Tôn vinh trẻ em để mở ra tương lai tốt đẹp

GD&TĐ - Tùy từng quốc gia, mốc thời gian diễn ra ngày lễ thiếu nhi sẽ có sự khác biệt.

Mọi trẻ em đều có quyền được bảo vệ.
Mọi trẻ em đều có quyền được bảo vệ.

Mặc dù vậy, sự kiện này luôn được quan tâm đặc biệt trong mỗi giai đoạn khác nhau, nó thể hiện hành động có trách nhiệm để xây dựng thế hệ tương lai tốt đẹp hơn.

Không chỉ một ngày

Năm 1925, Ngày Quốc tế Thiếu nhi lần đầu tiên được công bố tại Geneva trong Hội nghị Thế giới vì Hạnh phúc Trẻ em. Kể từ năm 1950, ngày Quốc tế Thiếu nhi được tổ chức vào 1/6 ở hầu hết các nước XHCN. Trong khi đó, ngày Trẻ em thế giới được tổ chức vào 20/11. Đây là “cột mốc” đánh dấu kỷ niệm Tuyên bố về Quyền trẻ em của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 20/11/1959.

Những ngày này không chỉ đơn giản là để tôn vinh trẻ em. Bởi, đó còn là ngày mang lại nhận thức cho trẻ em trên toàn cầu đối với bạo lực dưới các hình thức như lạm dụng, bóc lột và phân biệt đối xử.

Nguồn gốc của ngày lễ dành cho trẻ em bắt nguồn từ năm 1925, khi đại diện từ các quốc gia nhau gặp nhau tại Geneva (Thụy Sĩ) để triệu tập “Hội nghị Thế giới về Quyền của Trẻ em” đầu tiên. Sau hội nghị, một số chính phủ trên thế giới đã ấn định một ngày là Ngày Trẻ em để nêu bật các vấn đề của nhóm tuổi này. Không có ngày cụ thể được khuyến nghị. Vì vậy, các quốc gia có thể chọn bất kỳ ngày nào phù hợp với văn hóa của họ.

Ngày 1/6 được nhiều nước thuộc Liên Xô cũ sử dụng làm “Ngày Quốc tế Bảo vệ Trẻ em” từ năm 1950, sau Đại hội Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế tại Matxcova năm 1949. Với việc thành lập Ngày Trẻ em Thế giới, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã công nhận rằng, mọi trẻ em đều không nên bị phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo và nguồn gốc quốc gia hay xã hội. Tất cả trẻ em đều có quyền yêu và được yêu thương, hiểu biết, chăm sóc y tế, giáo dục. Ngoài ra, trẻ em có quyền được bảo vệ chống lại tất cả các hình thức bóc lột.

Nhiều quốc gia đã đề ra Ngày Trẻ em. Tuy nhiên, đây thường không được coi là một ngày lễ. Tại Australia, ngày trẻ em được tổ chức vào thứ Tư lần thứ 4 của tháng 10. Ở Ấn Độ, ngày trẻ em diễn ra vào 14/11. Trong khi đó, Mỹ có Ngày Trẻ em Quốc gia vào Chủ nhật đầu tiên của tháng 6.

Cải thiện cơ hội của trẻ

Năm 1925, Hội nghị Thế giới về Sức khỏe của trẻ em đã tuyên bố, 1/6 là ngày thu hút sự chú ý của thế giới về các vấn đề ảnh hưởng đến trẻ em. Các quốc gia được đại diện công nhận rằng, nhân loại nợ trẻ em những gì tốt đẹp nhất mà lẽ ra trẻ được ban tặng. Kết quả là, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Geneva về Quyền Trẻ em.

Theo đó, trẻ em phải được cung cấp các phương tiện cần thiết cho sự phát triển bình thường cả về vật chất và tinh thần. Trẻ phải được cho ăn khi đói, được chăm sóc khi ốm, được giúp đỡ khi bị tụt lại phía sau.

Trẻ mồ côi phải được che chở và bảo vệ. Ngoài ra, trẻ em cũng phải là người đầu tiên được cứu trợ trong lúc gặp nạn. Đồng thời, trẻ em phải được bảo vệ trước mọi hình thức bóc lột. Mọi đứa trẻ đều cần được nuôi dưỡng với ý thức rằng, tài năng của chúng phải được cống hiến để phục vụ nhân loại.

Năm 1959, Liên Hợp Quốc đã thông qua Tuyên bố về Quyền Trẻ em, dựa trên nội dung của Tuyên bố Geneva. Tuyên bố mới này đã đưa ra 10 nguyên tắc để bảo vệ trẻ em ngay khi chào đời. Đồng thời, đặt cơ sở cho việc thông qua Công ước Quyền Trẻ em năm 1989. Đây được coi là hiệp ước nhân quyền quốc tế được phê chuẩn nhanh và rộng rãi nhất trong lịch sử.

Theo thống kê, có hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Gia đình của những trẻ em này cố gắng tồn tại với số tiền ít hơn 1,25 USD một ngày. Những đứa trẻ đó thường bị thiếu thuốc men, khó tiếp cận với giáo dục và không có nhà.

Thậm chí, nhiều trẻ em trong số đó không được tiếp cận với nước sạch. Họ không được bảo vệ và phải chịu áp bức, thiếu thốn tình cảm cũng như cơ hội. Họ bị mắc kẹt trong một vòng lặp từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đối với nhiều trẻ em sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, ngày đầu tiên trong cuộc đời cũng là ngày cuối cùng của chúng. Không ít trẻ em chỉ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời trong vài tháng, hoặc vài năm. Tuy nhiên, tình trạng này đã được cải thiện.

