Công đoàn trong trường học làm tốt 'chăm lo' nhưng 'bảo vệ' hạn chế

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thực tế có một số khó khăn, bất cập trong triển khai công tác công đoàn cơ sở.

Cô trò Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) trong giờ học.
Cô trò Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) trong giờ học.

Tổ chức công đoàn các trường mầm non, tiểu học, THCS trực thuộc Liên đoàn Lao động cấp huyện; khác với các trường THPT, trực thuộc và nhận sự chăm lo từ công đoàn ngành Giáo dục. Điều này dẫn đến một số khó khăn, bất cập trong triển khai công tác công đoàn cơ sở.

Đơn độc trên hành trình tìm công lý

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn là chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, từ thực tế, tổ chức công đoàn trên phương diện nào đó làm khá tốt khía cạnh “chăm lo”, nhưng “bảo vệ” thì dường như còn hạn chế. Đã có những câu chuyện buồn ở một số trường học cho thấy đội ngũ giáo viên, người lao động đơn độc đứng lên chống tiêu cực hay bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân, tập thể.

Năm 2017, dư luận xôn xao về một giáo viên ở Đồng Nai viết đơn xin nghỉ việc vì môi trường công tác có quá nhiều vấn đề. Hoặc câu chuyện 5 giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (xã Krông Búk, Krông Pắk, Đắk Lắk); 1 giáo viên Trường THCS Ea Kly cũng tại huyện Krông Pắc bị nhà trường chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định.

6 thầy cô đã nộp đơn khởi kiện ra tòa thành 2 vụ án tranh chấp hợp đồng lao động. Hơn 5 năm theo đuổi vụ kiện và được tòa tuyên thắng, Hội đồng xét xử tuyên án, buộc các bị đơn liên đới trả cho 6 giáo viên hơn 1,4 tỷ đồng, cùng tiền lãi suất. Tuy nhiên, đến nay, 6 giáo viên này vẫn chưa được bồi thường.

Hay tại một trường THCS ở Hà Nội đầu năm 2022, một số giáo viên phản ánh, tại cuộc họp Hội đồng nhà trường, Chủ tịch Công đoàn trường đã công bố việc trừ thi đua đối với trường hợp giáo viên là F0 nghỉ dạy và cả dạy trực tuyến. Thầy cô bày tỏ bức xúc khi không được tổ chức công đoàn chia sẻ, còn bị dùng hình thức trừ điểm thi đua… Điều này cho thấy, tiếng nói của tổ chức công đoàn trong trường học còn yếu ớt.

Chủ tịch công đoàn một cơ sở giáo dục tại Sông Hinh (Phú Yên) bày tỏ băn khoăn với quy định chủ tịch công đoàn cơ sở là phó hiệu trưởng nhà trường. Về nhiệm vụ, công đoàn cơ sở giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp với chính quyền chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng đoàn viên, người lao động. Nhưng Chủ tịch công đoàn là cấp dưới của hiệu trưởng nên tiếng nói chỉ dừng lại ở mức độ nhất định nào đó.

“Hiện vai trò công đoàn thể hiện nhiều hơn ở “chăm lo” người lao động (khi bệnh tật, đau ốm, hiếu, hỉ…), nhưng khía cạnh “bảo vệ” có nhưng còn ít”, vị này cho hay.

Ông Trần Đắc Viện - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Hưng Yên thì cho biết: Một số quyền lợi của cán bộ, nhà giáo, người lao động mang tính chất ngành nghề, chưa được bảo đảm vì đa phần cán bộ chuyên trách của Liên đoàn Lao động cấp huyện không có ai từng công tác và trưởng thành từ ngành Giáo dục.

Hơn nữa, hiện biên chế của Liên đoàn Lao động cấp huyện ít nhưng phải quản lý hàng trăm công đoàn cơ sở, phần lớn là doanh nghiệp nên công việc khá vất vả, không có nhiều thời gian quan tâm, chăm lo cho các đơn vị công đoàn trường học.

Đại hội Công đoàn Trường Tiểu học Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ).

Đại hội Công đoàn Trường Tiểu học Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ).

Phong trào thi đua, cuộc vận động của ngành bị… đứt quãng

Cũng theo ông Trần Khắc Viện, GD-ĐT là ngành đặc thù có tính chuyên môn cao. Ngành có nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động mang tính đặc trưng như: Dạy tốt - học tốt; Đổi mới sáng tạo trong dạy và học; Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm; Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; Xây dựng trường học hạnh phúc; Mỗi thầy, cô giáo là 1 tấm gương, đạo đức, tự học và sáng tạo…

Những phong trào, cuộc vận động này được phát động và triển khai từ cấp Trung ương xuống đến cơ sở. Vai trò của tổ chức công đoàn là phát động, thực hiện các phong trào thi đua và cuộc vận động, nhưng khi xóa bỏ mô hình công đoàn giáo dục cấp huyện, thị xã, thành phố, việc triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động chỉ tới đơn vị trực thuộc Công đoàn ngành GD-ĐT tỉnh (các trường THPT).

