất em nhận được hỗ trợ từ các cô giáo trong Câu lạc bộ Người mẹ thứ 2.
Cả 3 chị em Lương sinh ra không có bố. Từ nhỏ, mẹ đưa 3 chị em lên Tây Nguyên làm thuê nhưng không may tai nạn qua đời, khi đó Lương học lớp 10. Trường THPT Nguyễn Đình Liễn sau khi biết tin đã phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Tĩnh và Sở GD&ĐT Đắk Nông (nơi em theo học) hoàn thành thủ tục xin nhận em về học.
Để giúp Lương có đủ điều kiện học tập, Câu lạc bộ Người mẹ thứ 2 đã nhận đỡ đầu em với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra, “các mẹ” thường xuyên đến nhà thăm hỏi, giúp đỡ 3 chị em Lương. Sau khi Lương ra trường, câu lạc bộ tiếp tục kết nối các nhà hảo tâm để tài trợ, đỡ đầu cho em trong thời gian theo học ở trường đại học.
“Nhờ sự giúp đỡ tận tình của các cô giáo trong câu lạc bộ mà 3 chị em đã vượt qua những khó khăn cuộc sống. Bản thân có điều kiện tốt hơn để học tập và thực hiện ước mơ của mình. Các cô thực sự là những người mẹ thứ 2 trong những năm cấp 3 của em”, Lương xúc động nói.
Câu lạc bộ Người mẹ thứ 2 Trường THPT Nguyễn Đình Liễn tặng quà cho các con nhân dịp năm học mới. |
Chỗ dựa vững chắc cho giáo viên
Xác định chăm lo cho đoàn viên, người lao động là nhiệm vụ hàng đầu, Công đoàn Trường THPT Cù Huy Cận (huyện Vũ Quang) đã triển khai nhiều hoạt động, việc làm cụ thể thiết thực, ý nghĩa.
Với đặc điểm trường học thuộc khu vực miền núi, Công đoàn Trường THPT Cù Huy Cận đã thành lập mô hình Cho nhau vay vốn. Theo đó, hằng tháng, mỗi giáo viên trích một phần lương tạo nguồn quỹ để các hội viên vay vốn với lãi suất 0%. Từ nguồn vốn của công đoàn, nhiều giáo viên nhà trường đã mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình sản xuất, phát triển kinh tế như: Trồng cam của thầy Nguyễn Ngọc Châu, nuôi ong lấy mật của thầy Võ Quang Hòa.
Ngoài công việc dạy học, thầy Nguyễn Ngọc Châu - Chủ tịch Công đoàn nhà trường, hiện là chủ của mô hình trồng cam chanh với 0,5 hecta cho năng suất 3,5 tấn/năm. Thầy Châu cho biết, mô hình Cho nhau vay vốn được thành lập gần 6 năm đã góp phần kinh tế hỗ trợ cho nhiều giáo viên nhà trường. Gia đình thầy Châu từ nguồn hỗ trợ khoảng 20 triệu đồng của công đoàn đã mạnh dạn đầu tư mua cây giống, khai hoang vườn đồi trồng thêm cam. Mỗi năm thu nhập từ trồng cam chanh đưa về cho gia đình thầy hơn 80 triệu đồng.
Để hoạt động công đoàn thực sự chất lượng, nhiều công đoàn trường đã xây dựng kế hoạch hoạt động và phối hợp chặt chẽ, gắn bó với chuyên môn, kèm ý thức cùng chuyên môn thúc đẩy chất lượng giảng dạy. Công đoàn Trường THPT Cẩm Bình đã phát động nhiều phong trào thi đua trong cán bộ, giáo viên, công đoàn viên, trọng tâm là phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo; Giỏi việc trường, đảm việc nhà.
Công đoàn cũng phối hợp với nhà trường kịp thời khen thưởng giáo viên có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi với mức từ 1 đến gần 5 triệu đồng/người. “Sự hỗ trợ kịp thời là lời tri ân, động viên của nhà trường để giáo viên thêm phấn chấn trong công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng. Có thể nói, hoạt động công đoàn đã góp phần vào thành tích nhà trường, chất lượng giáo dục toàn diện nâng lên, giáo dục mũi nhọn ngày càng phát triển”, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Quang khẳng định.
Được biết, năm học 2022 - 2023, tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12, Trường THPT Cẩm Bình có 19 em đoạt giải, trong đó có 3 giải Nhất, 2 giải Nhì, 11 giải Ba và 3 giải Khuyến khích. Ngoài ra, nhiều đội tuyển đạt tỷ lệ 100% học sinh có giải.
Bên cạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở tổ chức tốt hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, người lao động như: Giao lưu văn nghệ, thể thao; tham quan, trải nghiệm…
Những hoạt động này vừa gây dựng tình cảm, vừa rèn luyện sức khỏe và hỗ trợ nhau lúc cần thiết. Ngoài ra, Ban Chấp hành Công đoàn thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên đoàn viên hoàn cảnh khó khăn, ốm đau; gia đình đoàn viên có việc hiếu, hỷ đều có mặt kịp thời, giúp đỡ tận tình, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng gia đình cán bộ, giáo viên.
Từ đề xuất của các nhà trường, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã rà xét và hỗ trợ nhiều cán bộ giáo viên có chốn an cư, yên tâm công tác. Tính riêng năm 2023, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh tham mưu, đề xuất với Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 4 căn nhà cho cán bộ, giáo viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở từ nguồn quỹ Mái ấm Công đoàn, với số tiền 120 triệu đồng.
Sau hơn 3 tháng thi công, từ nguồn hỗ trợ của quỹ này gia đình cô Nguyễn Thị Hiền - Trường THCS - THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh (huyện Hương Khê) đã có được ngôi nhà mơ ước. Chồng cô Hiền là lao động tự do thường xuyên đau ốm. Thời gian qua, gia đình cô phải ở trong căn nhà cũ kỹ, xập xệ, nhiều chỗ bị thủng dột, không đảm bảo an toàn… nhất là vào mùa mưa bão, giá rét. Tuy nhiên, mùa Đông năm nay, 2 vợ chồng cô Hiền đã có nơi an cư. “Tôi rất vui khi được nhận hỗ trợ xây dựng Mái ấm Công đoàn. Đây là động lực to lớn để vợ chồng tôi vượt qua khó khăn, yên tâm làm việc, vươn lên trong cuộc sống”, cô Hiền xúc động nói.
“Thời gian qua, công đoàn trường học đã thực sự trở thành cầu nối giữa công đoàn, chính quyền, xã hội với đội ngũ nhà giáo và người lao động trong việc quan tâm, chăm lo đời sống cho người lao động, giúp họ tin tưởng, gắn bó hơn với nghề.
Thời gian tới, cùng với công đoàn cơ sở, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh tiếp tục huy động nguồn Quỹ Mái ấm Công đoàn hoạt động hiệu quả, làm tốt công tác điều tra, khảo sát các trường hợp đề nghị hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà đúng theo quy định...”, ông Trần Hậu Tú - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh cho biết.