Kể từ khi Tuyên bố về Quyền trẻ em được thông qua, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu đã giảm một nửa. Cộng đồng thế giới đang bắt đầu dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em. Tuyên bố đã cải thiện cơ hội của mọi đứa trẻ.

Đồng thời, cho các em cơ hội vượt lên trên sự thiệt thòi và phân biệt đối xử, đẩy lùi những kẻ bóc lột và lạm dụng trong quá khứ, chống lại bệnh tật, sự thiếu hiểu biết, suy dinh dưỡng hay mặc cảm. Nhờ đó, giúp trẻ có thể sống hạnh phúc và phát huy hết tiềm năng.

1/6 là ngày tôn vinh trẻ em.
1/6 là ngày tôn vinh trẻ em.

Mở ra tương lai tốt đẹp

“An toàn và an ninh không xuất hiện. Chúng là kết quả của sự đồng thuận từ tập thể và đầu tư của cộng đồng. Chúng ta nợ con của mình - những công dân dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, một cuộc sống không có bạo lực và sợ hãi”, Nelson Mandela – cựu Tổng thống Nam Phi từng nói.

Bên cạnh 1/6, Ngày Trẻ em Thế giới 20/11 cũng được tổ chức hằng năm, nhằm thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, nâng cao nhận thức của trẻ em trên toàn thế giới và cải thiện phúc lợi của nhóm tuổi này. Bắt đầu từ năm 1954, ngày 20/11 trở thành ngày để tôn vinh trẻ em.

Ngày 20/11/1954 cũng đánh dấu mốc thời gian khi Liên Hợp Quốc thông qua Công ước về Quyền trẻ em năm 1989, có hiệu lực từ năm 1990. Đây là hiệp ước nhân quyền quốc tế được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử. Công ước được 196 quốc gia và vùng lãnh thổ ủng hộ. Công ước đặt ra một loạt các quyền của trẻ em.

Trong đó, mọi trẻ em có quyền được học, được đối xử với phẩm giá và sự tôn trọng. Trẻ em cần được chăm sóc, được phép phát triển và trở thành một phần của cộng đồng. Đồng thời, trẻ em có quyền bày tỏ ý kiến cá nhân và tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng đến họ. Trẻ cũng có quyền được bảo vệ chống lại bạo lực và phân biệt đối xử - dù họ sống ở đâu và không phân biệt nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, khả năng, nơi sinh hoặc địa vị khác.

Điều 28 của Công ước về Quyền trẻ em quy định, mọi quốc gia ký kết phải đưa giáo dục tiểu học trở thành bắt buộc và miễn phí cho tất cả mọi người. Khuyến khích phát triển các hình thức giáo dục trung học khác nhau, bao gồm phổ thông và dạy nghề, cung cấp các hình thức này cho mọi trẻ em. Giúp tất cả mọi người đều có thể tiếp cận giáo dục đại học. Khuyến khích trẻ tới trường và giảm tỷ lệ bỏ học.

Trong khi đó, theo Điều 29, giáo dục phải phát triển đầy đủ nhân cách, tài năng và khả năng của mọi đứa trẻ. Giáo dục đồng thời phải khuyến khích sự tôn trọng của trẻ em đối với các quyền con người, cũng như sự tôn trọng đối với cha mẹ. Giáo dục cũng cần khuyến khích trẻ tôn trọng nền văn hóa và môi trường.

Trong Công ước về Quyền Trẻ em, mọi trẻ em trên thế giới đều có quyền được giáo dục. Tuy nhiên, gần 260 triệu trẻ em - khoảng 1/10 - đã nghỉ học ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Hàng trăm triệu trẻ em khác đã bị gián đoạn giáo dục trong năm nay bởi cuộc khủng hoảng sức khỏe. Không ít người bày tỏ lo ngại rằng, nhiều trẻ em sẽ không bao giờ có thể trở lại lớp học.

“Không thể quên những lời của Công ước về Quyền trẻ em. Vào năm 2020, đại dịch toàn cầu, biến đổi khí hậu, đói nghèo và bất ổn chính trị khiến cuộc sống của vô số trẻ em gặp nguy hiểm. Hành động để thực hiện quyền được giáo dục là chìa khóa để mở ra một tương lai tốt đẹp hơn”, Justin van Fleet - Chủ tịch của tổ chức từ thiện cho trẻ em toàn cầu Theirworld nhấn mạnh.

Hiện tại, cuộc sống của không ít trẻ em trên thế giới được cải thiện. Suzan Mohammad – một học sinh tại Lebanon đã học trực tuyến tại nhà trong thời gian trường đóng cửa. Bởi, giáo viên của nữ sinh này đã được đào tạo và hỗ trợ trong việc giảng dạy từ xa.

“Trong quá trình học tập từ xa, tôi đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc có một chiếc máy tính bảng và sử dụng Zoom. Điều đó giúp chúng tôi được tiếp xúc với giáo viên và khiến tôi hiểu bài”, Suzan chia sẻ.

Trong khi đó, Mohsen (11 tuổi), đến từ Afghanistan cũng bày tỏ niềm hạnh phúc khi được học tập tại Trung tâm giáo dục Tapuat trên đảo Lesvos (Hy Lạp). Trước đó, trung tâm này đã mở chi nhánh thứ hai tại đây.

“Em ở đây trong bốn tháng và ban đầu em nghĩ tiếng Hy Lạp sẽ khó. Tuy nhiên,  bây giờ, em có thể viết nhiều từ. Chúng em cũng đang được học toán. Các giáo viên rất quan tâm đến chúng em. Điều đó khiến chúng em muốn dành nhiều thời gian hơn ở Tapuat”, Mohsen cho biết.

Theo Theirworld; Compassion

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.