Từ thực tiễn, cô Lương Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) nhận định: Khi công đoàn các trường tiểu học trực thuộc Liên đoàn Lao động cấp huyện sẽ dẫn đến một số khó khăn, bất cập trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, thực hiện dân chủ cơ sở, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ như:

Liên đoàn Lao động huyện nắm bắt văn bản, công việc chuyên môn trong các trường học bị hạn chế, dẫn đến việc triển khai có thể bị trùng lặp. Mặt khác, ban chấp hành công đoàn các trường học chủ yếu kiêm nhiệm, thời gian nghiên cứu văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, thực hiện dân chủ cơ sở chưa kịp thời. Nguồn kinh phí tổ chức hoạt động hạn chế, nhất là các công đoàn cơ sở ít công đoàn viên.

Giáo viên Trường Mầm non Thị trấn Mường Xén (Kỳ sơn, Nghệ An) được mua hàng giảm giá từ sự hỗ trợ của Công đoàn nhà trường.

Giáo viên Trường Mầm non Thị trấn Mường Xén (Kỳ sơn, Nghệ An) được mua hàng giảm giá từ sự hỗ trợ của Công đoàn nhà trường.

Là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên) kiêm Chủ tịch công đoàn nhà trường, thầy Lê Xuân Thiều nhận định: Công đoàn cơ sở giáo dục từ mầm non đến THCS trực thuộc Liên đoàn Lao động huyện dẫn đến một số khó khăn nhất định.

Đơn cử tại huyện Sông Hinh, Liên đoàn Lao động huyện quản lý trực tiếp 67 công đoàn cơ sở trực thuộc - một con số khá lớn. Các đơn vị công đoàn cơ sở này tính chất, nhiệm vụ chính trị khác nhau. Do đó, dù giáo dục có đặc thù riêng nên khi chung đầu mối là Liên đoàn Lao động huyện, các hoạt động do Liên đoàn Lao động huyện tổ chức sẽ khó gắn với đặc thù, nhiệm vụ từng đơn vị.

Bên cạnh đó, cán bộ chuyên trách thuộc biên chế Liên đoàn Lao động huyện số lượng hạn chế; quản lý lượng công đoàn cơ sở lớn nên gặp không ít trở ngại, khó quan tâm một cách sâu sát đến công đoàn trường học. Đồng thời việc tổ chức hoạt động phong trào mang đặc thù ngành Giáo dục cũng khó khăn vì Liên đoàn Lao động huyện thường chú trọng tổ chức phong trào phổ rộng cho các đối tượng mình quản lý.

Bên cạnh khó khăn này, việc được Liên đoàn Lao động huyện quản lý trực tiếp, theo thầy Lê Xuân Thiều cũng có những thuận lợi. “Trong thực tiễn công tác tôi thấy Liên đoàn Lao động huyện là tổ chức có tiếng nói và phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể.

Trong tháng 10 vừa qua, Liên đoàn Lao động huyện Sông Hinh đã tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo UBND huyện, Liên đoàn Lao động huyện với đại diện các công đoàn cơ sở trực thuộc. Rất nhiều vấn đề vướng mắc về chế độ chính sách của công, viên chức và người lao động được trao đổi, giải đáp và xử lý”, thầy Lê Xuân Thiều chia sẻ.

Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) trong Tuần lễ áo dài do Công đoàn nhà trường tổ chức.

Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) trong Tuần lễ áo dài do Công đoàn nhà trường tổ chức.

Mong mỏi của nhà giáo

Là Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn Trường Mầm non Thị trấn Mường Xén (Kỳ sơn, Nghệ An), cô Ngô Thị Huấn cho biết, công đoàn đã quan tâm, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp công đoàn viên. Tuy nhiên, hoạt động công đoàn có khó khăn vì cán bộ đều kiêm nhiệm, thời gian dành cho chuyên môn là chủ yếu nên đôi lúc khó sắp xếp cho hoạt động công đoàn. Bên cạnh đó, phụ cấp trách nhiệm của cán bộ công đoàn còn thấp. Chủ tịch công đoàn, mức phụ cấp trách nhiệm hàng tháng chỉ 0,14.

Với vai trò Chủ tịch công đoàn, cô Ngô Thị Huấn chia sẻ luôn trăn trở và tìm giải pháp để chăm lo cho công đoàn viên, người lao động trong nhà trường bằng việc làm cụ thể, thiết thực. Trong Tháng công nhân, cô Huấn đã phối hợp ký kết với cửa hàng tạp hoá trên địa bàn thị trấn để có chương trình giảm giá 10 - 15% khi công đoàn viên nhà trường đến mua tại cửa hàng.

Trong trường có 2 giáo viên chồng mất, cô xây dựng kế hoạch “Mẹ đỡ đầu”, giúp đỡ con của 2 cô mỗi tháng 300 nghìn đồng. “Sắp tới, chúng tôi có kế hoạch mỗi tháng một lần tặng bữa ăn ca trưa cho công đoàn viên tại trường vì các cô quá vất vả, chăm sóc trẻ cả ngày, bữa trưa chỉ ăn uống tạm bợ”, cô Ngô Thị Huấn chia sẻ.

Tuy nhiên, là Chủ tịch công đoàn, cô Ngô Thị Huấn còn nhiều tâm tư khi đời sống giáo viên mầm non vẫn khó khăn. Cô mong mỏi họ sẽ được quan tâm hơn nữa về chế độ đãi ngộ; đặc biệt với giáo viên miền xuôi lên miền núi công tác, vùng có mức thu nhập thấp như ở thị trấn.

“Bản thân là giáo viên miền xuôi, lên miền núi công tác đã 23 năm, nhưng mức lương chỉ được hơn 11 triệu đồng/tháng. Trong khi đó nếu giảng dạy ở vùng biên, mức lương lên đến 20 triệu. Đây cũng là lý do khiến việc điều chuyển cán bộ quản lý, giáo viên về thị trấn làm việc rất khó khăn”, cô Ngô Thị Huấn bày tỏ.

Theo đánh giá của cô Trần Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ), Liên đoàn Lao động cấp huyện đã chỉ đạo hoạt động công đoàn cơ sở tương đối hiệu quả; đồng thời có những hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho cán bộ đoàn viên đang công tác trong ngành Giáo dục.

Công đoàn cơ sở đã khắc phục khó khăn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Để hoạt động của công đoàn cơ sở tốt hơn, cô Trần Thị Bích Hạnh kiến nghị tăng kinh phí hoạt động cho công đoàn; có văn bản chỉ đạo để kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động chuyên môn nhà trường và công đoàn; được học tập các mô hình hoạt động công đoàn hiệu quả.

Trong khi đó, từ thực tế tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, cô Lương Thị Hồng mong muốn tăng cường nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động và thăm hỏi công đoàn viên ốm đau, gặp khó khăn hoạn nạn.

Một nhà giáo ở Văn Giang (Hưng Yên) trăn trở, trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin và “tự do” của thời đại mới, nghề giáo trở thành nghề nguy hiểm khiến nhiều giáo viên gặp các vấn đề tâm lý và lo sợ với nghề. Thầy cô mong được quan tâm, chăm lo hơn nữa, không chỉ các điều kiện vật chất mà cả sẻ chia về mặt tinh thần; đồng thời tiếp tục giảm bớt các loại hồ sơ, văn bản, giấy tờ không cần thiết.

“Chúng tôi mong tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của ngành; có thêm đãi ngộ cho giáo viên, hỗ trợ thường xuyên những thầy cô hoàn cảnh khó khăn, éo le. Rà soát, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tấm gương giáo viên vượt khó trong công tác; thành lập quỹ hỗ trợ giáo viên khó khăn của ngành Giáo dục…”, nhà giáo này đề nghị.

Các nhà trường nằm trong hệ thống giáo dục có nhiệm vụ chuyên môn đặc thù với sự chỉ đạo, đánh giá của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên như phòng/sở GD&ĐT. Do vậy, khi chỉ đạo hoạt động của công đoàn nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của nhà trường thì Liên đoàn Lao động huyện phần nào chưa sâu sát như cơ quan quản lý chuyên môn trực tiếp.

Khi đánh giá các hoạt động, ngoài đặc thù của công đoàn, việc nhìn nhận chi tiết, cụ thể về nhiệm vụ chuyên môn đối với các nhà trường chưa sâu, dù Liên đoàn Lao động có sự phối hợp với phòng GD&ĐT huyện về kết quả xếp loại các nhà trường. Chưa kể, Liên đoàn Lao động huyện quản lý số lượng lớn đơn vị công đoàn cơ sở, nên sự quan tâm, chỉ đạo sát sao với công đoàn cơ sở trong nhà trường còn nhiều bất cập. - Cô Trần Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